LuxeVN – Đã bao giờ bạn phải nản lòng bởi các thuật ngữ chuyên môn miêu tả công năng của chiếc đồng hồ ưa thích? Từ điển phổ thông thì toàn những nghĩa giời ơi, Google lắm lúc cũng phản chủ, cô em nhân viên boutique xinh đẹp thì đang sẵn lòng cắt nghĩa nhưng có vẻ như thế thì hơi bị kém sành điệu.

Tất nhiên, nếu bạn là một chuyên gia thì hãy bỏ qua bài viết này. LuxeVN chọn lựa ở đây là những cụm từ/thuật ngữ thường gặp. Những thuật ngữ ít gặp hoặc “nặng đô” hơn, các bạn cũng có thể tra cứu trong phần Từ điển thuật ngữ. Các nghệ nhân đồng hồ có thể có những cách gọi khác cho cùng một cấu tạo, bộ phận, chức năng được liệt kê phía dưới.

Cửa sổ (Aperture)
Mặt hiển thị phụ, nhỏ trên mặt số đồng hồ. Cung cấp cho người xem thông tin ngày, tháng hay tuần trăng…

Vòng đệm mặt đồng hồ (Bezel)
Là một vòng kẹp bao quanh mặt số, gắn liền với thân vỏ. Ở thế kỷ 19, người ta gắn ổ chân kính trực tiếp vào bộ vỏ qua ổ bản lề. Sau này, ổ chân kính có đai ốc cắt ren và loại đóng tách được sử dụng thay thế. Ổ chân kính trên đồng hồ lặn thường có thể dùng tay xoay được nhằm mục đích đánh dấu thời gian lặn để người đeo căn cứ còn …nổi lại lên mặt nước, chứ ở dưới nước lâu thì mệt lắm!

tudor-black-bay-feat

 Tudor Heritage Black Bay với vòng bezel đỏ

Thân vỏ (Case)
“Case” ở đây không phải là “trường hợp” nhé. Bộ thân vỏ là lớp áo giáp bảo vệ đồng hồ (gồm máy đồng hồ tức “movement”, mặt số và kim). Từ đó suy ra “Case back” là nắp dưới của mặt đồng hồ, dễ hiểu nhỉ.

Một đồng hồ tốt bao giờ cũng phải xem ở chất lượng bộ thân vỏ có “sánh vai với các cường quốc năm châu” hay không. Chủ yếu thân vỏ có dạng hình tròn, cá biệt như đồng hồ của MB&F, thân vỏ toàn “dị dạng”.

MB&F_HM3-MoonMachine2-Ti

MB&F toàn chơi hàng kịch độc

Screen Shot 2014-01-06 at 3.43.26 AM

…Nhìn bộ vỏ là biết kẻ chế tác nghiện nhạc Metal nặng – Supernova của Sarpaneva

Đa chức năng (Complication)
Bất kể một đồng hồ nào có thêm chức năng khác ngoài chỉ giờ và phút thì gọi là đồng hồ đa chức năng. Đa chức năng chủ yếu chia làm ba loại: một là loại đồng hồ có thêm một hoặc một số chức năng định thời (đồng hồ hiển thị giây độc lập, đồng hồ ghi phút) – loại này chưa đắt; hai là đồng hồ có chức năng điểm chuông tới phút (minute-repeater) – loại này bắt đầu đắt; và ba là đồng hồ có chức năng hiển thị thiên văn (lịch vạn niên, tuần trăng) – loại này thực sự đắt. Còn đồng hồ nào kết hợp cả ba loại chức năng kể trên thì thuộc vào loại siêu đa năng (Grand complication), siêu đắt. Các chức năng thường gặp nhất là Chronograph – chức năng tính thời gian, hiển thị tuần trăng, hiển thị ngày và cơ chế điểm chuông.

Chức năng tính thời gian (Chronograph)
Phải dành nói riêng cái chức năng này vì nó phổ biến quá. Đồng hồ Chronograph có hai hệ thống ghi thời gian độc lập, một cho biết thời gian trong ngày bình thường, và một cho phép đo những khoảng thời gian ngắn như một cuộc thi chạy hay thời gian tu hết một vại bia. Chronograph là chức năng thường thấy ở đồng hồ nam.

Núm đồng hồ (Crown hay Winder)
Gọi là núm vì nó đúng là …núm. Núm đồng hồ thường được khía răng cưa, nằm bên sườn vỏ đồng hồ, dùng để chỉnh thời gian hay lên dây (vì thế mà còn gọi là “winder”) cho đồng hồ. Thường thì một bộ thân vỏ đẹp không bao giờ đi cùng một núm vặn xấu. Núm quan trọng và được đặt trang trọng thế nên Tây nó mới gọi là “crown” – vương miện.

Mặt số (Dial hay Face)
Là một chiếc đĩa nhưng không đựng đồ ăn mà để hiển thị thông tin thời gian và các thông tin khác tùy chức năng của đồng hồ.

Vấu lồi (Lugs)
Vấu lồi hay sừng/tai là phần được hàn liền với thân vỏ để gắn dây đeo.

Screen Shot 2014-01-06 at 3.44.07 AM

Nói không phải khen chứ “chàng” có vấu lồi và núm hơi bị đẹp – thân vỏ The Piccadilly của Speake-Marin

Máy đồng hồ (Movement)
Nôm na là “cái” khiến chiếc đồng hồ của bạn chạy được. Máy đồng hồ là một cơ chế cơ khí phức tạp được ráp thành từ nhiều bộ phận ví dụ như khung (Main plate), con ngựa (Escapement), các bánh răng (Wheels), trống (Barrel), trục răng (Arbour), ổ trục hay chân kính (Jewel), dây cót (Mainspring), thanh truyền con lắc (Pallet – cái này giống hình mỏ neo), v.v…

Một máy đồng hồ cơ cần được bảo dưỡng sau khoảng 7 năm hoạt động liên tục để duy trì phong độ. Nhưng thay vì bảo trì miễn phí cho khách hàng, các nhà sản xuất thường làm ra những máy đồng hồ có vòng đời ngắn để thay mới (bán) luôn. Hiện nay, ngành đồng hồ có “dị nhân” Martin Pauli chỉ chuyên dùng máy đồng hồ cơ khí có niên đại trong khoảng 1950 đến 1970 để chế tác.

Screen Shot 2013-11-03 at 6.54.17 AM

Năng lượng dự trữ (Power reserve)
LuxeVN chứng kiến nhiều người thắc mắc “tôi mua đồng hồ cơ sao lại có pin?” (cứ “power” là nghĩ đến pin). Thực ra đây là chỉ số cho biết thời gian hoạt động cho đến khi dừng của một đồng hồ cơ khí khi nó được lên dây hết cỡ.

Chân kính (Jewel)
Thợ sửa đồng hồ nước mình gọi “jewel” là chân kính. Không biết có phải lấy từ tiếng Hán “chân” là thật, “kính” là cứng không? Các đồng hồ cơ khí đắt tiền sử dụng hồng ngọc, ngọc bích, thạch lựu làm hạt chân kính. Chân kính làm giá/trục đỡ, mục đích nhằm giảm ma sát sinh ra từ các chuyển động trong máy đồng hồ.

Chân kính nằm trong các ổ trục bằng kim loại, Tây gọi là “spindle”. Các đồng hồ bình dân cũng có nhu cầu giảm ma sát do đó cũng có chân kính, các hạt này thường được làm bằng chất liệu tổng hợp.

Jewel-Bearings

Chỗ mũi tên chỉ chính là vị trí các hạt chân kính

Screen Shot 2014-01-06 at 3.51.42 AM

…Các bạn có thể thấy rõ hạt chân kính hồng ngọc, bản nét không che, trên máy đồng hồ SM2m Calibre (Speake-Marin Thalassa)

…Tạm cưỡi ngựa xem hoa thế. Vẫn còn nhiều nữa, nếu Quý độc giả có thuật ngữ đồng hồ nào hay xin đóng góp cho LuxeVN nhé!

Xuân Đáo