LuxeVN – Cuối năm ngoái, tại Tuần lễ thời trang New York, threeASFOUR đã trình làng bộ sưu tập được thiết kế và sản xuất bằng công nghệ in 3-D gây ấn tương mạnh với giới chuyên môn. Tất nhiên, đây không phải thương hiệu duy nhất theo đuổi con đường ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực thời trang.

Ngoài nhóm nhà thiết kế nổi tiếng với phong cách cấp tiến của threeASFOUR, người ta còn nhắc tới một số đơn vị khác đang theo đuổi công nghệ in 3-D như Baublebar, một trang web chuyên kinh doanh trực tuyến đồ trang sức cao cấp. Baublebar mới đây nổi lên với sự kiện quỹ đầu tư Burch Creative Capital đổ vào trang web này 1o triệu USD để mở rộng các hoạt động kinh doanh cũng như tiên phong thử nghiệm những giá trị mới. Ngoài ra, cũng phải nói tới John Brevard, nhà thiết kế và là nghệ sĩ đương đại nổi tiếng người Mỹ. Các sản phẩm thiết kế trong lĩnh vực thời trang của John Brevard như giầy, trang phục hay đặc biệt là đồ trang sức đều được anh sử dụng công nghệ in 3-D để thiết kế và sản xuất.

ss14_1_15

Mẫu thiết kế sử dụng công nghệ in 3-D của threeASFOUR tại Tuần lễ thời trang New York 2014

Vì sao công nghệ in 3-D có ảnh hưởng ngày càng lớn trong lĩnh vực thời trang?

Trong cuốn The New Digital Age của Eric Schmidt và Jared Cohen xuất bản năm 2013 có đoạn viết: “Kỹ thuật in 3-D sẽ là đối tác hoàn hảo cho công nghệ sản xuất cao cấp. Các vật liệu và sản phẩm mới sẽ được sản xuất theo đúng chi tiết kỹ thuật từ Internet theo đơn đặt hàng bằng một chiếc máy do một công nhân có chuyên môn cao vận hành. Kỹ thuật này sẽ không thay thế hàng đống các công nghệ sản xuất chi phí thấp, số lượng cao đang được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, nhưng nó sẽ tạo ra một sự đa dạng chưa từng có cho các sản phẩm được sử dụng trong thế giới đã phát triển.” Rõ ràng với hoạt động tích cực của các nhà thiết kế tiên phong nói trên, dự đoán mà 2 tác giả đưa ra không còn là dự đoán mà đang là hiện thực.

Trang JustLuxe mới đây đã có bài phỏng vấn đáng chú ý với bà Rania Sedhom, của Văn phòng luật Sedhom & Mayhew PLLC, về chủ đề ứng dụng công nghệ in 3-D trong thời trang. Đây là văn phòng luật đang hợp tác với một loạt thương hiệu, công ty thời trang và trang sức độc lập theo đuổi con đường này. Bản thân bà Rania cũng là một cây viết có uy tín về các lĩnh vực luật pháp và kinh doanh thời trang trên nhiều tờ báo lớn của Mỹ như L.A. Times, Chicago Tribune, Forbes, Business Week hay CNN Money…

threeasfour-spring-2015-LFW

threeASFOUR tiên phong ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế thời trang

“Thế mạnh của công nghệ in 3-D khi ứng dụng vào thời trang là tính chất tuỳ biến.” bà Rania phân tích. “Đặc biệt với nhóm khách hàng Millenials, sự tuỳ biến là yếu tố bước ngoặt bởi thế hệ đó muốn mua thứ họ muốn hơn là thứ mà người khác mời họ mua.”

Ứng dụng công nghệ 3-D không chỉ tạo cảm hứng mới cho các nhà thiết kế trong quá trình sáng tạo các bộ sưu tập mà còn cho phép người sử dụng tuỳ biến các sản phẩm họ quan tâm. Hãy thử tưởng tượng về một chiếc váy mà bạn đang quan tâm nhưng vẫn lăn tăn vì “bốn chữ nếu” từ chất liệu tới tông màu, vài chi tiết chỗ này chỗ kia hay kích thước liệu có hợp… Và với công nghệ 3-D khách hàng hoàn toàn chủ động tuỳ biến sản phẩm gốc để ra mẫu thiết kế phù hợp nhất với mình. “Thực ra bản chất thì đó vẫn là hình thức dịch vụ custom hay bespoke nhưng ở một mức độ tương tác cao hơn rất nhiều,” nhà thiết kế Adi Gil của threeASFOUR nói.

TTTT_LAYOUT-1050x640px_JohnBrevard

Trang sức của John Brevard

Cũng trong bài phỏng vấn trên JustLuxe, bà Rania đưa ra 2 khái niệm khá thú vị xin tạm dịch là “các thương hiệu gia đình” (mainstay brands) và “thương hiệu hi-end” (hi-end brands). Mặc dù chính bản thân cũng chưa dám khẳng định những khái niệm đó như những xu thế rõ ràng nhưng bà Rania phân tích: “Không có gì để bàn cãi khi gọi những thương hiệu như Hermès là thương hiệu cao cấp (high brand) trong thời trang. Những thương hiệu hi-end theo tôi là các hãng thời trang sản xuất những sản phẩm ưu việt cả về chất lượng và tinh thần sáng tạo. Còn các thương hiệu gia đình hướng tới đối tượng khách hàng số đông với những sản phẩm có thể thoả mãn  những nhu cầu sử dụng đa dạng. Và điểm chúng là yếu tố tuỳ biến sẽ được khai thác tối đa dù là hi-end hay mainstay.”

Mặc dù con đường ứng dụng công nghệ in 3-D trong lĩnh vực thời trang đang lôi cuốn nhiều nhà thiết kế khai phá với những thành quả ban đầu. Tuy nhiên một quan điểm khác cũng cho rằng chưa thể có một sự bùng nổ hay những ảnh hưởng mang tính bước ngoặt của công nghệ này trong lĩnh vực thời trang ít nhất là 5 năm nữa. Vì cho tới giờ cũng không phải dễ để sở hữu cũng như sử dụng công nghệ này tại nhà. Hơn nữa, dù thế nào thời trang thực hay nói cách khác là những cảm nhận thực về thời trang vẫn là điều không thể thay đổi.

Hiếu Vân

No more articles