10 thương hiệu túi xách đắt nhất thế giới P.2
6. Fendi
Fendi là một thương hiệu được sở hữu bởi tập đoàn Louis Vuitton Moet Hennessy. Thương hiệu này được sáng lập năm 1925 bởi Edoardo và Adele Fendi tại Rome, Italia. Ban đầu hãng kinh doanh các sản phẩm da thuộc sau đó chuyển sang da lông thú. Công việc của hãng ngày càng thành công với các sản phẩm áo khoác lông và sự góp sức của những chị em nổi tiếng nhà Fendi như Paola, Anna, Franca, Alda và Carla. Nhưng phải đến năm 1997, Fendi mới trở nên nổi tiếng với những chiếc túi xách với các sáng tạo trên mẫu túi Baguette mà cho tới tận ngày nay vẫn là điểm sáng trong các chương trình trình diễn thời trang. Logo của hãng với hai hình chữ F được sáng tạo bởi nhà thiết kế nổi tiếng Karl Lagerfeld – giám đốc sáng tạo của Fendi kể từ năm 1965, người mà Carla Fendi gọi là đứa con thứ 6 của nhà Fendi.
Fendi ra mắt dòng sản phẩm túi xách Selleria lần đầu tiên vào năm 1938. Chiếc túi xách đắt nhất của hãng năm 2013 có giá 38.000 USD (802 triệu đồng) được làm từ da lông chồn zibelin và da sóc sisin, loại da hiếm và đắt nhất trong các loại da động vật. Ngoài vật liệu sử dụng, sự đắt giá của mẫu túi này còn bởi nó chỉ được làm theo đơn đặt hàng và phải mất 4 tháng khách hàng mới nhận được sản phẩm. Trong tất cả các mẫu túi đắt nhất năm 2013, chỉ chiếc túi này có kích thước đủ lớn cho mọi nhu cầu sử dụng hàng ngày.
7. Chanel
Sự nghiệp của nhà Chanel bắt đầu từ năm 1909, khi đó Gabrielle “Coco” Chanel bắt đầu thiết kế và bán những chiếc mũ. Coco Chanel, nổi tiếng với mái tóc bồng bềnh, đôi môi đỏ sáng với làn khói thuốc đã trở thành người phụ nữ nổi tiếng nhất và gây nhiều ảnh hưởng nhất trong thế giới thời trang. Năm 1913, bà mở cửa hàng đầu tiên bán mũ và cả các sản phẩm may mặc, quần áo giúp phụ nữ tự do hơn, đỡ gò bó hơn trong các hoạt động thường nhật. Năm 1939, do Thế Chiến II bùng nổ, Chanel đóng cửa cửa hàng. Năm 1954, bà mở lại cửa hàng với sự giúp đỡ về tài chính của Pierre Wertheimer, một đối tác làm ăn cũ. Năm 1955, chiếc túi xách nổi tiếng 2.55 quilted ra đời. Chanel tiếp tục làm việc cho tới khi mất vào năm 1971.
Hiện tại, Chanel S.A sở hữu bởi Alain và Gerard Wertheimer, tiếp tục thừa kế và phát huy những ý tưởng của Coco, đồng thời kết hợp những xu thế hiện đại trong thời kỳ mới với Karl Lagerfeld – là giám đốc nghệ thuật của hãng từ năm 1983. Biểu tượng 2 chữ C lồng vào nhau của Coco vẫn được sử dụng làm logo thương hiệu cho tới thời điểm hiện tại. Và chiếc túi xách đắt nhất của hãng cho tới nay là chiếc Chanel Diamond Forever Classic, có giá 260.150USD (5,49 tỷ đồng) được làm bằng da cá sấu với 334 viên kim cương và vàng trắng 18K. Bắt đầu sản xuất từ năm 2007, đây là chiếc túi xách đắt thứ 3 trên thế giới tính tới thời điểm 2013, với chỉ 13 chiếc trên toàn cầu.
8. Mouawad
Mouawad không phải là một nhà sản xuất túi xách thời trang mà là một công ty chuyên về trang sức và đồng hồ có trụ sở tại Geneva, Thuỵ Sỹ và nhiều trụ sở tại Dubai phục vụ những khách hàng Trung Đông. Câu chuyện về Mouawad bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước. Năm 1890, sau một thời gian sống tại Hoa Kỳ, Daoud Mouawad – thế hệ đầu tiên của nhà Mouawad trở về Li-băng để mở một cửa hàng trang sức và sửa chữa đồng hồ. Tới thế hệ thứ 2, nhà Mouawad bắt đầu có những thành công trong sự nghiệp.
Năm 1950, Fayez – đến Ả rập Xê-út và trở thành nhà kim hoàn cho các vị vua và những nhà quý tộc. Thế hệ thứ 3, Robert đã mở rộng kinh doanh của Mouawad ra toàn cầu. Đầu tiên, ông đã chuyển trụ sở của Mouawad sang Thuỵ Sỹ vào những năm 1970. Sau đó, ông bắt đầu sản xuất đồng hồ, thâm nhập vào thế giới đấu giá các sản phẩm trang sức và đã giành được rất nhiều những bộ sưu tập kim cương lớn. Sau đó, vào những năm 1990, công việc kinh doanh của Mouawad mở rộng sang châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Và năm 2010, thế hệ thứ 4, Fred và Pascal bắt đầu nối nghiệp.
Năm 2010, chiếc túi xách Mouawad 1001 Nights Diamond có giá 3,8 triệu USD (80,2 tỷ đồng) đã nhận được kỷ lục Guiness là chiếc túi xách đắt nhất. “Nghìn lẻ một đêm” được làm từ vàng 18K, 105 viên kim cương vàng, 56 viên kim cương hồng và 4.356 viên kim cương trắng – đây là sản phẩm do chính Robert sáng tạo.
“Nghìn lẻ một đêm” là chiếc túi xách duy nhất của Mouawad nhưng nó không phải là kỷ lục Guiness duy nhất mà nhà Mouawad nhận được. Hiện tại, họ có 3 kỷ lục khác. Trong đó, năm 1990, Mouawad Splendor đạt kỷ lục với viên kim cương hình quả lê đắt nhất trị gái 12,76 triệu USD (269,4 tỷ đồng). The Very Sexy Fantasy Bra là món phụ kiện đắt nhất có giá 11 triệu USD (232,2 tỷ đồng) và L’incomparable Diamond Necklace là chiếc vòng cổ đắt nhất (2013).
9. Hermès
Là một trong những hãng thời trang nổi tiếng của Pháp, Hermès được sáng lập bởi Thierry Hermès năm 1837, có tiền thân là một cửa hàng bán yên ngựa. 85 năm sau, vào thế hệ thứ 3 của nhà Hermès, chiếc túi xách đầu tiên của họ ra đời. Nhưng phải đến năm 1956, túi xách của hãng mới nổi tiếng khi chiếc túi Kelly được chế tác cho công nương Monaco Grace Kelly sử dụng. Chiếc túi của Hermès được Kelly sử dụng che đi bụng bầu và trở nên nổi tiếng.
Nhưng chiếc túi được ưa chuộng nhất và nổi tiếng nhất của Hermès là túi Birkin với mức giá từ 9.000USD đến 150.000USD (190 triệu tới 3,16 tỷ đồng) – tiền thân nó được chế tạo cho Jane Birkin sau đó mới được tiếp tục sản xuất vào năm 1984.
Năm 2013, Hermès cho ra đời 2 chiếc túi đắt thứ 6 và thứ 2 trong bảng xếp hạng túi xách đắt nhất năm. Trong đó, chiếc Matte Crocodile Birkin Bag giá 120.000USD (2,53 tỷ đồng) và Birkin do Ginza Tanaka thiết kế giá 1.9 triệu USD (4,01 tỷ đồng). Chiếc túi đầu tiên được làm từ da cá sấu với kim cương đính trên khoá. Chiếc thứ hai được làm từ platinum với 2.000 viên kim cương và một dây kim cương có thể tháo ra được cùng một viên kim cương lớn hình quả lê có thể đeo như một phụ kiện thời trang.
10. Louis Vuitton
Louis Vuitton hiện tại đã trở nên quá quen thuộc và có thể coi là một trong những biểu tượng của sự xa xỉ. “Thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất” vào năm 2006 làm chiếc túi đầu tiên vào năm 1896 khi đó Georges Vuitton bắt đầu sáng tạo biểu tượng LV lồng nhau mà ngày nay luôn xuất hiện trên các sản phẩm của Louis Vuitton.
>>>>> Túi “giấu logo” của Louis Vuitton hút khách
>>>>> Thời tàn của logo hàng hiệu
Sau 19 năm làm việc trong ngành công nghiệp chế tác va-li, Louis Vuitton – người được lấy tên đặt cho hãng đã mở cửa hàng bán va-li đầu tiên tại Paris vào năm 1954. Năm 1958, Louis Vuitton tạo dấu ấn trong ngành công nghiệp thời trang với việc cho ra đời Trianon – một chiếc rương bọc vải bạt màu ghi lấy cảm hứng từ thiết kế của những chiếc túi xách hiện đại. Vuitton điều hành công việc của hãng cho tới khi mất vào năm 1992. Dù kinh qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hiện tại nó đã phát triển tới mức trở thành thương hiệu được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Năm 1987, Louis Vuitton sáp nhập với Moet Hennessy tạo nên đế chế xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH, với hơn 60 thương hiệu khác nhau. Năm 1997, Marc Jacobs được thuê làm Giám đốc Mỹ thuật của hãng. Kể từ đó, Louis Vuitton trở thành thương hiệu đạt được những thành công trên mọi mặt trận của thị trường thời trang, cái tên là biểu tượng cho sự thanh lịch vĩnh cửu. Để kiểm soát chất lượng và giá cả, các sản phẩm của Louis Vuitton chỉ có tại cửa hàng và website chính hãng. Khách hàng của Louis Vuitton luôn được đảm bảo rằng các sản phẩm họ mua sẽ không bao giờ mất giá theo thời gian (nếu chưa sử dụng).
Mặc dù nổi tiếng với sự lịch lãm cùng với thiết kế ấn tượng, nhưng 2 chiếc túi đắt thứ 5 và thứ 8 trong bảng xếp hạng 10 chiếc túi đắt nhất năm nay lại bị đánh giá rất thấp. Chiếc đầu tiên LV Tribute Patchwork, bắt đầu sản xuất năm 2007 với số lượng hạn chế 24 chiếc, hoàn thiện bằng cách kết hợp 15 mẫu túi khác nhau của LV. Chiếc thứ 2 Louis Vuitton Urban Satchel chế tác năm 2008 còn gây tranh cãi nhiều hơn và thường được gọi là “chiếc túi xấu nhất” đã được bán hết cho những người nổi tiếng. Không hiểu, đó là thói quen lựa chọn của giới tinh hoa hay đơn giản chỉ vì đó là một chiếc túi của Louis Vuitton! Urban Satchel được sản xuất với số lượng hạn chế 12 chiếc.
Bạn đã đi đến hết hành trình của chuyên đề túi xách nữ. Mỗi loại túi đều có một công dụng khác nhau cũng như có một cách khác nhau để tô điểm thêm cho bản thân. Một chiếc xắc tay sẽ hợp với một bữa tiệc nhưng sẽ không phải lúc nào cũng trên tay bạn khi trên đường. Và ngược lại bạn khó có thể mang chiếc túi tote hay túi hobo với một bộ đầm lộng lẫy… Hãy sắm cho mình thật nhiều túi xách!
Nguyễn Tiệp | Dịch, tổng hợp, biên tập