LuxeVN – Ingle & Hayday, đơn vị đồng thực hiện việc đấu giá cây đàn viola MacDonald cùng nhà đấu giá Sotheby’s vừa ra thông cáo chính thức rằng cây đàn đã không có được người trả tới mức giá yêu cầu cho tới mốc thời gian 25.6.
Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, khi nhà Sotheby’s đưa ra mức giá cho cây đàn này là 27 triệu bảng Anh tương đương khoảng 45 triệu USD, các chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá nhạc cụ cũng như một số nhà sưu tầm đã bình luận rằng con số đó là quá cao so với giá trị của hiện vật. Theo họ sự thay đổi trong cách nhìn nhận về các nhạc cụ cao cấp thời gian gần đây có thể đã khiến việc đấu giá cây đàn thất bại.
Tuy nhiên, những người bán cây đàn viola MacDonald lại có ý kiến khác. Họ cho rằng việc sở hữu cây đàn có một không hai này sẽ mang lại cho người sở hữu một niềm tự hào đặt biệt và cây đàn này có thể giúp những nhà sưu tầm nhạc cụ xa xỉ hoàn tất bộ sưu tập của họ.
Sở dĩ có tên gọi MacDonald là bởi người từng mua cây đàn năm 1820 là Hầu tước người Anh Godfrey Bosville MacDonald. Đây là một trong 10 cây viola do nghệ nhân làm đàn huyền thoại người Ý Antonio Stradivari (1644 – 1737) chế tạo và giữ được đến ngày nay ở tình trạng mà nhà đấu giá Sotheby’s mô tả là “vô cùng hoàn hảo”.
Giới nghệ sĩ cũng có những bình luận khác nhau về sự kiện đấu giá thất bại cây đàn này. Nữ danh cầm Anne Akiko Meyers chia sẻ sự tiếc nuối của mình trên trang cá nhân Facebook. Anne là nghệ sĩ rất may mắn vì hiện nay cô đang sử dụng cây đàn violin The Vieuxtemps Guarneri, nhạc cụ đến nay vẫn đang giữ kỷ lục nhạc cụ thuộc bộ dây đắt nhất thế giới với giá bán 16 triệu USD. Hồi đầu năm, một người giấu tên đã mua cây đàn này nhưng cho Anne Akiko Meyers mượn suốt đời.
Tất nhiên không phải ai cũng may mắn như nữ danh cầm xinh đẹp người Mỹ. Khá nhiều nghệ sĩ lại cho rằng nếu những nhạc cụ quý giá và vẫn còn giữ được tình trạng sử dụng tốt được giao bán với những cái giá trên trời như vậy thì cơ hội để các danh cầm chạm tay vào chứ chưa nói là sở hữu chúng sẽ là rất nhỏ.
Hưng Nguyễn