LuxeVN – Chính quyền đặc khu không có biểu hiện nhượng bộ, giới sinh viên vừa phát đi lời kêu gọi một đợt sóng xuống đường mới, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã chòm chèm bay hơi 50 tỉ đô-la. Từ vịnh Đồng La đến quận Chiếm Sa Chủi, từ túi xách Fendi đến đồng hồ Rolex, doanh nhân ở Hương Cảng đang toát mồ hôi…

Đứng vẫy taxi trong vô vọng, David Dương, thương gia đến từ Hàng Châu, bức xúc rít đỏ nòng điếu thuốc: “Tôi sẽ không bao giờ quay lại. Fendi có bán hàng đâu? Hồng Kông còn gì quyến rũ tôi?” Không chỉ những người đại lục đến để mua sắm như họ Dương ức chế, ở phía bên kia “chiến tuyến”, Jason Phùng, blogger người Hồng Kông viết: “Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ kinh doanh phát đạt trên đất này nhưng khi chúng tôi cần thì họ làm ngơ.”

Động tác “làm ngơ” mà Jason Phùng nhắc đến ám chỉ triển lãm “Watches & Wonders” do tập đoàn Richemont tổ chức, bế mạc hôm thứ Tư, mồng 2.10 tuần trước, ngay giữa cao trào của “Occupy Central” – phong trào biểu tình dân chủ ôn hòa, Chiếm lĩnh Trung Hoàn. Phía bên trong cửa kính của Trung tâm Triển lãm Hồng Kông, A. Lange & Sohne, Piaget và Vacheron Constantin… đang trình bày về chiếc đồng hồ mới, ở bên ngoài, đoàn người biểu tình gồm chủ yếu là sinh viên lĩnh những trận đòn hơi cay của cảnh sát. “Họ không thèm nhắc đến chúng tôi lấy một lời!” – Jason Phùng viết trong giận hờn.

Ngoài là tác giả của một cuốn sách sắp xuất bản nói về sự khác biệt và những cơ hội mở ra giữa phương Tây và Trung Quốc, Jason Phùng còn là một nhà sưu tầm đồng hồ. Xét về tình cảm thì có yêu mới có giận. Hồng Kông không những là cửa ngõ vào thị trường châu Á của ngành đồng hồ cao cấp, mà còn góp mỗi năm từ 15-20% doanh thu mặt hàng này cho các tập đoàn LVMH, Swatch hay Richemont.

IMG_1949

Đoàn người biểu tình trước cửa hàng của Rolex tại khu vịnh Đồng La (Causeway Bay). Ảnh: Jason Phùng

Với lối sống làm được, tiêu được định hình từ thời Anh quốc quản chế, cộng với lượng du khách mua sắm đại lục và khắp nơi đổ về hằng năm, các hãng đồng hồ xa xỉ nói riêng và ngành cao cấp nói chung đã rót một số vốn khổng lồ đầu tư vào Hồng Kông. Mua hàng hiệu ở thành phố này không chỉ là một trải nghiệm cho ra dáng triệu phú. Xa xỉ phẩm ở Hồng Kông, nhờ áp thuế thấp, rẻ và phong phú hơn nhiều nếu so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Manh nha từ năm ngoái, nổ ra từ 27.9 năm nay, phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn khiến hầu hết các “điểm G” mua sắm lãnh cảm. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research, 6 tháng đầu năm 2014, doanh số của Richemont và Swatch đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, một báo động nếu đặt vào con số 20% doanh thu đã nhắc đến phía trên. Điện tâm đồ của sụt giảm biến thiên cùng nhịp với diễn biến căng thẳng giữa chính quyền và dân chúng. Cũng theo Bernstein Research, mức tăng trưởng của toàn bộ các nhãn hàng hiệu trong nửa đầu năm nay là 3% – một con kiến nếu so với con voi, mức tăng 20% của năm 2013.

Nếu đòi hỏi của những người Hồng Kông như Jason Phùng rằng các hãng đồng hồ xa xỉ phải thể hiện thái độ ủng hộ, hay chí ít, thừa nhận phong trào biểu tình là hoàn toàn thông cảm được chiểu theo mô-típ phim bộ TVB thì xét về logic, dù theo phe nào, các công ty cũng đều gặp bất lợi.

Dẫu biết xáo trộn trong làm ăn là cực kỳ tối kỵ. Nhưng trên thực tế, các hãng đồng hồ, vốn không lạ gì tính chất biến động của lịch sử, giờ đây cũng sẵn sàng chuẩn bị tâm lý. Rất có thể, một lối thoát đã được tính toán chi ly. Người ta bắt đầu nhắc đến Macao như một siêu dự bị trong trường hợp Hồng Kông chấn thương không thể tiếp tục thi đấu. Các tín hiệu lo lắng phát đi ngày một rõ ràng sau khi chính quyền hủy bỏ đối thoại. Tối qua, khoảng một vạn thanh niên hưởng ứng lời kêu gọi đã có mặt tại trung tâm thành phố để tiếp tục phong trào dân chủ trong không khí ôn hòa nổi tiếng.

Cách đây hơn hai thế kỷ, nghệ nhân đồng hồ Breguet phải trốn khỏi nước Pháp trong cao trào của cuộc cách mạng tư sản. Người giúp ông trốn thoát lại chính là Marat, lãnh đạo phe cách mạng.

Thanh Ngọc