Prove your humanity


Không có kinh phí khủng, không được xếp vào hàng bom tấn nhưng Need For Speed vẫn sẽ ăn khách, là tác phẩm điện ảnh buộc phải xem với các fan của video game cùng tên, những người mê siêu xe cũng như các khán giả trung thành của loạt phim truyền hình Breaking Bad.

Nói đến phim đua xe là phải nói đến series The Fast And The Furious, nhưng các tập về sau ngày càng rời xa cái gốc là những cuộc so kè về tốc độ trên đường phố để đi sâu vào những phi vụ làm ăn xuyên quốc gia. Và khán giả thì có cảm giác thèm muốn những cảm xúc tươi mới, hứng khởi như cái thời đua xe chỉ đơn thuần là… đua xe. Need For Speed ra mắt trong năm nay được xem là rất đúng thời điểm, đặc biệt khi tập Fast & Furious 7 bị dời ngày công chiếu do cái chết bất ngờ của tài tử Paul Walker.

Dựa vào videogame cùng tên, Need For Speed chắc chắn ăn khách

Dựa vào videogame cùng tên, Need For Speed chắc chắn ăn khách

20 năm tuổi đời, 20 phiên bản khác nhau, chắc chắn Need For Speed là một trong những series trò chơi ăn khách nhất trong lịch sử. Thế nhưng, tới nay mới có một phiên bản phim điện ảnh ăn theo cũng là khá muộn so với “tốc độ” khai thác đề tài của Hollywood. Chính vì vậy, điều quan trọng đối với các nhà sản xuất là làm sao để giữ nguyên tinh thần của trò chơi gốc, đồng thời tạo ra sức lôi cuốn với những người chưa một lần thử những trải nghiệm độc đáo trên máy điện tử và PC. Điều này xem ra quá đơn giản với đạo diễn Scott Waugh.

Phải nói ngay rằng Need For Speed có một kịch bản quá đỗi bình thường, đơn giản, ngoại trừ một số cú twist gây bất ngờ nhẹ cho người xem thì mọi thứ đều quá dễ đoán và không để lại bất kỳ ấn tượng gì. Thêm một mối tình chớp nhoáng không chút cảm xúc yêu đương. Chỉ cần một cái “sườn” để mạch truyện bám vào đó mà phát triển, tạo lý do cho những màn đua xe hoành tráng, thế là đủ. Và có lẽ khán giả cũng chỉ cần có vậy.

Tuy ra rạp với phiên bản 3D nhưng phim hạn chế kỹ xảo tới mức tối đa

Tuy ra rạp với phiên bản 3D nhưng phim hạn chế kỹ xảo tới mức tối đa

Không giống series The Fast And The Furious luôn tràn ngập “chân dài”, Need For Speed có thể gọi là quá khô khan, bù lại, sự góp mặt của các siêu xe hạng nhất trải dài từ đầu tới cuối đã làm cho bộ phim trở nên xa xỉ đến bất ngờ. Cũng đúng thôi, khi mà Mercedes SLS AMG GT Coupe hay Maserati Quattroporte cũng chỉ là “một chiếc xe khác” trên phố thì chẳng còn gì để nói nữa.

Những tưởng màn đua điên cuồng giữa 3 chiếc Koenigsegg trị giá 2,5 triệu USD ở đoạn đầu phim đã làm những người mê siêu xe ngây ngất nhưng đoạn cuối phim mới thực sự bùng nổ. Đó là trận chiến thực sự giữa những “khủng long” hàng đầu, niềm mơ ước của vô vàn dân chơi trên toàn cầu: Koenigsegg Agera R, Lamborghini Sesto Elemento, GTA Spano, Bugatti Veyron, McLaren P1 và Saleen S7.

Ngay cả cảnh này cũng được quay thật chứ không dựng bằng máy tính

Một cảnh quay ngoạn mục trong phim với bối cảnh ở thành phố Detroit

Và người Mỹ cũng biết chống lại làn sóng châu Âu bằng bộ sưu tập xe cơ bắp nổi tiếng: Ford Gran Torino đời 69, Chevy Camaro đời 68, Pontiac GTO đời 66 và điểm nhấn chính là chiếc Ford Mustang đặc biệt, dựa theo phiên bản Shelby GT500 2013 – được thiết kế bởi tay đua huyền thoại xứ cờ hoa Carroll Shelby, đạt tốc độ tối đa 305km/h. Tất cả đều có những chi tiết mạ chrome bóng loáng, kiểu dáng cổ điển và tiếng động cơ nghe cực kỳ “đã tai”, đúng chất Mỹ.

Chiếc Ford Mustang Shelby GT500 - biểu tượng cho sức mạnh cơ bắp Mỹ

Chiếc Ford Mustang Shelby GT500 – biểu tượng cho sức mạnh cơ bắp Mỹ

Mặc dù ra rạp với phiên bản 3D nhưng Need For Speed hạn chế kỹ xảo tới mức tối đa, mọi màn đua xe đều được quay ngoại cảnh chứ không phải trên nền xanh, điều này giúp mang lại những cảm giác chân thực nhất cho người xem. Bộ phim này còn có những khuôn hình đẹp đến nao lòng, từ khung cảnh yên bình của vùng núi Kisco ở New York cho tới khu phố công nghiệp ở Detroit, từ rặng núi đá đỏ ở Colorado tới cánh đồng muối Bonneville mù sương và hải đăng Point Arena ở California. Đạo diễn Scott Waugh đã chọn được nhiều góc máy thực sự ấn tượng, đôi lúc biến cả màn hình thành một bức tranh khổng lồ.

Trong phim, nhân vật phản diện Dino Brewster sở hữu nhiều siêu xe nhất

Trong phim, nhân vật phản diện Dino Brewster sở hữu cùng lúc 3 chiếc Koenigsegg

Âm thanh, tiếng động và cả âm nhạc của Need For Speed thật sự xuất sắc, tuy nhiên tiết tấu phim còn nhiều chỗ quá lê thê và các nhân vật phụ nói hơi nhiều. Cũng may là còn một chút hài hước kéo lại. Với Aaron Paul, ngôi sao của Breaking Bad, Need For Speed có lẽ là thử thách nhẹ nhàng vì không đòi hỏi nhiều về diễn xuất. Gây ấn tượng hơn chắc chắn là người đẹp Imogen Poots trong một vai khá đặc biệt, người giúp khán giả cảm thấy nhân vật chính Tobey Marshall cũng không phải là khúc gỗ mỗi khi rời khỏi vô-lăng…

Cùng chiêm ngưỡng dàn siêu xe hiện diện trong Need For Speed

McLaren P1

McLaren P1

Bugatti Veyron

Bugatti Veyron

Saleen S7

Saleen S7

Lamborghini Sesto Elemento

Lamborghini Sesto Elemento

Koenigsegg  Agera R

Koenigsegg Agera R

GTA Spano

GTA Spano

Chắc chắn khi ra rạp Need For Speed sẽ không được lòng giới phê bình khó tính nhưng bù lại nó vẫn đảm bảo tốt mục đích giải trí của số đông khán giả và gần như sẽ có các phần tiếp theo. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào siêu xe cùng các màn đua tốc độ, sớm muộn series phim này cũng sẽ bị khán giả quay lưng, chính vì thế, một kịch bản tốt hơn nên được chuẩn bị ngay từ bây giờ…

Hoàng Cương