JH – Ông có vẻ là một nhà sáng tạo không chỉ với đồng hồ. Ông còn tham gia những loại hình nghệ thuật gì nữa?
MP – Khi học việc tôi đã được học để tạo ra các thiết kế cho cửa hàng cửa sổ, từ tượng Ganesha cao 3m được làm bằng xốp polystyren cho một đợt khuyến mại tại Sri Lanka, cho tới việc chép và bức hoạ của Monet với tỷ lệ gấp đôi. Trong quá trình học việc, tôi cũng tham gia các khoá học về thiết kế đồ hoạ, vẽ kỹ thuật, điêu khắc… Từ 1980-1987, tôi chuyển sang chế tác dao và đã có cơ hội triển lãm các tác phẩm của mình vòng quanh thế giới.
Tôi ngừng chế tác dao sau khi công nghệ CNC bắt đầu xuất hiện trong ngành công nghiệp. Sau đó, tôi tập trung tới việc chế tạo trang sức và những công việc liên quan tới kim hoàn. Điều này cuối cùng là một yếu tố cấu thành giúp tôi có thể tự tay chế tác ra một chiếc đồng hồ. Ngày nay, tôi đang chú tâm học các kỹ thuật như sơn mài Nhật Bản (Urushi) và tôi vẫn đang tiếp tục liên lạc, trao đổi với rất nhiều nghệ sĩ sơn mài tại Nhật. Gần đây, tôi cũng đã bắt đầu làm gốm với bàn xoay.
TF – Điều gì đã cho ông cảm hứng về Nhật Bản và nghệ thuật của đất nước này?
MP – Lần tiếp xúc với châu Á đầu tiên là khi tôi còn rất trẻ và có hứng thú với võ thuật. Tôi học Taekwondo tại võ đường của thày Kim Myung Soo – người có thứ hạng và kỹ thuật cao nhất tại liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF – World Taekwondo Federation) vào thời điểm đó. Thật đáng tiếc ông đã qua đời vào năm 1994. Sau vài năm, tôi quyết định dừng tập Taekwondo và chuyển sang học Kendo.
Khi làm dao, tôi đã chú ý tới Nhật Bản với những con dao, thanh kiếm và bao kiếm đặc biệt cùng với vẻ đẹp và chất lượng đặc biệt của những sản phẩm kỹ nghệ Nhật Bản.
Năm 1992, tình cờ tôi phát hiện ra một nghệ thuật cổ truyền hiếm có của Nhật Bản mang tên “Suiseki” (tên gọi của Nghệ thuật thưởng thức đá). Nghệ thuật này sưu tập những viên đá tự nhiên gợi tới những cảnh đẹp, phong cảnh tự nhiên hay những nhân vật tôn giáo, kết hợp với các bức thư pháp và những vật phù hợp để trang trí góc phòng hoặc một góc phòng khách… Đó là một nghệ thuật phức tạp và vẫn quyến rũ tôi tới tận ngày nay. Để học thêm về Suiseki, tôi đã học tiếng Nhật để có thể đọc sách và các catalogue về chủ đề này. Nhanh chóng, tôi đã tới Nhật để gặp chủ tịch hiệp hội Suiseki Nhật Bản – ông Matsuura Arishige, người đã trở thành thày giáo và bạn của tôi.
Kể từ đó tôi hay tới Nhật Bản khi công việc cho phép. Tôi viết những bài viết về nghệ thuật Suiseki cho các tạp chí quốc tế và đi vòng quanh thế giới để diễn thuyết về Suiseki và cái nhìn của Nhật Bản về thiên nhiên.