LuxeVN – Khi nhận được câu hỏi này, câu trả lời tưởng như rất đơn giản: vì tôi thích nó. Trên thực tế, có rất nhiều lý do dẫn đến quyết định mua một đôi giày. Ngoài mục đích sử dụng, còn có thể vì nó hợp mốt, bạn hâm mộ thương hiệu, kiểu dáng, cách phối màu, hay nó mang đến cho bạn một thứ tình yêu bất chợt nào đó không thể lý giải…

Không thể phủ nhận, sneakers đã trở thành một trong những xu hướng thời trang được ưa chuộng nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, và nó sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cùng sự trỗi dậy của thế hệ Z – nhóm khách hàng quyền lực luôn đặt sự tiện dụng và thoải mái lên hàng đầu.

Giày sneakers là yếu tố không thể tách rời của trào lưu Athleisure

Nhiều người vẫn cho rằng cơn bùng phát sneakers bắt nguồn từ trào lưu Athleisure do giới trẻ khởi xướng nhưng nếu lần lại lịch sử, sneakers đã luôn được mê mẩn ngay từ khi nó xuất hiện và các nhà kinh doanh tài ba cũng vô cùng khéo léo khi gắn sản phẩm của mình với một sự kiện, một nhân vật nổi tiếng hay một xu thế xã hội nhất định để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của khách hàng.

Tại Việt Nam, giày sneakers Adidas được ưa chuộng hơn Nike và các hãng khác

Cho nên, rất nhiều người sẵn sàng mua một đôi sneakers vì những câu chuyện đằng sau nó: như dòng Mexico 66 của Onitsuka Tiger gắn liền với huyền thoại Lý Tiểu Long và cũng là đôi giày ưa thích của Hoàng tử Anh quốc William, giày bata Converse lại được huyền thoại rock Kurt Cobain của nhóm Nirvana sử dụng trong những ngày cuối đời, những đôi Air Jordan của Nike cho đến giờ vẫn được ưa chuộng như cách đây 20 năm vì nó từng thuộc về siêu sao bóng rổ vĩ đại nhất nước Mỹ Mike Jordan, còn dòng Adidas Superstar vào cả ca khúc My Adidas của rapper lừng lẫy Run DMC… Đây chính là giá trị gia tăng không thể đo đếm được bằng tiền, tạo ra những cảm xúc vô cùng khác thường cho người mua – đặc biệt là nhóm hâm  mộ trung thành của thương hiệu.

New Balance ML999SP phiên bản giới hạn lấy cảm hứng từ cảnh sát điều tra

Cũng như vậy, nhiều người thích mua sneakers vì họ có thể tìm được những sản phẩm “giới hạn” hoặc “đặc biệt” (limited và special edition), đồng nghĩa với việc sẽ rất ít người sở hữu được một đôi giày giống vậy. Giày Tây, dù thương hiệu khác nhau, xuất xứ khác nhau nhưng đi vào chân trông luôn na ná nhau,  trong khi đó, sneakers luôn có sự khác biệt rõ nét về màu sắc, kiểu dáng, chưa kể người dùng cũng dễ dàng chỉnh sửa, thêm thắt theo ý mình (thay dây chẳng hạn).

Về phương diện này, người Nhật vẫn chứng tỏ họ là những bậc thầy: giầy Onitsuka Tiger luôn có những phiên bản giới hạn theo nhiều chủ đề khác nhau: phim ảnh, nhân vật, quốc gia, năm âm lịch, các mốc thời gian… Giá đắt nhưng vẫn bán chạy như tôm tươi vì tính chất độc đáo của chúng.

Colorado 85 – dòng sản phẩm quen thuộc của Onitsuka Tiger

Dĩ nhiên, không thể bỏ qua một lý do quan trọng bậc nhất: sự thoải mái. Cuộc cạnh tranh không mệt mỏi giữa các nhà sản xuất đã mang đến cho thị trường những sản phẩm ngày càng tối ưu về chất lượng: nhẹ hơn, bền bỉ hơn, tiện dụng hơn và chắc chắn là thoải mái hơn. Thậm chí nhiều hãng đã làm ra những đôi sneakers trông không khác gì giầy Tây để mặc với đồ công sở, “trà trộn” vào những sự kiện quan trọng mà không bị ai phát hiện ra. Ngày càng nhiều hãng thời trang truyền thống cũng nhảy vào làm giày sneakers hoặc bắt tay cùng các đại gia như Adidas, Nike, Puma, Reebook… để cho ra mắt những bộ sưu tập riêng, cho thấy sức hút của xu thế này là không gì cưỡng nổi.

Air Max Presto – sản phẩm hợp tác giữa Nike và nhà mốt Off-White

Những người cá tính lại càng có nhiều lý do để mê mệt sneakers. Bởi họ được thỏa sức “đánh đu” cùng đủ loại màu sắc dưới chân mà không sợ bị “quê độ”. Đã qua rồi cái thời giày sneakers chủ yếu dùng gam trắng – đen hoặc pastel. Đây là thời điểm trăm hoa đua nở, từ xanh dương tới xanh lam, từ nõn chuối tới màu cam, vàng đỏ cũng chỉ là những sắc màu bình thường, thậm chí cánh mày râu đi giày hồng cũng không bị chê là ái. Năm ngoái, đôi giày Asics màu tím của Thủ tướng Canada Justin Trudaeu cũng đã khơi lên một làn sóng tìm kiếm nho nhỏ trong giới trẻ Việt Nam khi ông diện nó chạy bộ trên đường phố Sài Gòn.

Nói về nghệ thuật phối màu thì Asics của Nhật Bản vẫn độc đáo nhất thế giới

Hầu hết người mê sneakers đều hết sức trung thành với một thương hiệu cố định, và thương hiệu nào càng có nhiều sản phẩm khác biệt sẽ càng dễ lôi kéo khách hàng vãng lai trở thành “người quen”. Như Nike hay Asics cùng thương hiệu con Onitsuka Tiger là những ví dụ rất điển hình.

Viết sneaker hay sneakers đều không sai, bởi một được dùng trong tiếng Anh, một trong tiếng Mỹ. Sneakers theo khái niệm ban đầu là loại giày đế mềm làm từ cao su hoặc vật liệu tổng hợp và phần trên làm bằng da hoặc vải bạt. Từ sneakers được sử dụng lần đầu năm 1917 bởi một nhân viên quảng cáo tên Henry Nelson McKinney. Có thể coi Converse là công ty đầu tiên có dòng sản phẩm sneakers trở thành biểu tượng: Converse All Star. Tiếp theo đến Adidas, Puma, Asics, Nike, Vans, Reebook… lần lượt xuất hiện. Năm 1950, tấm ảnh siêu sao Hollywood James Dean mặc quần Levi’s đi giày sneakers trắng đã thực sự biến nó thành hiện tượng thời trang, gây sốt trong giới thanh thiếu niên Mỹ và nhanh chóng lan sang cựu lục địa.