LuxeVN – “1/4 quảng cáo bán hàng hiệu trên Facebook là hàng giả” – hai chuyên gia an ninh mạng người Italia đã kết luận như vậy sau khi nghiên cứu hơn 1.000 mẫu quảng cáo đăng trên mạng xã hội phổ biến nhất thế giới.
Hàng giả là một trong nhiều trở ngại cho các hãng hàng hiệu muốn kinh doanh tại Việt Nam. Không khó để thấy quảng cáo của một dịch vụ chuyên cung cấp đồng hồ nhái mỗi lần lướt Facebook, hay thậm chí ngay trên mặt các báo điện tử nhiều độc giả. Chúng không những được quảng cáo công khai ở trang cá nhân mà còn rải rác trên cả những trang thương mại điện tử hoành tráng.
Kể từ khi mạng xã hội – đặc biệt là Facebook, trở nên phổ biến, với tính chất tự do và phí quảng cáo hợp lý, thị trường kinh doanh trực tuyến vốn sôi động đã chuyển biến vô cùng phức tạp. Kinh doanh hàng nhái vì thế mà có thêm đất tung hoành. Đứng trước làn sóng phản ứng của các thương hiệu có sản phẩm bị nhái, người phát ngôn của Facebook từng viết trong một thông cáo: “Chúng tôi ngăn cấm nội dung hướng đến các hành vi giả mạo, lừa đảo. Để xiết chặt điều khoản quảng cáo, Facebook đã điều tra và phát triển một hệ thống cho phép đánh giá các nội dung quảng cáo, bao gồm cả phương pháp tự động lẫn thủ công.” Nhưng xem ra cho đến nay, phép đánh giá này của Facebook chưa thực sự triệt để.
Năm ngoái ở Italia, Stropa và Carlo De Micheli đã tiến hành nghiên cứu một đề tài tương tự trên mạng Twitter. Lần này, đối tượng của họ là Facebook. Bộ đôi đã điều tra hơn 1.000 mẫu quảng cáo (chủ tài khoản mua quảng cáo của Facebook). Trong đó, 180 quảng cáo thuộc danh mục hàng xa xỉ và thời trang – 43 mẫu trong số này trỏ đến trang web bán hàng nhái. Chẳng hạn, một chiếc kính Ray-Ban giá hãng 180 USD (khoảng 3,8 triệu đồng) nhưng được quảng cáo với giá 30 USD (khoảng 600 ngàn đồng); hay một chiếc túi Louis Vuitton giá hãng 2.000 USD (khoảng 40 triệu đồng) nhưng được quảng cáo với giá chỉ 240 USD (khoảng 5 triệu đồng).
Từ nhiều năm nay, kinh doanh trên Internet là chiến trường khốc liệt của các hãng hàng hiệu. Còn nhớ vào tháng 9 năm nay, LVMH đã ký một thỏa thuận “ngừng bắn” với Google để bắt tay cùng chiến đấu chống hàng giả. Trước đó suốt một thời gian dài, tập đoàn xa xỉ này đã buộc tội Google vi phạm bản quyền các thương hiệu của họ với dịch vụ kinh doanh từ khóa quảng cáo.
Việc Google, và nay là Facebook, bằng cách nào hạn chế được kinh doanh hàng nhái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số hàng hiệu toàn cầu. Phương pháp tốt nhất, theo Guido Scorza – luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, là không cho phép những trang web kinh doanh hàng nhái được mua quảng cáo (đối với Facebook) và từ khóa (đối với Google). Stropa và Carlo De Micheli cho biết, các trang web này thường có xu hướng bắt chước chính hãng từ tên miền đến giao diện trang chủ, chưa kể hình ảnh “thuổng”. Nhận thấy nguy hại từ quảng cáo bán hàng giả, một trong những cái tên hàng đầu khác là Luxottica cũng vừa hợp tác với Facebook. Người phát ngôn của tập đoàn kính mắt nói: “Chống hàng giả là ưu tiên hàng đầu của Luxottica.”
Người dùng hàng giả, “fake”, “super fake”, xét cho cùng thì cũng vô tội như người nghe một ca khúc “đạo nhạc”. Họ không phải người xấu. Họ rất có thể là chính chúng ta. Có quá nhiều lý do giải thích cho việc vì sao những thứ như hàng nhái hay “nhạc mượn” lại phổ biến, thậm chí, được yêu chuộng ở Việt Nam và khắp nơi trên hành tinh này: giáo dục hay dân trí hay ý thức hay văn hóa hay kinh tế, vật thể hay phi vật thể hay gì gì đi nữa… Nếu bạn làm được điều gì hay ho, sẽ luôn có người sao chép bạn. Đó là một sự thật mà bạn phải vui vẻ chấp nhận. Bắt chước vốn là một trong những năng khiếu giúp con người rụng lông tiến hóa.
Trong một chương trình truyền hình phát sóng năm 1996 của đài PBS (Mỹ), Steve Jobs nói: “Rốt cuộc thì mọi thứ được quyết định bằng gu thưởng thức. Bạn thể hiện bản thân như những gì tốt đẹp hay ho nhất nhân loại có rồi sau đó đưa những giá trị ấy trở thành việc bạn làm. Ý tôi là, Picasso từng nói nghệ sĩ tầm tầm thì bắt chước, nghệ sĩ xuất sắc thì trộm luôn. Và chúng tôi chưa bao giờ thấy ngượng vì trộm lấy những ý tưởng xuất sắc cả.” Ngay cả câu nói mà Steve Jobs trích dẫn Picasso cũng không phải do danh họa nói ra (chí ít là) đầu tiên. Nguyên bản câu nói được cho là của nhà thơ Anh, gốc Mỹ T. S. Eliot (1888 – 1965): “Nhà thơ non nớt thì bắt chước, nhà thơ già dơ thì ăn trộm.”
Cầu cho tất cả chúng ta là những “tên trộm” có tự trọng.
Phương Chi