LuxeVN – Đã có lúc tưởng như gần biến mất, đồng hồ cơ khí lại bất ngờ trỗi dậy và trở lại ngoạn mục, trở thành một thứ “trang sức” mà những người sành điệu đều muốn sở hữu.
Đồng hồ cơ khí là biểu tượng của sự tinh tế. Nó lưu giữ thời gian dựa trên công nghệ đã có từ mùa xuân Thế kỷ 15. Một chiếc đồng hồ “khó tính”, yêu cầu người dùng phải thường xuyên chăm chút lên dây.
Sản xuất đồng hồ cơ khí là một quá trình phức tạp, tiêu tốn nhiều thời gian. Quá trình sản xuất một chiếc đồng hồ có thể lên đến 1.000 công đoạn khác nhau. Người ta ước tính rằng nếu một người thợ làm đồng hồ tự mình hoàn thiện một sản phẩm phải mất ít nhất hai năm. Những chiếc đồng hồ này thường có giá ngang với một chiếc xế hộp đời mới hay thậm chí là một ngôi nhà xinh xắn.
Chính sự kỳ công này đã giải thích một phần tại sao chiếc đồng hồ có chức năng báo thức bằng âm nhạc như Girard-Perregaux Opera Three có giá lên đến 500.000 USD (khoảng 10,4 tỷ đồng). Chiếc đồng hồ cơ khí này chơi được nhạc Mozart và Tchaikovsky nhờ trống quay và phát ra 20 âm phím đàn piano.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tôi có thể xem giờ trên điện thoại hay thậm chí là cái tủ lạnh, tại sao phải tốn nhiều tiền cho một chiếc đồng hồ đeo tay? Câu trả lời thật đơn giản bởi chiếc đồng hồ đeo tay không chỉ đơn thuần là một tổ hợp cơ khí khô khan. Chúng ta có đồng hồ điểm chuông tới phút (minute repeater), đồng hồ theo dõi tuần trăng, đồng hồ lịch vạn niên, tự động điều chỉnh ngày tháng theo năm nhuận… Điện thoại di động hay bất kỳ một thiết bị kỹ thuật số báo giờ nào khác không thể có được một trái tim tinh tế như Tourbillon!
Ngày nay, số lượng đồng hồ cơ khí chỉ chiếm 20% trong ngành công nghiệp đồng hồ trên toàn thế giới nhưng nó lại là phân khúc đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Tuy thế, đồng hồ cơ khí cũng có khoảng thời gian thăng trầm, đến mức nhiều người tưởng như thời khắc lui vào dĩ vàng của những tác phẩm nghệ thuật thời gian này đã điểm. Hai mươi lăm năm trước, cùng với sự phát triển của đồng hồ điện tử giá rẻ, ngành công nghiệp đồng hồ cơ khí âm thầm thu hẹp quy mô và thậm chí gần như biến mất. Nhưng hơn một thập kỷ sau, ngành công nghiệp này có xu hướng phát triển trở lại bất chấp sư suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Năm 2011, lợi nhuận bán hàng của các hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đạt ngưỡng cao nhất trong quãng thời gian 20 năm trở lại đây: 21,8 tỷ USD. Trong đó 70% lợi nhuận do doanh thu của đồng hồ cơ khí đem lại. Trong những năm gần đây, những chiếc đồng hồ cơ khí đều dẫn đầu tại các phiên đấu giá.
Ông Michael Safdie – nhà sưu tập đồng hồ cơ khí lâu năm, người đã đưa những chiếc đồng hồ Patek Philippe cổ vào bảo tàng cá nhân và salon của mình tại New York, khi được hỏi về lý do nào dẫn đến đam mê của ông dành những chiếc đồng hồ đã trả lời khá hài hước: “Liệu bạn có thể đeo và đam mê thứ gì khác có giá 500.000 USD suốt 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần?”. Thật vậy, năm ngoái, khi nghệ nhân người Pháp, Richard Mille giới thiệu chiếc đồng hồ RM056 của mình, nó ngay lập tức bán được hết cả 5 phiên bản. Chiếc đồng hồ split-second chronograph tourbillon này có giá 1,65 triệu USD (34,4 tỷ đồng).
“Đồng hồ sẽ cho biết nhiều điều về chủ của nó”, ông Reginald Brack, một doanh nhân ở New York và là một nhà sưu tập, cung cấp đồng hồ cổ điển và hiện đại của Rolex và Patek Philippe.
Trong danh sách những người sở hữu đồng hồ cơ khí thuộc dạng hàng “độc” có Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi – người sở hữu đồng hồ platinum thể thao Vacheron Constantin Patrimony có giá 540.000 USD và Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đeo đồng hồ split-second chronograph và tourbillon bằng platinum A. Lange & Söhne Tourbograph có giá 580.000 USD. Năm ngoái, tại trận chung kết giải Pháp mở rộng, tay vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal đã đeo chiếc đồng hồ siêu nhẹ tùy chỉnh Richard Mille RM027 Tourbillon có giá 376.000 USD và giành chiến thắng.
Tuy nhiên, đồng hồ đeo tay đã từng bị coi là “dấu hiệu của những kẻ yếu đuối”, trái ngược với đồng hồ bỏ túi. Nó chỉ được chấp nhận rộng rãi sau Thế chiến thứ I.
Graves Supercomplication là chiếc đồng hồ mà ông trùm James Ward Packard và chuyên gia tài chính Henry Graves, Jr. đều thèm khát. Đây cũng là hai trong số những người sành đồng hồ bậc nhất của thế kỷ 20. Graves Supercomplication là chiếc đồng hồ được sản xuất bởi Patek Philippe vào năm 1933 và đạt giá kỷ lục 11 triệu USD tại một phiên đấu giá của Sotheby’s.
“Đặc biệt ở những dòng cao cấp, việc kiên trì theo đuổi và mua những chiếc đồng hồ cơ khí cũng giống như mua các tác phẩm nghệ thuật vậy”, ông Michael Sandler, phó chủ tịch cửa hàng bán lẻ đồng hồ sang trọng Tourneau ở New York, cho biết.
Quả vậy, giống các tác phẩm nghệ thuật, những chiếc đồng hồ cũng đang được các nhà sưu tập, thực chất là cả các nhà đầu tư, đánh giá rất cao. Chiếc đồng hồ Patek Reference 2499 được mua vào những năm 1970 với giá 30.000 USD (626 triệu đồng) hiện tại có thể bán với giá 400.000 USD đến 500.000 USD (từ 8,3 đến 10,4 tỷ đồng). Khi chiếc đồng hồ Patek platinum lịch vạn niên kết hợp tuần trăng, Reference 2499/100, của Eric Clapton được Christie’s đem bán đấu giá cuối tháng 11 năm ngoái, nó đã đem lại số tiền lên tới 3,6 triệu USD (75 tỷ đồng).
“Chúng ta có thể thấy rằng việc đầu tư trong ngành đồng hồ là một chiến lược đầu tư lâu dài đúng đắn”, ông John Reardon, chuyên gia về đồng hồ và cũng là người đứng đầu Patek Philippe ở Mỹ phát biểu. “Sự đánh giá cao về giá trị, điều hiển nhiên trong các buổi đấu giá, tạo cảm hứng mới trong cuộc chơi”.
Không gì có thể so sánh được với một chiếc đồng hồ cơ tốt. “Mọi người đều muốn nó được sản xuất hàng loạt giống iPhone”, ông Marc Berliner – nhà sản xuất phim và truyền hình có trụ sở tại Los Angeles, người sỡ hữu 20 chiếc đồng hồ cổ điển chủ yếu là của Patek Philippe, Rolex và Vacheron Constantin – cho biết. “Một chiếc đồng hồ cơ khí được làm thủ công hoàn toàn với một độ khéo léo cao của người nghệ nhân, cùng với niềm đam mê mà ngày nay là điều bạn khó có thể tìm thấy”.
Minh Toàn