LuxeVN – Mặt trăng làm tôi phát điên (the moon makes me crazy). Câu nói ấy của Sarpaneva đủ nói lên niềm đam mê bất tận của anh với đồng hồ. Sau bộ máy Moon Machine là sản phẩm kết hợp với MB&F. Sarpaneva tiếp tục thể hiện niềm đam mê mặt trăng với chiếc Korona Kosmos.

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-01

Korona Kosmos có mặt đồng hồ gồm 12 lớp với nhiều thành phần khác nhau bao gồm cả bộ phận đĩa chu kỳ trăng và phần mặt trăng. Đĩa chu kỳ này sẽ chạy phía trên mặt trăng theo đúng quy luật để cho biết chính xác chu kỳ trăng. Trên đĩa có 125 ngôi sao nhỏ được cắt bằng laser để tạo nên vẻ đẹp và độ sắc nét.

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-03

Đĩa chạy một vòng mất đúng 59 ngày. Trong đó một chu kỳ trăng từ khi trăng mới, trăng bán nguyệt tới khi trăng tròn, trăng khuyết cuối tháng và lại tiếp tục tới chu kỳ trăng mới khác hết 29,5 ngày (chính xác là 29 ngày 12 giờ 44 phút và 2,9 giây)

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-02

Korona Kosmos có vỏ bằng thép không gỉ với mặt đồng hồ màu xanh. Tuy nhiên, Sarpaneva cũng đưa ra các lựa chọn khác cho vỏ và mặt đồng hồ như mặt đồng hồ xử lý DLC đen với mặt trăng bằng vàng đỏ hay mặt bằng anthraxite màu ghi với mặt trăng bằng vàng đỏ (giống như chiếc K3 Northern Star)…

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-04

Vỏ đồng hồ có đường kính 42mm, chiều cao 11,1mm bao gồm cả mặt kính sapphire được làm với dáng hơi cầu. Mặt kính sapphire này được phủ lớp chống loá ở phía bên trong vì thế người dùng không phải lo lớp chống loá này bị xước khi kính gặp những va chạm bên ngoài.

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-06

Bên trong đồng hồ là bộ máy Soprod A-10 được chế tác lại, thêm vào những bộ phận để xác định được chu kỳ trăng. Giá đỡ máy và các thành phần khác cũng được Sarpaneva làm lại với các phần chỉnh sửa và mạ màu theo ý muốn.

sarpaneva-korona-kosmos-steel-blue-05

Ý tưởng về cách hiển thị chu kỳ trăng trên đồng hồ của Sarpaneva đến từ nhà chế tác đồng hồ Anh quốc, Thomas Mudge (1715-1794). Khoảng 10 năm trước, Sarpaneva đã được đọc 1 bài viết về cách hiển thị chu kỳ trăng này và đã giữ nó làm ý tưởng về sau. Ba năm trước, anh đã tạo ra một trong những biến thể của cách hiển thị chu kỳ trăng và cuối cùng nó đã biến thành hiện thực trên chiếc Korona Kosmos.

Thomas Mudge chính là người đã phát minh ra bộ phận thoát (lever escapement) trên đồng hồ cơ khí. Có thể coi đây là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong việc cải tiến những chiếc đồng hồ. Hiện nay phát minh này vẫn còn được áp dụng phổ biến trên những chiếc đồng hồ cơ khí. Mudge cũng là người tạo tiền đề cho việc phát triển các bộ máy cơ khí như phương trình thời gian, lịch vạn niên, bộ phận điểm chuông và các chức năng phức tạp khác trên đồng hồ.
Tìm hiểu về bộ phận thoát trong bài Chiếc đồng hồ cơ khí hoạt động như thế nào?