TF- Ông là một trong số ít các xưởng sản xuất không phải sống trong nỗi e ngại “thiếu các bộ máy đồng hồ”. Thực tế, ông có vẻ là một nhà làm đồng hồ “xanh” với việc tìm tòi và tận dụng những bộ máy đồng hồ cũ hoặc không còn sản xuất nữa. Lợi thế của việc này là gì?
MP – Thuỵ Sĩ không phát triển mạnh về sản phẩm đồng hồ hoàn chỉnh nhưng đã phát triển và tinh lọc ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm máy đồng hồ. Năm 1793, xưởng sản xuất đồng hồ tại Fontainmelon, Thuỵ Sĩ (FHF) đã có bước đầu tiên đưa những bộ máy đồng hồ chất lượng cao ra sản xuất hàng loạt với các tên tuổi như A. Schild, Eterna, Unitas, Peseux, Valjoux và vô số các chuyên gia sản xuất máy đồng hồ khác. Năm 1900, FHF đã sản xuất tới 1 triệu máy đồng hồ mỗi năm để bán cho các thương hiệu như Tissot, Tudor, Girard Perregaux, Bulova, Dugena, Longine, Elgin, Gruen và hàng trăm các công ty đồng hồ khác.
Năm 1980, các bộ máy đồng hồ Quartz tới Thuỵ Sĩ và khiến cho hàng trăm các công ty đồng hồ, các nhà sản xuất máy đồng hồ phải đóng cửa, hàng nghìn người mất việc. Chính phủ đã quyết định xáp nhập các nhà sản xuất máy đồng hồ quan trọng nhất: trong đó có FHF, A. Schild, ETA Eterna, Unitas, Valjoux, Peseux thành công ty cổ phần Ebauche. Sau đó, Hayek mua lại Ebauche và đổi tên thành công ty cổ phần ETA. Cuối cùng, nó trở thành tập đoàn Swatch Group.
Dù sao, toàn bộ những kinh nghiệm và kiến thức trong 200 năm về công nghiệp sản xuất máy đồng hồ đều nằm tại Swatch Group. Vì thế, rất khó hiểu là tại sao Uỷ ban cạnh tranh liên bang FCC lại chấp nhận quyết định của Swatch Group, khi hãng này đòi dừng việc bán các bộ máy đồng hồ cho các công ty thứ 3. Bởi vì, rõ ràng đây là một quyết định chiến lược, một bước để thâu tóm hoàn toàn thị trường đồng hồ.
Vài năm trước, tôi đã đầu tư toàn bộ tiền của mình để mua những bộ máy đồng hồ lịch sử có chất lượng cao và tôi biết rằng chúng vẫn còn rất nhiều trên thị trường. Một điều quan trọng cần biết là những bộ máy đồng hồ này được chế tác vào thời kỳ hoàng kim của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ – vào thời điểm giữa 1955 – 1980. Chúng có chất lượng tuyệt vời, đôi khi còn tốt hơn những bộ máy đồng hồ được chế tạo ngày nay (đây không chỉ là quan điểm của cá nhân tôi). Trong thời điểm đó, các nhà sản xuất phải đối mặt với cạnh tranh, thách thức tạo ra các sản phẩm tốt, chắc chắn và bền nhất có thể. Ngày nay, có vẻ như các sản phẩm chỉ được làm tốt ở mức độ vừa phải.
TF – Kỹ thuật nổi tiếng vẽ ngược ở mặt sau của một chiếc đồng hồ trong suốt đã có thời rất đơn giản và phổ biến. Ông đã tới với kỹ thuật này thế nào?
MP – Nhiều năm trước tôi trở nên rất hứng thú với công việc vẽ thuỷ tinh – đây thực chất là một kỹ thuật vẽ với cọ và sơn màu vào chiều ngược lại của thuỷ tinh. Nghệ thuật này được áp dụng đặc biệt ở châu Âu và cả Trung quốc vào khoảng đầu thế kỷ 19. Một lần, khi thực hiện một dự án về vẽ ngược trên kính tôi đã tìm kiếm một quyển sách về màu sơn và kỹ thuật vẽ. Sau đó, tôi nhận ra sự khác biệt lớn giữa vẽ với sơn màu và vẽ với bột màu. Dựa trên thông tin đó, tôi đã tìm ra kỹ thuật vẽ mà hiện nay tôi đang sử dụng để vẽ ngược trên những chiếc đồng hồ trong suốt hoặc trên mặt đồng hồ. Tôi vẽ không phải với sơn màu mà là vẽ với bột màu trộn trong dầu. Điều này cho phép tôi tạo ra những bức tiểu hoạ một cách hoàn hảo mà không bị chồng và xáo trộn các nét cọ.
TF – Được biết, các sản phẩm của ông đều được chế tác theo đơn đặt hàng riêng. Sản phẩm nào đã thách thức ông nhất?
MP – Khách hàng đặt làm sản phẩm khó nhất là một công chúa Ả rập Xêut. Chúng tôi gặp nhau 1 hoặc 2 lần trong năm để xem xét các phác thảo của cô ấy để tạo ra những chiếc đồng hồ và trang sức ngoài sức tưởng tượng. Một trong những sản phẩm khó nhất là chiếc đồng hồ Belle Époque. Đây là đồng hồ hiển thị số được trang trí với một mề-đay theo thời kỳ Belle Époque (“Thời kỳ tươi đẹp“, để chỉ một giai đoạn chủ yếu ở châu Âu từ khoảng cuối thế kỷ 19 tới cho năm 1914, trước khi nổ ra Thế chiến thứ nhất). Chiếc đồng hồ này được trang trí bằng hàng nghìn hạt kim cương với tổng trọng lượng lên tới gần 8 carat kim cương được cắt theo kiểu cũ.
TF – Tôi biết rất khó để lựa chọn nhưng sáng tạo nào khiến ông ưa chuộng nhất?
MP – Tôi không có sáng tạo nào ưa chuộng nhất. Tôi đã chế tác từ 60 đến 100 loại đồng hồ mỗi năm. Mỗi khi hoàn thành công việc, tôi lại thấy hết hứng thú với sáng tạo cũ bởi những ý tưởng mới đến và hoàn toàn thu hút sự chú ý của tôi.
Chiếc đồng hồ cá nhân của tôi là loại đồng hồ cổ điển, có đường kính 36mm với mặt đồng hồ làm từ vỏ trai nguyên khối, kim cương được gắn trên vạch chỉ giờ với bộ máy cổ lên dây bằng tay.
TF – Những nhà làm đồng hồ nào khiến cho ông cảm thấy thú vị?
MP- Tôi vẫn liên hệ và gặp gỡ những người bạn là những nhà làm đồng hồ độc lập như Thomas Prescher, the Groenefelds, Vianney Halter, Kari Voutilainen, Daniel Strom… Nhưng với tôi – một người làm đồng hồ chú trọng ít hơn tới sự phức tạp của bộ máy đồng hồ và quan tâm nhiều hơn tới thiết kế về mặt tổng thể và lĩnh vực nghệ thuật của một chiếc đồng hồ, tôi có sự kính trọng sâu sắc và đánh giá cao những chiếc đồng hồ được chế tác bởi Bovet. Theo quan điểm của tôi, họ đã tạo ra những chiếc đồng hồ đẹp nhất tôi từng được chiêm ngưỡng. Tôi cũng thích vẻ đẹp và sự huyền ảo trong những chiếc đồng hồ của Urban Jurgensen & Soenner nhưng là thời gian trước khi Peter Baumberger và bậc thày làm đồng hồ của ông là Derek Pratt qua đời. Ngày nay, những chiếc đồng hồ của UJ vẫn tuyệt nếu nhìn từ quan điểm kỹ thuật. Tuy nhiên, họ đã hoàn toàn mất đi những đường nét, chi tiết mỹ học mà không chỉ quan trọng với riêng Peter Baumberger.