LuxeVN – Tôi tới Nhật Bản và tôi ăn mỳ. Nghĩ rằng mình muốn chụp cái gì đó về mỳ nhưng tôi… không chụp tô mỳ. 

Bởi tôi nhận ra những tô mỳ tuyệt ngon đó không còn ngon bởi nước dùng, bởi sợi mỳ hay miếng thịt chế biến theo cách riêng của mỗi tiệm mỳ ở cái xứ được coi là quê hương mỳ ăn liền này.

Ăn tô mỳ ngon là thưởng thức một ý tưởng về chuyện ăn, một không gian và thậm chí cả một lối sống qua cách bạn ăn. Nói một cách khác, khi ăn những tô mỳ ở Nhật Bản thì ngon là điều tất nhiên rồi, chỉ là “ngon” như thế nào mà thôi. 

Tô mỳ trong bức ảnh này chỉ thấp thoáng. Nhưng bức ảnh này lại thể hiện cách mà người ta ăn 1 tô mỳ Ichiran ở Kyoto.

Ichiran là thương hiệu mỳ ramen khá nổi tiếng của Nhật Bản. Từ một cửa hàng mỳ gia đình cha truyền con nối, giờ đây thương hiệu này đã phát triển thành một dạng chuỗi cửa hàng tại một số thành phố lớn của nước Nhật như Tokyo, Kyoto, Osaka… 

Tuy nhiên, (như bạn thấy trong hình) đừng hình dung khái niệm chuỗi cửa hàng như cách mà những chuỗi kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Việt Nam ta đang làm. Các quán mỳ Ichiran vẫn giữ nguyên không khí cổ điển với vách gỗ, cốc sứ và tất nhiên là hương vị tô mỳ ramen không hề thay đổi về chất lượng so với nguyên gốc cũng như giữa các quán khác nhau (điều này tôi cũng đã trải nghiệm qua 2 cửa hàng ở 2 thành phố).

Người Nhật gọi Ichiran là “quán mỳ cô đơn”. Còn dân Việt ta từng thưởng thức món mỳ này thì gọi nó là “mỳ tự kỷ”. Đơn giản vì một trong những điểm đặc biệt nhất của các quán mỳ Ichiran là mỗi người sẽ ngồi trong một cái khoang được ngăn cách với người bên cạnh bằng tấm vách gỗ. Và trừ thời điểm đứng xếp hàng còn lại hoàn toàn việc ăn mỳ của bạn không có sự tiếp xúc với gương mặt con người nào.

Để tôi tả bạn nghe quy trình ăn một bát mỳ Ichiran: 

Đầu tiên là xếp hàng, thường là 30 phút, nếu may mắn là 10 đến 15 phút nhưng khoảng 1 giờ đồng hồ cũng có. Đây là giai đoạn duy nhất bạn được tiếp xúc với nhân viên của quán. Họ sẽ điều phối bạn vào chỗ ngồi, phát cho bạn tờ giấy đăng ký các tiêu chuẩn của bát mỳ theo khẩu vị của thực khách (độ mặn, độ cay, độ nồng, lượng mỳ, lượng hành…).

Trong quá trình xếp hàng, bạn cũng làm luôn công việc order nhưng là qua chiếc máy tự động. 

Khi đã có chỗ, bạn sẽ được dẫn vào khoang của mình.

Nước lọc lạnh 1 bình kèm cốc. Một đôi đũa và một chiếc khăn ướt. Bạn không dùng khăn ướt? quay lại là hộp khăn khô treo trên tường.

Và bạn được phục vụ.

Bởi đôi tay và giọng nói. Tờ giấy “đăng ký khẩu vị” cùng những mẩu hoá đơn bé xíu được nhân viên “xử lý” qua ô cửa nhỏ nối giữa thực khách và bếp. Ở đó, bạn chẳng được nhìn thấy gương mặt người phục vụ mình mà chỉ là đôi tay, giọng nói. Cứ thoăn thoắt cả ở lời nói và động tác, sau khoảng 5 phút bạn sẽ có đủ những thứ đã bỏ tiền để thưởng thức: một bát mỳ đúng theo khẩu vị kèm những thứ bạn thêm và đồ uống theo đúng yêu cầu.

Chỉ thế thôi, những bát mỳ không “tác giả” nhưng sự hoàn hảo và cảm xúc là có thật. Đó là sự hoàn hảo hằn vào vị giác và đẩy thẳng lên 1 khu vực dù có khi còn xíu xíu trên bộ nhớ của thực khách. Nhưng đó cũng là một thứ chuẩn mực tới mức khó chịu khi con người nhận ra mình đang ở tận cùng của tình thế cá nhân.

Bức ảnh này chụp khoảng cuối giờ chiều ở một con phố tại Osaka. Một quán mỳ đứng.

Đơn giản là chẳng có chỗ nào mà ngồi cả, muốn ăn tô mỳ, bạn chỉ có cách đứng ăn thôi.

Tôi thích bức ảnh mà mình chụp được.

Nhật Bản là đất nước của những thái cực. Cổ điển và hiện đại (thậm chí viễn tưởng), già và trẻ, chuẩn mực và phá cách, nhanh và chậm (thậm chí vô cùng nhanh và cực kỳ chậm).

Và bức ảnh này là điển hình của sự hài hoá khó tin giữa những thái cực cuộc sống. Tô mỳ mà người công chức kia ăn được xử lý trong khoảng 3 phút nhưng vẫn là một tô mỳ ramen không thể hoàn hảo hơn với hương vị đặc trưng của một quán mỳ vốn cũng khá lâu đời.

Thực khách ăn với những động tác và tốc độ nhanh hơn bình thường, nhưng vẫn vui vẻ tiếp chuyện anh chàng phục vụ giống như cách bạn vào quán bar quen vào cuối ngày và không cần nói nhiều, ly đồ uống đúng ý được đặt trước mặt.

Tôi nghe nói có tín đồ mỳ Nhật Bản đã từng ăn thử mỳ ở mấy trăm quán khắp đất nước này. Không biết thực hư sao nhưng con số đó tôi tin là có thực bởi ở đây, đi đâu cũng thấy quán mỳ và thực sự chỉ bước vào một hàng bất kỳ, vô danh ở một góc phố nhỏ, bạn cũng được thưởng thức một bát mỳ ngon tới mức khó quên.

Mỳ, thứ đồ ăn đã đi vào đời sống thường ngày của người Nhật. Tôi không biết mình có quá lời không, nhưng có cảm giác nó chính là một trong những gạch nối, lời lý giải thú vị cho cái sự hài hoà những giá trị tưởng chừng va đập ở đây.

Tôi chụp bức hình này trong buổi tối cuối cùng ở Kyoto. Và với tôi, đó là việc cần phải làm trước khi rời khỏi thành phố ấy trong chuyến đi. Bởi tôi bị ấn tượng ngay từ ngày đầu tiên nhìn thấy quán mỳ này.

Một quán mỳ nằm đúng ngã tư đường, một con phố vắng vẻ ngay cả ở những thời điểm được coi là giờ cao điểm. Nhưng nếu bạn đứng ở bên kia ngã tư và nhìn sang, tôi tin bạn sẽ giống như tôi, hình dung ngay tới bức hoạ Nighthawk của Edward Hopper.

Một bối cảnh tối giản. 

Đúng vậy. Đó là điều khiến tôi ấn tượng.

Một quán mỳ không bao giờ có người xếp hàng. Nhưng tôi đã quan sát trong 4 ngày, thực khách đang và sau khi ăn đều có vẻ mặt khiến tôi nghĩ tới một từ duy nhất: vị kỷ.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà sự đơn độc thấm đượm trong từng con người như Nhật Bản. Thái độ đóng, sự kín kẽ (hay cả kín tiếng) và ánh mắt luôn ở “cửa dưới” (như cách dân ta khoảng 2 chục năm nay vẫn hay nói) khi tiếp xúc với người khác là điều không thể phủ nhận khi bạn tiếp xúc với người Nhật ở trên chính đất nước của họ.

Tôi không bình luận đó là thái độ đúng sai. Nhưng sự vị kỷ với quán ăn thì tôi lại nhiệt thành ủng hộ.

Bức ảnh tôi chụp bằng điện thoại iPhone nên không thể lột tả thái độ khó chịu của anh chàng phục vụ đứng sau quầy bar (mà tôi không biết có phải chủ quán không). Nhưng sau khi chộp nhanh 2 shot, tôi bị phản ứng đuổi đi chỗ khác chơi.

Và tôi không giận anh về điều đó. Thậm chí tôi thoả mãn với cái thái độ “Để chúng tôi yên” của anh! Bởi tôi cảm thấy anh như một người chăm sóc những thực khách của mình. Dù họ chẳng hề biết rằng đang có kẻ quấy rầy ngoài kia. Nhưng người chăm sóc thì không thể để sự hưởng thụ đầy vị kỷ đó bị quấy rầy.

Thú thực với bạn, tôi không nhớ tên quán mỳ này. Nhưng có nhớ, tôi cũng xin phép không viết cái tên đó ra đây.

Tôi chợt nhận ra cái sự “một mình” ở xứ này đậm đặc quá. Nhanh hay chậm, đắt hay rẻ, sáng dịu hay rực lên thì cuối cùng vẫn là những dịch vụ ưu tiên bạn (you) thay vì các bạn (you guys).

Câu mà tôi cứ muốn hỏi người chủ quán mỳ ở bức ảnh thứ 3 chính là: “Năm sau, nếu có dịp quay lại, tôi còn thấy quán mỳ này đang hoạt động?” Nhưng câu hỏi đó hẳn là sai. Sai từ cái tư duy “đông/vắng” của tôi, sai tới cái thực tế về lượng và cách mà những người đến đó ăn mỳ. Nhưng sai cuối cùng là thái độ của anh phục vụ sau quầy bar. Tôi tin, anh không tư duy theo cái lối “đông/vắng” của tôi. 

Tôi sai rồi và tôi xin lỗi anh.