LuxeVN – Chân nhân thường bất lộ tướng. Ở vùng ven của thủ đô Bern (Thụy Sĩ), nằm trên tầng 4 của tòa nhà Stufenbau, người ta bắt gặp Martin Pauli đang miệt mài làm việc trong xưởng chế tác của ông mà trước đây vốn là nhà máy sản xuất bông cotton. Cũng chính tại nơi này, những mẫu đồng hồ độc bản Angular Momentum đã ra đời.
>>>>> Martin Pauli – Người đàn ông thú vị nhất thế giới đồng hồ.
>>>>> Magnus/II: Ma thuật của đồng.
>>>>> Le Detroit “giương buồm cập bến” Penang.
Tòa nhà Stufenbau (có nghĩa là “Bậc thang”) được xây dựng từ năm 1924.
Mở cánh cửa và bước vào, bạn không khỏi có cảm giác ngỡ ngàng, không gian cổ kính đang hiện ra trước mắt khác xa với các xưởng sản xuất đồng hồ công nghiệp hiện đại được bảo vệ nghiêm ngặt như ở Geneva hay vùng Joux.
Thật vậy, không gian làm việc của Martin Pauli có thể coi như một viện bảo tàng với những máy công cụ như từ thời “Napoleon chưa mặc quần” được chủ nhân cố tình sắp đặt một cách “ngẫu nhiên”. Trong diện tích của một nửa tầng nhà, bầu không khí yên bình và thư thái đến nỗi một chú mèo của nhà bên vẫn thường xuyên ghé thăm Pauli. Lại gần chiêm ngưỡng cơ man máy móc ấy, ta thấy có những dụng cụ chế tạo thân vỏ đồng hồ, một bàn vẽ các chi tiết siêu vi, cách đó không xa là một bàn vẽ sơn mài Nhật Bản, một chiếc bàn khác là nơi Martin Pauli dành để xử lý men sứ đang bày la liệt những dụng cụ chạm khắc. Cũng tại đây, ông đã cho ra đời những mẫu đầu hồ độc bản Angular Momentum, từ quá trình vẽ thiết kế, chế tác và tự tay chụp hình chúng.
Chiếc đồng hồ Angular Momentum là một cuộc “dấy binh khởi nghĩa” của Martin Pauli “chống lại” lối hiện giờ truyền thống trên đồng hồ đeo tay. Angular Momentum bỏ đi kim chạy và mặt số cố định bằng một đĩa mặt số xoay và kim chỉ giờ cố định (vốn là một đại lượng vật lý, cái tên “Angular Momentum” được Martin Pauli chọn để chỉ lực mô-men xoắn làm xoay đĩa số). Chính thiết kế này đã tạo nhiều “đất” để Martin Pauli thả hồn vào những bức tiểu họa lên mặt ngoài của những chiếc Angular Momentum, bên dưới lớp kính sapphire. Có nghĩa là, những bức tiểu họa phải được vẽ ngược (giống như bạn cố đọc chữ khi nhìn một quyển sách qua gương vậy – nó khó đến thế nào!).
Trước tiên, Pauli dùng băng keo tối màu để che bên ngoài của kính sapphire, thủ thuật này giúp cho ông tập trung theo đúng phác thảo khi làm việc dưới kính hiển vi. Sau đó, ông sử dụng các màu tự nhiên đã qua xử lý từ trước lên một lớp mỏng nước cường toan (hỗn hợp của dung dịch axit nitric và dung dịch axit clohidric, có khả năng hòa tan vàng và bạch kim); các màu này sẽ được rải đều tùy theo hình tiểu họa bằng một dụng cụ giống như cây kim khâu hoặc một bàn chải có duy nhất một sợi lông cứng. Mặt vẽ sẽ được Martin Pauli xử lý qua một lần nhiệt để loại hết độ ẩm và cho ăn ba lớp sơn mài Nhật (Urushi) có tác dụng như ba lớp áo bảo vệ. Bức tiểu họa sẽ có một cửa sổ kính nhỏ (aperture) để xem giờ.
Bất kể một chiếc Angular Momentum có mặt đồng hồ là một bức tiểu họa, sơn mài Nhật hay là men dạ quang thì máy đồng hồ của nó đều được lựa từ bộ sưu tập cá nhân của Martin Pauli – mà theo tiết lộ của ông số máy đồng hồ này lên đến khoảng 1.000 chiếc. Tất cả những “quả tim cơ khí” này được ông cất giữ nghiêm cẩn trong một chiếc tủ tường Châu Âu cổ. Pauli nói rằng những “quả tim” này có thể đập 15 đến 20 năm mà không cần “bơm máu”. Điều này càng có ý nghĩa khi mà trước đây việc bảo dưỡng và sửa chữa máy đồng hồ của đồng hồ cơ Thụy Sĩ được thực hiện miễn phí cho khách hàng, thì nay nó là một ngành kinh doanh phát đạt.
Một chiếc Angular Momentum độc bản có giá khoảng 1,1 tỷ đồng, một số tiền lớn. Nhưng nên nhớ rằng, với một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ của các thương hiệu khác (nếu có thể được xem là “đối thủ” của Martin Pauli) thì chỉ tính riêng bức tiểu họa “hao hao” như của Angular Momentum đã có giá đến 1,8 tỷ đồng. Việc Martin Pauli tự mình đảm trách tất cả các khâu đương nhiên sẽ khiến chủ nhân của một chiếc Angular Momentum không phải gánh chi phí cho hệ thống kinh doanh như khi mua một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ khác. Tuy nhiên, Pauli cũng “chọn mặt, gửi vàng” cho những cá nhân, tổ chức mà ông tìm thấy ở họ sự đồng điệu và trân trọng đủ để bán những chiếc Angular Momentum ra thị trường.
Đồng hồ của Martin Pauli, có thể gọi là những kiệt tác, thể hiện đầy đủ những kỹ năng tuyệt hiếm mà ông sở hữu.
Bên cạnh Angular Momentum, Pauli cũng làm những chiếc đồng hồ mang nhiều tính truyền thống hơn, giá “dễ chịu” hơn. Chúng giúp ông có thể trang trải cuộc sống và duy trì được tính chất độc lập trong công việc. Sự hồi sinh của The Metiers d’Art là một tin vui đối với Martin Pauli và những người làm đồng hồ độc lập nói chung, Pauli tâm sự rằng: “Tôi nghĩ đó là một kênh marketing tốt vì bạn có cơ hội chứng tỏ được sản phẩm của bạn là sản phẩm chế tác thủ công (“Manu Propria”). Tôi chắc chắn rằng tôi được hưởng lợi từ việc The Metiers d’Art đi vào hoạt động trở lại.”
Miu | Biên dịch từ bài viết của tác giả Paul O’neil (Europastar.com)