LuxeVN – Lời tuyên bố của Nick Hayes, CEO của Swatch Group, đã khiến giới mộ điệu cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực đồng hồ không khỏi bất ngờ.

Thông tin này được Nick Hayes chia sẻ trên tạp chí của Thụy Sĩ là NZZ am Sonntag hồi cuối tuần qua.

Theo đó, vi CEO của Swatch Group thẳng thắn đánh giá hội chợ Baselworld không còn giữ được uy tín và tính hiệu quả trong những năm gần đây. Ông cũng chỉ trích sự kiện vốn được coi là quan trọng nhất hàng năm với giới kinh doanh đồng hồ toàn cầu: “Chúng tôi không có mặt ở đây chỉ để trang trải cho những tòa nhà đắt tiền được thiết kế bởi Herzog & de Meuron”, một sự ám chỉ về khu phức hợp triển lãm Basel vị kiến trúc sư nổi tiếng người Thụy Sĩ thiết kế được mở cửa năm 2013.

Gian hàng của những thương hiệu đồng hồ thuộc Swatch Group như Omega sẽ không có mặt trong hội chợ Baselworld năm sau.

Vớ 18 thương hiệu đang sở hữu, trong đó có những cái tên nặng ký như Omega, Longines hay Tissot, Swatch Group đang là tập đoàn phải chi phí nhiều nhất cho mỗi kỳ Baselworld. Cụ thể, họ cho biết mỗi kỳ tham gia sự kiện tiêu tốn của họ tới 50 triệu USD. Như vậy, rõ ràng sự không tham gia của Swatch Group sẽ là một tổn thất rất lớn đối với đơn vị tổ chức Baselworld hàng năm là MCH Group.

Thực tế thì ở Baselworld 2018 vừa tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, số lượng thương hiệu tham gia giảm xuống một nửa, còn 650 gian hàng. Điều này cũng đi kèm rất nhiều chỉ trích từ các thương hiệu về giá tham dự đắt đỏ cũng như công tác tổ chức yếu kém của sự kiện.

Tuy nhiên, cho tới nay, các thương hiệu được đánh giá là “trụ cột” của mỗi kỳ Baselworld như Rolex, Chopard hay nhà LVMH đều chưa có động thái nào cho biết sẽ rút khỏi sự kiện năm tới.

Hội chợ Baselworld đầu tiên được tổ chức vào ngày 15/4/1917 với tên gọi ban đầu là Schweizer Mustermesse Basel (MUBA). Sự kiện này vốn không tập trung vào đồng hồ và trang sức, nhưng tại đây có một buổi triển lãm đồng hồ đeo tay.

Trong một vài năm sau đó, sự kiện này đã thu hút ngày càng nhiều sự chú ý từ những nhà sản xuất đồng hồ. Vào năm 1926, lĩnh vực đồng hồ đã được dành riêng một sảnh lớn để trưng bày và triển lãm. Và tới năm 1931, sự kiện này được đổi tên là Swiss Watch Fair. Một năm sau, cái tên Baselworld chính thức ra đời và xác định đây trở thành hội trợ quan trọng nhất hàng năm của nền công nghiệp đồng hồ toàn cầu.