Nếu mong chờ một Come Away With Me phiên bản 2012, đó sẽ là nỗi thất vọng tràn trề. Còn nếu muốn thưởng thức một đĩa nhạc hoàn toàn mới, mới hơn cả The Fall, nhiều khả năng Little Broken Hearts sẽ mang lại cảm giác hài lòng…

Cho đến trước khi thực hiện The Fall, thứ âm nhạc mà Norah Jones theo duổi là smooth jazz có pha pop, country, folk… Chúng dễ nghe, dễ cảm thụ và có sức lan tỏa mạnh mẽ, chứ không kén chọn người nghe như jazz. Sau thành công vang dội của Come Away With Me, những hạn chế về mặt nghệ thuật của 2 album Feels Like HomeNot Too Late đã thôi thúc Norah Jones thử nghiệm những âm thanh mới, phong cách mới trong The FallLittle Broken Hearts là sự mở rộng hơn những thử nghiệm đó.

Một album gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau, nhưng nghiêm túc và có chất lượng nghệ thuật cao

Thực sự, đây là một đĩa nhạc gây ra nhiều tranh cãi và nếu so với những album trước của Norah Jones thì nó khó nghe hơn hẳn. Đó cũng là lý do để công chúng dè dặt với Little Broken Hearts, trong khi giới phê bình lại tưng bừng ngợi khen và coi nó như một trong những album đáng nghe nhất năm 2012. Dù chất nhạc có thay đổi thế nào thì  Little Broken Hearts là một sản phẩm nghệ thuật chuẩn mực, ẩn chứa trong đó những tìm tòi, sáng tạo mới nhất của Norah Jones và các cộng sự, cho thấy cô không hề ngủ quên trong vầng hào quang cũ. Không ít audiophile, những người luôn truy cầu cái đẹp, sự hoàn hảo trong âm thanh và âm nhạc cũng nói, Norah Jones là nghệ sĩ chưa bao giờ khiến họ phải thất vọng.

Từ một thiếu nữ, Norah Jones đã trở thành người phụ nữ từng trải cùng Little Broken Hearts

Hình bìa rất lạ mắt, mỹ thuật độc đáo chịu ảnh hưởng từ poster phim Mudhoney (công chiếu năm 1965). Theo nhiều audiophile sành sỏi, Little Broken Hearts giống The Fall ở chỗ, cả hai đều là những album phải nghe nhiều, nghe kỹ mới cảm được cái hay. Như viên ngọc ẩn trong lớp vỏ ngoài xù xì, thô ráp vậy…

So với The Fall, âm nhạc trong Little Broken Hearts nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cũng ma mị hơn nhiều. Mở đầu bằng một Good Morning với giai điệu mộc mạc và êm ái, Norah Jones như dắt cảm xúc của người nghe lãng đãng qua bầu trời đầy sương khói. Giọng hát của cô vẫn vậy, trong trẻo, bay bổng nhưng cách xử lý theo kiểu trễ nải, lười nhác lại mang lại tạo ra những ấn tượng khá tương phản.

Dáng vẻ ngây thơ đã trở về trong Say Goodbye với nhịp trống điện tử buông lả lơi và người nghe như thấy một Norah Jones của năm nào, nũng nịu, trẻ thơ. Một ca khúc thật lạ nhưng lôi cuốn và đáng để nghe đi nghe lại nhiều lần. Ca khúc chủ đề có chút bóng dáng của alternative rock với tiếng guitar điện và organ làm nền, tuy không bùng nổ nhưng cũng đủ mang lại sự phấn khích. Một bản nhạc khá u ám, thích hợp để thưởng thức trong những chiều mưa xám xịt…

Khả năng sáng tác và chơi nhạc cụ điêu luyện đã khiến Norah Jones khác hẳn với các ca sĩ cùng trang lứa

She’s 22 nghe có phong cách Norah Jones xưa cũ hơn cả, với guitar gỗ giữ nhịp, kiểu hát và ngắt nhịp khá giống trong Come Away With Me, nhưng lối khề khà sau mỗi câu hát thì hoàn toàn mới mẻ. After The Fall chắc chắn sẽ là “của lạ” trong album bởi phần hòa âm đậm đặc chất new age, và giọng hát của Norah Jones thực sự như đưa người nghe vào một cõi khác, bên ngoài cõi đời. Với nhiều người, After The Fall đã là ca khúc lôi cuốn nhất trong album.

Album khép lại bằng All A Dream – một ca khúc indie pop chính hiệu, hòa âm độc đáo và phần solo của các nhạc công rất tuyệt. Norah Jones đã thực sự làm mới bản thân và âm nhạc một cách triệt để nhất. Cho dù có đạt được thành công về thương mại hay không thì nữ nghệ sĩ trẻ cũng đã đạt được mục đích quan trọng nhất – thoát ra khỏi cái bóng của chính mình. Tin chắc cô vẫn còn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công lớn trên con đường nghệ thuật.