Sau 18 tháng nghiên cứu, bộ phận phát triển và kiểm tra của Hublot ra mắt chiếc đồng hồ lặn Oceanographic 4000. Đúng như tên gọi, đồng hồ có thể chịu nước được tới độ sâu 4.000m.

Oceanographic 4000 được chính thức giới thiệu bởi hoàng tử Monaco, Albert II và giám đốc điều hành của Hublot, Jean-Claude Biver. Lần đầu tiên, bảo tàng hải dương học nổi tiếng của Monaco cùng với viện nghiên cứu hải dương học do hoàng tử Albert I sáng lập, đồng ý liên kết với một chiếc đồng hồ.

Trong bộ sưu tập Oceanographic, Hublot giới thiệu 2 loại: 731.NX.1190.RX – đồng hồ vỏ titanium có giá khoảng 417 triệu đồng (19.900 USD) sản xuất với số lượng hạn chế 1.000 chiếc; 731.QX.1140.RX có vỏ bàng sợi các-bon với giá 543 triệu đồng (25.900 USD) sản xuất với số lượng hạn chế 500 chiếc.

Để đảm bảo tiêu chuẩn chịu được áp lực nước ở độ sâu 4.000m, chiếc đồng hồ phải có đủ các chi tiết đạt tiêu chuẩn quốc tế của đồng hồ Thụy Sĩ (NIHS). Hublot đã kiểm tra chiếc đồng hồ trong bể Roxer – bể được tạo các điều kiện về áp suất tương đương với độ sâu 5.000m. Để đảm bảo độ kín nước và chịu áp suất, lớp sapphire nhân tạo của đồng hồ được làm dày tới 6,5mm.

Mặt sau của Oceanographic 4000 được làm bằng titanium cấp độ 2. Vỏ đồng hồ làm từ titanium hoặc sợi các-bon. Để có thể xem giờ ở khoảng cách 25cm trong môi trường tối, mặt đồng hồ, các cạnh và kim được đặt trong một diện tích lớn phủ lớp SuperLuminovaTM – vật liệu phát quang có màu xanh lá cây.

Đồng hồ có 2 núm vặn được bắt vít chặt. Núm vặn đặt giờ lặn nằm ở vị trí 2 giờ cho phép dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Núm vặn này chỉ có 1 chiều và được bảo vệ bằng một vòng bảo vệ lớn bên ngoài. Núm vặn còn lại để lên dây và đặt ngày giờ đặt ở vị trí 4 giờ để thao tác giữa 2 núm vặn không bị vướng.

Cuối cùng là van helium – một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho mọi đồng hồ lặn có khả năng xuống sâu. Van này sẽ làm thoát khí heli khi đồng hồ xuống một độ sâu nhất định để giảm áp lực nén. Van helium được làm bằng thép không gỉ, đặt ở vị trí 10 giờ phía cạnh trái của đồng hồ.