LuxeVN – Nhìn vào danh sách những người chiến thắng tại giải Oscars lần thứ 86 vừa được tổ chức hôm qua, có thể thấy ngay các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã trở nên cầu toàn hơn bao giờ hết. Một đêm trao giải quá dễ đoán nhưng được “đền bù” bằng những khoảng khắc thú vị và nhiều thứ hay ho không phải khán giả xem truyền hình nào cũng biết đến.

Sau lễ trao giải lần thứ 85, đã có những lời đồn đoán về tình trạng “chia giải” ở các hạng mục chính và có vẻ năm nay mọi sự vẫn y nguyên. Có một điều tréo ngoe ai cũng thấy là bộ phim hay nhất lại không được thực hiện bởi đạo diễn tài giỏi nhất. Năm ngoái Lý An ăn giải Đạo diễn xuất sắc nhưng giải Phim hay nhất thuộc về Argo của Ben Affleck còn năm nay, Alfonso Cuarón mang tượng vàng Oscar về nhà nhưng 12 Years A Slave đăng quang Phim hay nhất.

Đoàn làm phim 12 Years A Slave vui mừng với chiến thắng

Đoàn làm phim 12 Years A Slave vui mừng với chiến thắng

Quả thật, không cần phải chờ đến những giây phút cuối cùng của đêm trao giải mới biết 12 Years A Slave sẽ vượt qua 8 đối thủ còn lại. Bởi các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ thường có khuynh hướng chọn phim theo khuynh hướng “rặt Mỹ”, có đề tài hàn lâm, khai thác lịch sử, các vấn đề xã hội và ít động chạm đến những thứ được coi là quá nhạy cảm. Năm ngoái Argo ca ngợi sức mạnh Mỹ qua một câu chuyện dựa trên sự kiện có thật, năm nay 12 Years A Slave dựa theo một cuốn hồi ký cùng tên, lại đặt ở giai đoạn lịch sử khá đen tối của quốc gia này. Thế cho nên, đừng ngạc nhiên khi những American Hustle, Dallas Club Buyer, Gravity hay Her phải cam chịu thất bại.

Chiến thắng của Frozen ở hạng mục PHim hoạt hình hay nhất chưa thuyết phục

Frozen đăng quang thiếu thuyết phục ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất

Cũng như vậy, giải Phim hoạt hình hay nhất đã thuộc về Frozen, một lựa chọn rất “an toàn” và được lòng khán giả mọi lứa tuổi, thay cho The Croods tươi mới nhưng dữ dội hay The Wind Rises khác lạ và đậm chất nghệ thuật theo phong cách riêng biệt của Nhật Bản. Đây cũng là một giải thưởng bị người hâm mộ “lên án” khá nhiều, giống trường hợp Brave hồi năm ngoái.

Matthew Mc Conaughey, Cate Blanchet, Lupita Nyong'O và Jared Leto đoạt các giải diễn viên xuất sắc nhất

Matthew Mc Conaughey, Cate Blanchet, Lupita Nyong’O và Jared Leto đoạt các giải diễn viên xuất sắc nhất

Điều đáng nói là những giải thưởng này đều đã được cả giới phê bình lẫn công chúng dự đoán chính xác từ khi các đề cử được công bố. Ngay cả các giải dành cho Nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cũng vậy. Mathew McConaughey trong phim Dallas Buyers Club và Cate Blanchet trong phim Blue Jasmine được nhắc đến nhiều nhất và đúng là hai ngôi sao này đã giành chiến thắng. Tạm được coi là bất ngờ có lẽ là giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thuộc về Jared Leto, cũng với Dallas Buyers Club, bởi đây chỉ là bộ phim thứ 5 trong lịch sử Oscars lấy trọn hai giải Nam chính và Nam phụ xuất sắc nhất.

Dù đã bắt tay người đoạt giải Nam phụ xuất sắc nhất năm ngoái nhưng Leonardo DiCaprio vẫn không xóa được dớp đen tại Oscar

Dù đã bắt tay người đoạt giải Nam phụ xuất sắc nhất năm ngoái nhưng Leonardo DiCaprio vẫn không xóa được dớp đen tại Oscar

Ngoài ra, việc Gravity, một phim khoa học viễn tưởng lấy gần hết các giải phụ về kỹ thật cũng như thất bại toàn diện của đoàn làm phim American Hustle và của riêng Leonardo DiCaprio cũng đã được nói đến rất nhiều trước đêm 2.3 vừa qua. Ngay sau khi khi Matthew Mc Conaughey bước lên sân khấu nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, trên internet đã xuất hiện một làn sóng tiếc nuối cho “chàng Gatsby vĩ đại” cùng vô vàn hình ảnh vui nhộn về “ác mộng của Leo”, “mục tiêu mới của Leo” hay “mơ ước của sói phố Wall”.

Nhóm U2 biểu diễn Ordinary Love trên sân khấu Oscar năm nay

Nhóm U2 biểu diễn Ordinary Love trên sân khấu Oscar năm nay

Năm nay, nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận ra một số “điềm báo” về các giải thưởng được trao. Ví dụ như bản Let It Go được biểu diễn ngay trước lúc trao giải Ca khúc hay nhất và thắng cuộc. Tiếng nhạc nền Cinema Paradiso – một bộ phim Italia – vang lên khi Ewan McGregor và Viola David bước ra công bố Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và giải thưởng thuộc về The Great Beauty, tác phẩm đến từ đất nước hình chiếc ủng. Ngay trước khi Jennifer Lawrence công bố đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, người dẫn chương trình là Ellen DeGeneres ra hỏi chuyện Matthew McConaughey và kết quả là anh này ẵm tượng vàng Oscar chứ không phải Leonardo DiCaprio. 12 Years A Slave được công bố cuối cùng trong 9 đề cử tranh giải Phim hay nhất theo đúng tinh thần “save the best for last”.

Phần trình bày Over The Rainbow của Pink dù hay tuyệt vẫn bị tỷ phú Donald Trump chê bôi

Phần trình bày Over The Rainbow của Pink dù hay tuyệt vẫn bị tỷ phú Donald Trump chê bôi

Như thường lệ, đêm trao giải Oscar năm nay cũng dùng rất nhiều nhạc phim quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết đến, như Indiana Jones, Cinema Paradiso, I Dreamed A Dream (phim Les Misérables), Titanic (phim cùng tên), Love Is A Many-Splendored Thing (phim cùng tên), Moon River (phim Breakfast At Tiffany’s), Take My Breath Away (phim Top Gun) hay Chim Chim Cher-ee (phim Mary Poppins). Đặc biệt, nữ ca sĩ Pink đã có màn biểu diễn xuất thần bản Over The Rainbow (phim The Wizard Of Oz) nhân kỷ niệm 75 năm ra đời. Đơn giản, đây là ca khúc dẫn đầu danh sách “365 ca khúc thế kỷ” trong sưu tập của Hiệp hội công nghệ ghi âm Mỹ, cũng là bài hát thắng giải Oscar dành cho Ca khúc nhạc phim hay nhất nổi tiếng nhất, được hát lại nhiều nhất từ trước đến nay.

Jennifer Lawrence xinh đẹp trong trang phục Dior, vẫn "vồ ếch" như Oscar năm ngoái

Jennifer Lawrence xinh đẹp trong trang phục Dior, vẫn “vồ ếch” như Oscar năm ngoái

Bên cạnh đó, nữ diễn viên kiêm ca sĩ Bette Midler cũng trình bày bản Wind Beneath My Wings (phim Beaches) đầy xúc động ở phần tưởng niệm những nhân vật điện ảnh đã khuất. Ngoài ngôi sao Paul Walker của seri phim đình đám Fast & Furious khán giả còn có thể thấy những gương mặt quen thuộc khác như Philip Seymour Hoffman (vừa qua đời hôm 2/2), Peter O’Toole (diễn viên chính phim kinh điển Lawrence Of Arabia, người giữ kỷ lục 8 lần được đề cử Oscar nhưng không một lần chiến thắng) và Thiệu Dật Phu (Run Run Shaw – người sáng lập hãng Thiệu Thị, đế chế một thời của điện ảnh Hong Kong).

Sidney Poitier, người da đen đầu tiên nhận giải Oscar, cùng Angelina Jolie trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất

Sidney Poitier, người da đen đầu tiên nhận giải Oscar, cùng Angelina Jolie trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất

Đêm trao giải có rất nhiều màn standing ovation (khán giả đứng dậy và vỗ tay tán thưởng) nhưng gây thắc mắc cho khán giả truyền hình nhiều nhất vẫn là ở phần công bố hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Xin thưa, những tràng pháo tay đó không phải dành cho Angelina Jolie mà cho nhân vật bên cạnh cô: Sidney Poitier – người da đen đầu tiên đoạt giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất vào năm 1963, đồng thời có tên trong danh sách 25 ngôi sao nam xuất sắc nhất mọi thời do Hiệp hội Điện ảnh Mỹ bình chọn.

Tấm hình selfie chắc chắn đi vào lịch sử điện ảnh thế giới

Tấm hình selfie chắc chắn đi vào lịch sử điện ảnh thế giới

Gây hứng khởi nhất và được lan truyền nhanh nhất trên internet chính là màn selfie (chụp ảnh tự sướng) của một loạt ngôi sao hàng đầu do người dẫn chương trình Ellen DeGeneres khởi xướng. Điều đáng nói là ngoài đời nữ MC này dùng iPhone chứ không phải smartphone Samsung như trong đêm trao giải và nhiều người đã coi đây là chiêu quảng cáo thành công vượt mức của nhãn hàng điện tử Hàn Quốc. Trước đó, đạo diễn Vương Gia Vệ (phim The Grandmaster của ông nhận được 2 đề cử tại Oscar năm nay) cũng đã selfie khá lộ liễu ngay trên thảm đỏ nhưng chắc chắn hành động này của ông không thể nhận được nhiều quan tâm hơn cú “vồ ếch” trứ danh của Jennifer Lawrence. Bản thân ngôi sao trẻ cũng thú nhận là cô không ngờ mình lại vấp ngã trong hai năm liên tục tại giải Oscars.

Lễ trao giải năm nay được đánh giá là rất thành công về khâu tổ chức và làm hài lòng khán giả, nhưng rõ ràng không phải ai cũng thấy vậy, điển hình là nhà tỷ phú Donald J. Trump. Ông này theo dõi rất kỹ và sau đó lên Facebook chê bôi đủ điều, nào là khâu tổ chức kiểu “nghiệp dư”, nào là Pink và Bette Midler hát rất tệ, nào là chương trình quá đỗi nhàm chán. Kể cũng vui…

Jared Leto, tác giả của bài diễn văn nhận giải hay nhất Oscar năm nay

Jared Leto, tác giả của bài diễn văn nhận giải hay nhất Oscar năm nay

Trích đoạn phần diễn văn nhận giải của Jared Leto, được coi là hay và cảm động nhất giải Oscar 2014: “…Năm 1971, tại thành phố Bossier, bang Lousiana, có một cô gái chưa đến 20 tuổi mang bầu đứa con thứ hai. Cô ấy bỏ học và làm mẹ đơn thân nhưng vẫn luôn cố gắng tạo ra cho bản thân và hai đứa con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô ấy khuyến khích các con mình phải biết sáng tạo, lao động chăm chỉ và làm những điều đặc biệt. Cô gái đó là mẹ của tôi và bà cũng hiện diện tại đây đêm nay.

Và con muốn nói, con yêu mẹ. Cảm ơn mẹ đã dạy con biết ước mơ.

Cho anh tôi, Shannon, một ông anh tốt nhất trên thế giới. Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng em hành trình mạo hiểm và điên rồ là ban nhạc 30 Seconds To Mars, và đã là người bạn thân nhất của em… Cho tất cả những người mộng mơ khắp nơi đang xem chương trình đêm nay, đặc biệt ở Venezuela và Ukraine, tôi muốn nói rằng chúng tôi đang ở đây, cũng như các bạn đang đấu tranh để biến giấc mơ thành hiện thực, để sống theo cách bạn nghĩ là không thể được. Đêm nay chúng tôi nghĩ đến các bạn…”

Hoàng Cương