LuxeVN – 2015 sẽ là một năm đầy thử thách cho ngành công nghiệp xa xỉ. Đó là nhận định của bà Fflur Robert – Quản lý chương trình thăm dò, nghiên cứu các ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu Euromonitor.
“Động thái tĩnh lặng của những nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2014, phản ánh sự không chắc chắn”
Nền kinh tế biến động, xung đột vũ trang và sự bất ổn định xã hội như những cơn bão dữ với các thị trường mới nổi, từng phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhưng ngược lại, các thị trường lớn, thị trường “truyền thống” lại đang khẳng định lại vai trò trụ cột. Chắc chắn 12 tháng trước mắt sẽ có nhiều thách thức và cơ hội mới.
NHỮNG KẺ THỨC THỜI
Động thái tĩnh lặng của các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2014 phản ánh sự không chắc chắn về cục diện ngành hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Nhưng mặc cho vẫn có nhiều khó khăn, các quỹ sẽ đầu tư mạnh trong năm 2015. Quỹ đầu tư doanh nghiệp PE sẽ đầu tư vào một hoặc nhiều hơn những thương hiệu dưới đây: Salvatore Ferragamo, Brunello Cucinelli, Tod’s, Ermenegildo Zegna, Dolce & Gabbana.
Báo cáo tình hình tài chính tốt nhất trong vòng 3 năm của Mulberry
Nhãn hiệu này sẽ quay trở về với thế mạnh của họ: phân khúc hàng hiệu tầm trung. Sự thay đổi hứa hẹn sẽ tạo nên cho họ sự tăng trưởng đáng kể về mặt doanh thu bán hàng tại Anh – thị trường “ruột” của Mulberry. Khả năng rất cao là Emma Hill, cựu Giám đốc sáng tạo của Mulberry sẽ trở thành CEO mới của hãng.
Tory Burch tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu đầu tiên)
Tory Burch cho biết họ muốn phát triển dựa trên những gì đang có, nhưng hướng tới một doanh nghiệp IPO là xu hướng tất yếu. Động thái của Tory Burch có thể tạo ra một cơn lốc đầu tư vào ngành công nghiệp xa xỉ lớn chưa từng thấy, kể từ khi Michael Kors bắt đầu tiến hành IPO (năm 2011, đây được coi là cú IPO lớn nhất trong lịch sử ngành thời trang Mỹ). Giá trị IPO của Tory Burch có thể vượt quá mức 3 tỷ đô.
“Chuyên gia” hàng xa xỉ tầm thấp Coach sẽ trở thành mục tiêu mua bán và sát nhập
Những năm gần đây, Coach bị Michael Kors qua mặt một cách rất có chiến lược ngay tại Mỹ – sân nhà của Coach. Tuy nhiên, nhãn hiệu này vẫn còn thừa hấp dẫn để trở thành mục tiêu cho một cuộc mua bán, sát nhập mới. Những “gã khổng lồ” đang nhăm nhe với Coach có thể là LVMH hoặc Kering.
Lợi nhuận của Burberry yếu đi khi giá trị đồng bảng Anh tăng lên
Chi phí cố định của Burberry hiện đang được tính bằng đồng bảng Anh, nhưng doanh thu của thương hiệu này lại trải khắp toàn cầu với một loạt các mệnh giá tiền đang rất biến động. Nếu giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh trong năm 2015 như dự đoán, sẽ tạo sức ép buộc Burberry phải tăng giá sản phẩm của mình.
Cơ hội lớn cho các cổ đông của Hugo Boss
Sự thay đổi hoạt động của thương hiệu này từ nhà cung cấp đến một mô hình bán lẻ đã cho quả ngọt. Tuy nhiên, cổ đông chính của Hugo Boss là Permira đã mất kiên nhẫn. Điều này khiến người ta hình dung đến một cuộc chuyển giao mới.
Prada công bố báo cáo tài chính tồi tệ nhất kể từ thời điểm IPO năm 2011
Nhãn hiệu này có mặt khá lâu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà nhu cầu về hàng xa xỉ đang có chiều hướng giảm. Prada đang tính toán mở thêm nhiều cửa hàng tại các thị trường phát triển trong năm 2015. Tuy nhiên động thái này không đủ để hãm phanh đà tụt dốc về mặt kinh doanh trên toàn thế giới của hãng.
Michael Kors sẽ đưa ra một cảnh báo về lợi nhuận và giá cổ phiếu sẽ giảm đi đáng kể
Đứa con cưng của những nhà đầu tư ngành công nghiệp xa xỉ mấy năm gần đây chuẩn bị tiến quân đầu tư vào Tây Âu, nhưng những vấn đề liên quan đến chi phí sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ số biên lợi nhuận của hãng. Chưa kể đến việc nhãn hiệu này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên chính thị trường chủ lực của mình là Mỹ.
Thế hệ thiết kế trẻ tiếp tục là mục tiêu đầu tư cho các thương hiệu lớn toàn cầu
Những cái tên sẽ được để mắt đến sẽ là Simone Rocha, Craig Green, Dean Quinn, Emilia Wickstead, Maia Norman, Marta Marque và Paulo Almedia. Ở họ đều toát lên tinh thần trẻ trung, sự nhạy bén, sáng tạo và hơn hết là những cơ hội phát triển lớn.
Sẽ có một thương vụ mua bán lớn trong lĩnh vực đồ trang sức cao cấp
Trong năm nay, thương vụ mua bán lớn sẽ được tiến hành đối với những nhãn hiệu đồ trang sức cao cấp nổi tiếng như: Chopard, Patek Philippe, Audemars Piguet, Buccellati hay Damiani. Và những ứng cử viên sáng giá nhất cho những thương vụ này được cho là LVMH, Kering và Richemont.
THỊ TRƯỜNG
Biên độ thay đổi từ thị trường mới nổi đến thị trường lớn sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2015. Bất ổn xã hội tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kinh tế xuống dốc tại khu vực Mỹ Latinh và xung đột tại Đông Âu, tất cả sẽ kìm chế sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi và chuyển hướng tăng trưởng về lại với các thị trường trụ cột.
Mỹ sẽ trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất về mọi hạng mục
Con số mà người Mỹ dành cho những mặt hàng xa xỉ sẽ tăng trưởng đến mức gần 4 tỉ USD. Con số này tỉ lệ thuận với nhu cầu về đồ may mặc, trang sức và những phụ kiện xa xỉ tầm thấp (và tầm trung).
Ấn Độ sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất (tính theo phần trăm)
Sự giàu lên tại các thành phố lớn và sự hoán đổi cơ cấu từ chợ đen sang thị trường chính thống, sẽ đánh thức cơn khát hàng hóa xa xỉ tại Ấn Độ. Có thể dễ dàng hình dung một sự tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường này.
2015 sẽ là năm thành công nhất của Trung Quốc kể từ 2012
Tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc lần đầu tiên sẽ đạt mức 2 con số (theo tỷ giá đồng đô la), kể từ khi thị trường này gặp phải những khó khăn trong việc tiêu thụ hàng xa xỉ. Mức độ chi tiêu dành cho hàng xa xỉ ở Hồng Kông giảm do những bất ổn xã hội, sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục.
Ý và Argentina sẽ là những thị trường tăng trưởng kém nhất
Cả hai thị trường này đều từng là những thị trường bán lẻ mạnh các mặt hàng xa xỉ. Nhưng nền kinh tế khó khăn và sự nghèo đi của tầng lớp trung lưu, làm cho nguồn cầu đối với hàng xa xỉ ở 2 thị trường này giảm đi đáng kể.
XU HƯỚNG
Đồ điện tử cao cấp sẽ trở thành hạng mục phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp xa xỉ
Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu rất cao dành cho điện thoại thông minh. Ngay cả ở các thị trường nhỏ, nơi mà thu nhập bình quân đang giảm, nhưng người tiêu dùng vẫn luôn khát khao sở hữu những thiết bị xa xỉ đời mới nhất. Đối với các hạng mục hàng hóa tiêu dùng nhanh, nhà cung cấp sẽ giảm chất lượng hoặc đặc điểm hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của từng thị trường.
Đột phá về mặt kỹ thuật số trong ngành công nghiệp xa xỉ
Các nhãn hàng cao cấp sẽ đầu tư mạnh vào công nghệ kỹ thuật số, để kết nối cửa hàng trực tuyến, cửa hàng bán lẻ và khách hàng. Chức năng thương mại điện tử của các phương tiện truyền thông như Twitter và Facebook sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Sẽ có một luồng đầu tư mạnh vào thời trang cao cấp thông minh
Công nghệ may mặc tiên tiến là con đường hiệu quả nhất để người ta nói với nhau về thương hiệu và đây đúng là thời để xu hướng này phát triển.Chắc chắn trong năm nay, xu hướng này sẽ hiện diện nhiều hơn trên các sàn diễn.
Thời kỳ phục hưng toàn cầu của rượu Whisky, cú hích cho kinh doanh rượu cao cấp
Ảnh hưởng của các bộ phim truyền hình đình đám như “Mad Men” hay “Boardwalk Empire” đang tạo nên trào lưu thưởng thức rượu whisky trong nhóm khách hàng Millenials. Các hãng đồ uống của Mỹ, Ailen hay Nhật Bản đang khai thác tối đa xu hướng này.
Bán hàng qua mạng – Xu hướng tăng trưởng hàng năm mạnh mẽ nhất từ trước đến nay (trên mọi lĩnh vực hàng xa xỉ)
Số lượng người mua sắm trực tuyến tăng vọt theo tháng, và những mặt hàng xa xỉ tầm thấp sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một nhóm đối tượng mới của mua sắm trực tuyến là những người thuộc lứa tuổi trên 60. Đây đang là nhóm tuổi có mức độ cập nhật ứng dụng trực tuyến tăng mạnh nhất hiện nay.
Ngành bán lẻ lữ hành sẽ là “đất lành” cho những thương vụ đầu tư mới vào ngành hàng xa xỉ
Ông chủ của các thương hiệu xa xỉ hiểu rằng sân bay là nơi có lượng khách hàng tiềm năng đông đảo. Và trong 2015, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng mạnh trong việc đầu tư vào bán lẻ tại sân bay, đặc biệt là đối với ngành hàng may mặc và các loại phụ kiện cao cấp.
Hạnh Nguyễn (Theo Luxury Society Monthly)