LuxeVN – Ở hai phần trước, chúng ta đã cùng nói về các kiểu Tourbillon cũng như độ hoàn thiện và hiệu chính cơ chế của mỗi loại. Đến với phần 3 này, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn về tình tổng thể của một đồng hồ Tourbillon – một trong những yếu tố quyết định chiếc đồng hồ Tourbillon đó có đáng đầu tư hay không.
Để đánh giá một chiếc đồng hồ Tourbillon là “đẹp”, ngoài việc hiểu về kiểu, cơ chế hiệu chỉnh của Tourbillon, còn phải xét đến tính tổng thể của toàn bộ chiếc đồng hồ được trang bị cơ chế này như thế nào. Hầu hết những chiếc đồng hồ Tourbillon thông thường sẽ đi theo lối thiết kế truyền thống, mặt số đơn giản với một cơ chế Tourbillon ở vị trí 6 giờ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có những đồng hồ Tourbillon ra đời với ý tưởng khác biệt. Lúc này, quan trọng hơn cả là tính tổng thể của thiết kế, sẽ không có một quy chuẩn cụ thể nào cho những thiết kế đặc biệt của những chiếc đồng hồ Tourbillon này. Chúng gần với object d’art (tác phẩm nghệ thuật) hơn là một chiếc đồng hồ.
Haldimann – bậc thầy đồng hồ cơ khí phức, thành viên của hiệp hội chế tác đồng hồ độc lập lập AHCI – người đã dành rất nhiều giải thưởng cao quý, một trong số đó phải kể đến “Prix Gaïa” (được xem là giải thưởng Nobel của thế giới đồng hồ). Haldimann H1, chiếc đồng hồ đầu tiên với cơ chế Flying Tourbillon nằm ở chính giữa mặt số, thiết kế này đã đưa Haldimann lọt vào danh sách 20 nhà chế tác đồng hồ quan trọng nhất do tạp chí Chronos và Watch Time bình chọn.
Haldimann đưa giới mộ điệu từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Như chiếc H2 – Flying Resonance, chiếc đồng hồ Double Tourbillon đầu tiên trên thế giới trang bị tới 2 bộ thoát liên kết với nhau nằm ở trung tâm mặt số. Đến chiếc H8 – vật phẩm này đặt ra câu hỏi: liệu nó có phải là một chiếc đồng hồ hay không khi hoàn toàn không có một chiếc kim chỉ giờ nào. H8 thực sự như một tác phẩm điêu khắc cơ khí treo trên cổ tay. Và cuối cùng là H9-Reduction, chiếc đồng hồ Tourbillon không kim và hoàn toàn không thể nhìn thấy. Toàn bộ cơ chế Tourbillon quý giá bị che bởi một mặt kính sapphire đen tuyền. Chiếc H9 này làm đúng chức năng của một tác phẩm nghệ thuật đương đại, chức năng đặt ra các câu hỏi ý niệm khiến mọi người phải suy nghĩ bằng cách vượt qua các giới hạn thông thường: khi thời gian vẫn được đo (bởi bộ máy Tourbillon) nhưng không được thể hiện ra thì nên gọi vật phẩm này là gì? Khi một chiếc đồng hồ Tourbillon có giá 5 tỷ nhưng không ai có thể chiêm ngưỡng thì liệu giá trị của nó là gì?
Sẽ là thiếu sót khi bỏ qua thiết kế Tourbillon 3 cầu vàng – thiết kế độc quyền, làm nên danh tiếng – của thương hiệu Girard Perregaux. Chiếc đồng hồ Vintage 1945 tourbillon 3 cầu vàng là một tác phẩm Art Deco (trường phái nghệ thuật bắt nguồn từ những năm 1930 và kéo dài đến sau Thế chiến II). Mẫu đồng hồ kết hợp hoàn hảo giữa thân vỏ vintage với tỷ lệ chuẩn, cộng với sự hào nhoáng của 3 chiếc cầu vàng. Sau này Girard Perregaux sản xuất thêm nhiều phiên bản khác nhau như 3 cầu titanium hay sapphire, hoặc lắp trên thân vỏ hình tròn. Tất cả các model này đều nặng tính thương mại mà không vượt qua được vẻ đẹp của chiếc Vintage 1945 Tourbillon.
Cũng không thể không nhắc đến cái tên Peter Speake-Marin – bậc thầy đồng hồ Tourbillon đương đại. Trong 20 năm qua, ông đã chế tác hàng trăm đồng hồ Tourbillon cho giới sưu tập trong đó có những nguyên thủ như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Quốc vương Malaysia, v.v… Đặc trưng dễ thấy trên các tác phẩm Speake-Marin là sự xuất hiện của “topping tool” – dụng cụ chế tác đồng hồ truyền thống – khi thì là logo, quả văng (rotor), bánh xe kim giây hay những bánh răng đồng hồ và cả lồng xoay Tourbillon (cage).
Caliber SM3 trên chiếc Tourbillon Magister, chiếc Tourbillon mới nhất của Speake-Marin được lấy cảm hứng từ một cỗ máy hơi nước cổ đang được trung bầy tại bảo tàng. Thiết kế của chiếc Magister này bao gồm các vòng tròn đặt cạnh nhau hoặc lồng vào nhau.
Cảm hứng sáng tác nơi nghệ nhân có thể bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau , với chiếc MB&F HM1 – Horological Machines là manga của nhật bản. Thiết kế chiếc đồng hồ này giống như chiếc rìu của nhân vật anh hùng trong bộ truyện mà Büsser đọc hồi trẻ. HM1 sau đó được hiện thực hoá bới bàn tay của bậc thầy Speake-Marin.
Năm 1999 sau khi cùng nhau chia sẻ những hướng đi chung về một cơ chế Tourbillon hoàn toàn mới, hai nhà chế tác đồng hồ nổi tiếng Robert Greubel và Stephen Forsey cùng nhau xây dựng thương hiệu Greubel Forsey xoay quanh những chiếc đồng hồ Tourbillon đa chiều với những cải biến chưa từng có như quay nghiêng 25 độ, 30 độ với chu kỳ quay 24 giây, v.v… Những chiếc đồng hồ của GF đích thực là những tác phẩm nghệ thuật cơ khí.
Năm 2011, Vianey Halter đã giành giải thưởng Meilleur Horloger-Concepteur của Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG), giải thưởng về nhà chế tác đồng hồ sáng tạo nhất với chiếc Vianney Halter Deep Space Tourbillon, cái tên cùng và thiết kế của chiếc đồng hồ được lấy cảm hứng từ phi thuyền trong bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Star Trek.
Thoát ra khỏi hình ảnh của những chiếc đồng hồ truyền thống gồm những bộ kim thanh lịch, những cọc số La Mã, Cabestan đem đến một hình ảnh hoàn toàn khác biệt về đồng hồ, một cỗ máy cơ khí phức tạp dạng như một máy tời với những cuộn dây xích và bánh côn hầm hố, toàn bộ các chi tiết bao gồm cả cơ chế Tourbillon đều được đặt theo phương thẳng đứng “vertical”
Tựu trung, cuộc chơi Tourbillon là cuộc chơi của sự tùy biến không có hồi kết. Để đánh giá một mẫu đồng hồ Tourbillon cần xét trên nhiều phương diện, từ các kiểu cơ chế khác nhau, độ phức tạp, hoàn thiện đến tính tổng thể của thiết kế. Trong đó, mỗi cá nhân lại chọn cho mình những tiêu chí khác nhau nhưng yếu tố ý tưởng, thẩm mỹ và tay nghề thủ công của tác giả luôn được đặt ở vị trí đỉnh cao. Như ở tất cả các lĩnh vực khác, việc trang bị những hiểu biết cơ bản là thiết yếu trong cuộc chơi này.
KL