LuxeVN – 10 cây ghi-ta được giới thiệu dưới đây nằm trong danh sách những chiếc đàn đắt nhất thế giới từng được đấu giá. Đó là những “chiến hữu” từng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của các nghệ sĩ lừng danh thế giới.

Trong các loại nhạc cụ, phổ biến và thông dụng nhất phải kể đến đàn ghi-ta. Đa dạng về chủng loại kiểu dáng, ghi-ta được ứng dụng trong nhiều dòng nhạc khác nhau: từ nhạc đồng quê, jazz, blues, flamenco, reggae đến pop và rock… Lịch sử ra đời và phát triển của ghi-ta gắn với nhiều tên tuổi nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng.

“Reach out to Asia”: Fender Stratocaster – 2,7 triệu USD

Tháng 12.2004, một trận sóng thần đã càn quét Đông Nam Á . Nhiều biện pháp khắc phục thiệt hại đã được thực hiện mà những người đi tiên phong là các nhạc sĩ. Để gây quỹ “Reach out to Asia” hỗ trợ các nạn nhân sóng thần, một cây ghi-ta Fender Stratocaster được đem ra đấu giá tại Qatar vào ngày 17.11.2005.

Điểm đặc biệt không nằm ở việc chiếc đàn từng qua tay các nghệ sĩ nổi danh, mà là tập hợp chữ ký của một số nghệ sĩ ghi-ta tài năng nhất thế giới. Những tên tuổi đã để lại chữ ký trên chiếc đàn gồm: Paul McCartney, Mick Jagger, Keith Richards, Eric Clapton, Brian May, Jimmy Page, David Gilmour, Jeff Beck, Pete Townsend, Mark Knopfler, Ray Davis, Liam Gallagher, Ronnie Wood, Angus Young, Malcolm Young, Tony Iommi, Sting, Ritchie Blackmore, Bryan Adams và các thành viên nhóm rock kỳ cựu Def Leppard.

Guitar

Người đã trả giá 2,7 triệu USD (xấp xỉ 57,5 tỷ đồng) và trở thành chủ sở hữu của cây ghi-ta vô tiền khoáng hậu này là Sheihka Miyyassah Al Thani, con gái Hoàng thân Qatar.

Strat 1986 của Jimi Hendrix – 2 triệu USD

Nhạc sĩ người Mỹ James Marshall Hendrix, hay thường được biết đến với cái tên Jimi Hendrix, được đánh giá là nghệ sĩ chơi ghi-ta xuất sắc nhất trong lịch sử âm nhạc. Hendrix nổi tiếng trước tiên không phải tại đất nước quê hương ông mà là ở châu Âu, khi ông biểu diễn cùng ban nhạc của mình, The Jimi Hendrix Experience.

Sau đó, ông trở về Mỹ khẳng định tiếng vang với màn trình diễn bất hủ tại Lễ hội âm nhạc Monterey (Monterey Pop Festival). Chẳng ai có thể quên được hình ảnh một Jimi hoang dại cùng cây đàn Strat trên sân khấu Woodstock (Woodstock Festival) năm 1969. Một năm sau, Jimi Hendrix qua đời ở tuổi 27 do dùng ma túy quá liều.

Mặc dù chỉ đứng dưới ánh đèn sân khấu trong vỏn vẹn 4 năm, nhưng gia tài âm nhạc và ảnh hưởng của Jimi Hendrix đến những tay ghi-ta hậu bối là vĩnh cửu.

Hendrix Woodstock

Cây ghi-ta Strat mà Hendrix đã chơi tại Lễ hội âm nhạc Woodstock đã được bán cho nhà đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen vào năm 1998 với giá 2 triệu USD (khoảng 42,5 tỷ đồng).

guitar5

Jimi Hendrix tự học chơi ghi-ta trên một cây đàn cũ chỉ còn một dây. Là người chơi ghi-ta tay trái, ông đã đảo vị trí của 6 dây đàn để chơi trên một chiếc ghi-ta loại  dành cho dân chơi tay phải thông thường.

Washburn của Bob Marley – 1,2 triệu USD

Nesta Robert Marley, hay Bob Marley, là nhạc sĩ, ca sĩ đến từ Jamaica. Ông nổi tiếng nhờ việc phổ biến rộng rãi dòng nhạc reggae, thể loại âm nhạc đặc trưng của Jamaica trong những năm 1960. Ông và ban nhạc riêng, Bob Marley and the Wailers, cũng chơi cả thể loại nhạc ska (tiền thân của nhạc reggae). Marley là nghệ sĩ có công đưa âm nhạc Jamaica cũng như phong trao Rastafari có mặt khắp thế giới. Những ca khúc bất hủ của ông phải kể đến “No Woman No Cry”, “I Shot the Sheriff”, “Jamming”…

washburn

Washburn 22 Series Hawk là một trong số 7 cây ghi-ta Marley từng sử dụng suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Đây là cây đàn được custom (“độ”) riêng cho ca sĩ nhạc reggae. Bob Marley đã từng tặng cây ghi-ta Washburn của mình cho kỹ sư Gary Carlsen. Hiện vật trị giá 1,2 triệu USD (tương đương 25,5 tỷ đồng) này hiện nay là tài sản quốc gia của Jamaica.

Fender Stratocaster 1965 của Bob Dylan – 965.000 USD

Bob Dylan, được mệnh danh là ông vua nhạc đồng quê, nổi tiếng với những ca khúc mang đậm tính triết lý, chính trị, văn chương với đề tài chống chiến tranh và đề cao quyền con người. Với hơn 110 triệu bản thu âm tiêu thụ trên toàn thế giới cùng nhiều giải thưởng cao quý như Grammy, Golden Globe, Academy Awards… Bob Dylan được tạp chí Time bình chọn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX.

Ngày 06.12 vừa qua, cây ghi-ta điện Fender Stratocaster của ông được Christie’s bán đấu giá thành công ở mức 965.000 USD (khoảng 20,5 tỷ đồng). Đây là cây đàn Dylan đã chơi tại Lễ hội âm nhạc dân gian Newport, đánh dấu lần đầu tiên Dylan chuyển hướng sang rock. 3 ca khúc mà Dylan trình diễn bằng Fender Stratocaster tại sự kiện âm nhạc đó đã nhận được phản ứng thiếu tích cực từ một bộ phận khán giả vì những âm thanh lạ tai.

Sau buổi biểu diễn không thành công này, Bob Dylan cùng ban nhạc rock đã bỏ lại cây đàn và 5 bản nhạc trên máy bay riêng. Trong gần 50 năm nay, Fender Stratocaster do gia đình của Vic Quinto, người phi công lái chiếc máy bay riêng đó, sở hữu cho đến khi nó thuộc về một khách hàng giấu mặt trong phiên đấu giá vừa diễn ra.

DylanGuitar

“Blackie” của Eric Clapton – 959.500 USD

Eric Clapton, tên đầy đủ là Eric Patrick Clapton, là một trong những nghệ sĩ ghi-ta có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ông được tạp chí Rolling Stone bình chọn là tay chơi ghi-ta xuất sắc thứ hai mọi thời đại, đứng sau Jimi Hendrix. Eric Clapton đã 3 lần được nêu tên trong Rock and Roll Hall of Fame với các tư cách: nghệ sĩ solo, thành viên nhóm nhạc Yardbirds, thành viên nhóm nhạc Cream.

Cây ghi-ta Blackie thuộc dòng Fender Stratocaster của Clapton được hợp thành từ 3 cây Strat cũ mà nghệ sĩ đã mua từ một cửa hàng ghi-ta ở Texas. Clapton đã tháo rời và lựa chọn những bộ phận tốt nhất của 3 chiếc ghi-ta cũ để “tự chế” cây đàn mới.

Blackie là người bạn đồng hành của Clapton suốt từ năm 1970 đến 1985. Cây ghi-ta cũng xuất hiện trên bìa album Slowhand của Clapton phát hành năm 1977. Vào ngày 24.06.2004, Eric Clapton bán chiếc đàn cho nhà đấu giá Christie’s để gây quỹ cho Crossroads Centre Antigua, trung tâm quốc tế điều trị cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn do nghiện ngập gây ra.

Năm 2004, Blackie đã được Guitar Center, công ty kinh doanh nhạc cụ và thiết bị âm thanh, mua lại với giá 959.500 USD (khoảng 20,4 tỷ đồng).

Blackie1

blackie

Gibson ES0335 1964 của Eric Clapton – 847.500 USD

Đây là cây ghi-ta Clapton đã sử dụng trong thời gian ông hoạt động cùng các ban nhạc như Yardbirds, Cream, John Mayall’s Bluesbreakers và Blind Faith. Clapton sở hữu chiếc đàn hơn 30 năm và chỉ dùng nó trên sân khấu để chơi blues cổ điển. Được bán với giá 847.500 USD (hơn 18 tỷ đồng) tại buổi đấu giá Crossroads Charity Guitar năm 2004, Gibson ES0335 1964 trở thành cây ghi-ta của hãng Gibson đắt nhất từng được đem đấu giá.

preview005

CF Martin 1939 của Eric Clapton – 791.500 USD

Eric Clapton đã sử dụng cây ghi-ta thùng Martin 1939 rất nhiều trong quá trình thực hiện album Eric Clapton 1992, một trong những bản thu âm bán chạy nhất của nhạc sĩ. Cùng với cây ghi-ta Gibson ES-335 1964, Martin 1939 cũng xuất hiện tại buổi đấu giá Crossroads Charity Guitar tổ chức tại New York năm 2004. Nó được mua lại với giá 791.500 USD (tương đương 16,8 tỷ đồng), gấp 10 lần giá trị ước tính ban đầu là 80.000 USD.

martin

Fender Stratocaster của Stevie Ray Vaughan – 623.500 USD

Stevie Ray Vaughan là nghệ sĩ ghi-ta người Mỹ đã cùng với ban nhạc của mình, Double Trouble làm hồi sinh dòng nhạc blues. Ông qua đời do một tại nạn máy bay năm 1990. Cây ghi-ta dòng Fender Stratocaster của Vaughan được đặt theo tên Lenny, vợ ông, cũng là người đã tặng ông cây đàn nhân sinh nhật lần thứ 26. Trên thân đàn trang trí ba chữ cái “SRV”, viết tắt tên nhạc sĩ.

Năm 2004, kỷ vật của cố nghệ sĩ được Christie’s đấu giá đạt mức 623.500 USD (khoảng 13,3 tỷ đồng).

lenny2

Gibson của George Harrison và John Lennon – 570.000 USD

Cây ghi-ta được hai thành viên The Beatles sử dụng trong album Revolver 1966 và White 1968. George Harrison mang theo cây đàn trong các tour diễn quảng bá Revolver. Hai năm sau, trong album White, John Lennon cũng chơi các ca khúc “Back in the USSR”, “Revolution” và “While My Guitar Gently Weeps” với cây ghi-ta đó.

thebeatles
Gold Leaf Stratocaster của Eric Clapton – 455.500 USD

Cây ghi-ta được hãng Fender chế tác riêng cho Eric Clapton năm 1996. Ý định ban đầu của nhạc sĩ là muốn một chiếc đàn tuyệt vời thích hợp cho việc …trưng bày. Đáp ứng yêu cầu đó, Fender đã tạo ra cây ghi-ta Gold Leaf Stratocaster mạ vàng 23k. Clapton sử dụng cây đàn trong tour diễn Legends năm 1997 và tour vòng quanh thế giới One More Car, One More Rider 2001. Christie’s sau đó bán đấu giá cây đàn được 455.550 USD (tương đương 9,7 tỷ đồng).

goldleaf

goldleaf2

Mai Linh