LuxeVN – Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch vừa chính thức trưng bày tác phẩm khắc gỗ lớn nhất thời kỳ Phục hưng có tên “The Arch of Honour of Maximilian I” (Cổng vòm Danh giá của Maximilian I) của danh hoạ Albrecht Dürer trong sự kiện trưng bày mùa xuân.

30cec36f99

The Arch of Honour of Maximilian I (Cổng vòm Danh giá của Maximilian I), 1515

Đây là một tác phẩm có thể mê hoặc bất cứ ai chiêm ngưỡng nó. Bức tranh khắc gỗ tạo  ấn tượng bởi kích thước, tỉ lệ chính xác và vẻ đẹp tổng thể của nó. Những trận chiến, phong cảnh, những sinh vật kỳ lạ, các biểu tượng trong bức tranh kích thích mạnh mẽ trí tò mò của người xem.

Vậy mục đích của việc tạo nên “Cổng vòm Danh giá của Maximilian I”, một tác phẩm được thực hiện dưới mệnh lệnh của vị hoàng đế, với kích thước rất lớn (3.5 x 3m), là gì? Đây là câu hỏi đã được đặt ra tại triển lãm mùa xuân Might and Glory (Sức mạnh và Vinh quang ) với chủ đề “Dürer phụng sự Hoàng đế” (Dürer in the Emperor’s Service).

Maximilian I – Vị vua thức thời?

Hoàng Đế La Mã Thần thánh Maximilian I của nhà Habsburg từng là vua của Nhà nước La Mã, sau đó trở thành Hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh từ năm 1493 cho tới khi ông qua đời vào năm 1519. Arch of Honour (Cổng vòm Danh giá) là một trong những tác phẩm điển hình thể hiện cách ông đã sử dụng nghệ thuật in để khẳng định ngai vị.

Vào khoảng giữa thế kỷ 15, nhà sáng chế Đức Johann Gutenberg đã phát minh ra máy in. Điều này đã khiến cho việc sản xuất sách (vốn từng được minh họa trên các bản khắc gỗ) trở nên nhanh và rẻ hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có thể truyền đạt cùng một loại thông tin tới nhiều người. Và Hoàng đế Maximilian là người đầu tiên thực sự nhận ra công dụng của “công nghệ” mới này. Ông đã sử dụng kĩ thuật in vào việc truyền bá các lễ nghi hoàng gia, về gia tộc Habsburg, và về bản thân ông ta trên ngôi vị một bậc đế vương.

“Tiếp thị” bản thân kiểu thế kỷ 15

Cổng vòm Danh giá là hình ảnh Maximilian bao quanh bởi vô vàn các biểu tượng của đức hạnh và tài năng mà tạo hóa đã ban cho ông. Như trong phần hậu cảnh, hình ảnh một con sếu ở trên cao giữ hòn đá bằng một chân của nó ám chỉ đức tính cẩn trọng của vị Hoàng đế. Bàn chân trần dưới nước đặt ngay dưới bàn chân của chính Maximilian là thông điệp Hoàng đế có thể làm những việc mà những kẻ khác không thể làm được.

durer

Hình ảnh con sếu giữ hòn đá bằng một chân.

Cây gia hệ của Maximilian ở giữa bức tranh là một cây lựu, những trái lựu cũng hiện diện trên hầu khắp tác phẩm này. Ở phía dưới bức tranh, Johannes Stabius, sử gia của triều đình Maximilian, giải thích tại sao Hoàng đế lại chọn cây lựu làm biểu tượng: cũng như chính nhà vua, cây lựu trông không hề đẹp, nó cũng không mang mùi hương đặc biệt nào, nhưng bên trong lại là những mầm giống đầy hứa hẹn.

Granataeble3

Hình ảnh trái lựu trong Cổng vòm Danh giá

Tác phẩm khắc gỗ này cung cấp tư liệu và giải thích lý do tại sao Maximilian lại là Hoàng đế: Đơn giản, ông là người phù hợp nhất cho cương vị này. Những hình tượng và lời đề tựa trong tác phẩm đã cung cấp một tư liệu thú vị về cách giới quý tộc “tiếp thị” bản thân cách đây vài thế kỷ.

Về Albrecht Dürer

Albrecht Dürer (1471 – 1528) là một trong những nghệ sĩ nổi bật thời kỳ Phục hưng. Trong lịch sử mỹ thuật, ông được coi là một trong những “thiên tài vĩ đại” thời kì bấy giờ, ngang hàng với Leonardo da Vinci, Michelangelo, và Raphael . “Cổng vòm Danh giá của Maximilian I” là một trong những kiệt tác của ông – và chắc chắn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong nền nghệ thuật tạo hình thế kỷ 16.

Tác Phẩm "The Cannon" (Súng Thần Công) của Albretch Dürer.

Tác phẩm “The Cannon” (Súng thần công) của Albretch Dürer.

Chiêm ngưỡng 2 phiên bản của tác phẩm đồ sộ

Bộ sưu tập các bản in và tranh vẽ Hoàng gia của Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch đang sở hữu 2 phiên bản của tác phẩm này, bao gồm bản in làm từ 195 miếng gỗ được chạm khắc trên 36 tấm giấy khổ lớn. Một phiên bản đã được đóng khung: những tấm giấy được dán lại trên vải bạt vào khoảng giữa thế kỷ 19. Bản còn lại vẫn được giữ nguyên: 36 tấm giấy được giữ ở trạng thái những tấm rời trong một cuốn kẹp.

Những tấm giấy riêng rẽ này sẽ được trưng bày trong khung treo ngang tầm mắt. Điều này giúp người xem có thể quan sát tác phẩm ở những góc gần, nhìn rõ được những chi tiết không thể nhận ra khi xem phiên bản lớn được đóng khung.

Ngoài Cổng vòm Danh giá, triển lãm này còn trưng bày một số các tác phẩm khác có liên quan hoặc cùng thời kỳ với tác phẩm này của Dürer và một số nghệ sĩ khác.

Huyền Ngân (Theo Art Daily | Ảnh: smk.dk)