LuxeVN – Carlo Crocco, nghệ nhân đồng hồ người Ý, thành lập Hublot năm 1980. Nhưng thành công thương mại của thương hiệu này có công lớn của Jean-Claude Biver. Chính Biver là người đưa Hublot trở thành hình mẫu trong giới kinh doanh đồng hồ.
Vậy Biver là ai? Những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ đứng trước bờ vực phá sản vì làn sóng đồng hồ tinh thể thạch anh (Quatz), Swatch Group với Jean-Claude Biver và Nicolas Hayek đã làm một cuộc giải thoát ngoạn mục cho ngành công nghiệp này.
Cuối năm 2003, Carlo Crocco bất ngờ gõ cửa Biver, khi đó đang là chủ tịch điều hành Omega (thuộc Swatch Group), nhờ cứu thương hiệu Hublot. Với sở thích… chữa cháy và đầu óc kinh doanh nhạy bén, Biver nhận lời làm giám đốc điều hành của Hublot, kèm theo đó là một chân trong hội đồng quản trị. Để vực dậy Hublot, ngay lập tức Biver đưa ra chiến lược kinh doanh nhạy bén 3 yếu tố: sao chép nguyên bản mẫu đồng hồ Royal Oak của Audemars Piguet, “mắm muối” vào đó tên sản phẩm hấp dẫn đi cùng câu chuyện lôi cuốn (Fusion hay Bigbang), cuối cùng là giá bán hợp lý.
Chiến lược này ngay lập tức thành công khi hãng cho ra mắt Bigbang tại BaselWorld 2005. Khi mà những mẫu Royal Oak của AP có giá cao ngất ngưởng (vỏ thép 20.000 USD, vỏ vàng 30.000 USD) thì những chiếc Bigbang kiểu dáng giống hệt chỉ có giá từ 8.000 USD (vỏ thép) đến 15.000 USD (vỏ vàng) trở nên quá hấp dẫn. Tất nhiên, chất lượng nhìn chung của các mẫu đồng hồ Hublot kể trên không thể nào so sánh được với Audemars Royal Oak. Bù lại, chúng phù hợp với số đông khách hàng trung cấp.
Chỉ trong 3 năm, từ 2005 đến 2007, doanh thu tăng gấp 5 lần đưa Hublot trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng tham vọng của Biver không dừng lại ở đó. Một bước đi khôn ngoan tiếp tục được triển khai. Năm 2008, Hublot được bán cho tập đoàn LVMH với giá 500 triệu USD. Với vốn đầu tư vào hình ảnh và marketing gần như không giới hạn, Hublot như hổ mọc thêm cánh.
Khi mà “nguyên mẫu” Audemars Piguet chọn cách quảng bá hình ảnh qua các giải đua thuyển buồm nổi tiếng trên thế giới, gắn liền với giới thượng lưu, quý tộc thì Hublot lại chọn tài trợ môn thể thao bình dân bóng đá. Hợp đồng tài trợ 4 triệu USD một năm, dành cho câu lạc bộ nhiều người hâm mộ nhất hành tinh Manchester United, là cái giá để hãng tiếp thị sản phẩm “Hublot Bigbang King Power Red Evil”. Hàng loạt câu lạc bộ hàng đầu như Bayern Munich, Juventus., v.v. cũng đều lần lượt nhận được hợp đồng tài trợ “khủng”. Chắc nhiều người chưa quên hình ảnh khoa trương của Maradona ở World Cup 2010. “Cậu bé vàng” của Argentina tươi cười đeo mỗi tay một chiếc đồng hồ Hublot. Một người hùng sân cỏ khác, “vua bóng đá” Pele thì trở thành đại sứ thương hiệu Hublot năm 2014.
Chính sách tăng giá bán cùng hình ảnh marketing mới của Hublot, nhằm mục đích tái định vị thương hiệu, đang diễn ra mạnh mẽ. Những mẫu Hublot phiên bản vỏ thép, vỏ vàng trước đây có mức giá từ 8.000 – 12.000 USD giờ trở nên đắt đỏ ngang bằng với hãng “mẹ” Audemars Piguet, từ 20.000 – 30.000 USD.
Trên thực tế, vì Hublot chưa được giới chuyên môn đánh giá cao như Audemars Piguet nên mỗi sản phẩm bán ra thường có mức chiết khấu cao từ 30 đến 40% cho khách hàng. Hublot đã đánh trúng tâm lý người mua tại những thị trường cao cấp non trẻ như châu Á. Đây chính thứ mà người ta vẫn gọi là nghệ thuật bán hàng.
Năm nay, công thức thành công của Jean-Claude Biver được Hublot soạn lại một lần nữa. Không cần quá sành đồng hồ để nhận ra các mẫu đồng hồ Richard Mille “đoàn tụ” trên chiếc “Hublot Spirit of Bigbang” – thiết kế hình quả trám, mặt số lộ máy (skeleton), vành bezel có ốc vít nổi. Chúng ta cũng biết, đồng hồ Richard Mille chiếc rẻ nhất là 90.000 USD. Trong khi mỗi chiếc Spirit of Bigbang chỉ có giá từ 20.000 đến 30.000 USD.
Liệu rằng với Spirit of Bigbang, Hublot có tạo thêm vụ nổ nữa hay không?
Việt Quang