LuxeVN – Những tên tuổi lớn như Patek Philippe, TAG Heuer hay gần đây nhất là Chanel đã phải điều chỉnh lại giá bán sản phẩm nhằm đối phó với hậu quả của việc đồng Euro suy yếu. Nhưng liệu điều này có lại hiệu quả về lâu dài?

Hồi tuần trước, Chanel đã thông báo giảm giá sản phẩm của hãng tại các cửa hàng tại Hồng Kông và Thượng Hải. Quyết định này khiến các cửa hàng của hãng tại hai thành phố trên luôn kín đặc người xếp hàng mỗi buổi chiều.

LiLy Li, người đứng trong hàng dài trước cửa hiệu Chanel ở quận Trung Hoàn (Central), Hồng Kông trả lời hãng tin Bloomberg: “Đáng nhẽ nó [túi xách Boy Chanel – LuxeVN] giá 37.000 HKD [khoảng 102 triệu đồng] thì giờ rẻ hơn 10.000 HKD [khoảng 28 triệu đồng]. Tôi định đi châu Âu mua nhưng thôi, giờ chẳng cần đi nữa.”

luxevn-chanel-boy-handbag

Túi xách Boy Chanel – một trong những mẫu túi bán chạy nhất của hãng

Việc đồng Euro liên tục mất giá thời gian qua đã nới rộng khoảng cách giá bán hàng hiệu giữa khu vực EU và châu Á. Thông thường, giá các mặt hàng cao cấp tại Trung Quốc hay Việt Nam cao hơn 60-70% so với các cửa hàng châu Âu – theo số liệu của công ty đầu tư Exane BNP Paribas.

luxevn_chanel_shanghai_queue

Khách xếp hàng chờ vào mua túi xách Chanel tại trung tâm thương mại IFC, Thượng Hải

Điều này khiến nhiều công ty, kể cả có những công ty tư nhân như Chanel SA bị đe dọa về hình ảnh. Người phát ngôn của nhà mốt nói nó khiến các khách hàng của Chanel hoang mang và kích thích thị trường túi giả. Chưa hết, internet cũng là một nguyên nhân khiến các hãng khó che đậy được sự chênh giá giữa hai khu vực và đẩy khách hàng đến với vòng tay của các bên bán hàng xách tay trên mạng thay vì đến mua tại các cửa hàng chính hãng.

Nói về quyết định giảm giá bán, vị đại diện của Chanel cho biết thêm: “Quyết sách này giúp chúng tôi cung cấp sản phẩm với mức giá ‘điều hòa hơn’ cho khách hàng dù họ ở đâu. Thị trường mua đi bán lại dựa trên chênh lệch về giá thực sự gây tổn thất cho doanh nghiệp.”

Trước Chanel, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Patek Philippe đã giảm khoảng 14% giá sản phẩm bán ra tại Trung Quốc. Một hãng đồng hồ khác, TAG Heuer – công ty đang nỗ lực tìm lại hình ảnh của mình trong phân khúc đồng hồ cao cấp, tuyên bố sẽ giảm giá tại một số khu vực bao gồm Trung Quốc trong khi duy trì giá bán tại một số thị trường khác.

Dù lợi nhuận mang lại từ chênh lệnh tỉ giá không còn nhưng, bù lại, những công ty quyết định giảm giá bán như Patek Philippe, Chanel hay TAG Heuer tìm được miếng bánh lớn hơn trên thị trường giữa lúc khó khăn. Hàng dài người đứng chờ ngoài cửa hiệu Chanel ở Thượng Hải và Hồng Kông là một cảnh tượng rất khác so với tình trạng buồn tẻ tại cửa hiệu của Gucci, Cartier hay Bulgari cách đó không xa.

Dẫu vậy, ông Luca Solca, chuyên gia phân tích của Exane BNP Paribas, bình luận rằng nếu việc giảm giá bán trở thành xu hướng, nguy cơ tổn thất là không nhỏ: “Điểm mấu chốt – và là nguy cơ tiềm tàng cho ngành cao cấp – là càng nhiều thương hiệu nhảy vào quyết định hạ giá bán, càng dễ xảy ra hiệu ứng quả cầu tuyết*.”

[*]: Hiệu ứng quả cầu tuyết: trong trường hợp này, thuật ngữ được dùng để miêu tả sự tích lũy các nguy cơ tiềm ẩn. Khi một quả cầu tuyết lăn dốc, dưới tác động của trọng lực, các lớp tuyết ngày càng dày hơn dẫn đến quả cầu to, nặng hơn và dĩ nhiên, nguy hiểm hơn.

Phương Chi