Nhà thiết kế Hồng Vũ Ngân Khai nói về nét Á Đông trong xu hướng thời trang Xuân Hè 2013:

Anh có thể nêu cảm nhận của mình sau khi chiêm ngưỡng những bộ trang phục nằm trong xu hướng Á Đông đang tràn ngập trên các sàn diễn thời trang lớn tại Châu Âu và Châu Mỹ? Trong một thời gian dài, các nhà thiết kế Châu Á nói riêng và người Châu Á nói chung đã quen với sự có mặt của những trang phục Âu, những thiết kế điển hình của phương Tây; thì nay lại có sự lộn ngược dòng, cụ thể là các nhà thiết kế Châu Âu tìm đến và giới thiệu rộng rãi về trang phục Châu Á, họa tiết, kiểu dáng Á Đông tới thị trường của họ, anh có nhận xét gì về xu hướng này?

Năm nay tôi khá bất ngờ và thích thú khi thấy một số bộ sưu tập mang khuynh hướng Á đông; nổi bật là Prada, Emilio Pucci, Etro, Dries Van Noten. Điều đó chứng tỏ sự huyền bí của Phương Đông có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ thế nào trong thế giới thời trang. Tôi rất thích bộ sưu tập xuân hè của Prada, nó lôi cuốn tôi bởi vẻ thanh lịch, duyên dáng. Những cô gái Prada như những đóa hoa từ quá khứ bước vào tương lai. Tôi gọi đó là bản hòa âm  giữa nghệ thuật, hội họa với thời trang; và đây cũng là thương hiệu mà tôi yêu thích bởi nó mang lại sự dự báo và cả tính vị lai trong mỗi mùa Prada trình diễn.

Cú lội ngược dòng này cũng là sự tất yếu trong thời trang, tôi không dám gọi là phương Tây đã “già nua và hết thời”. Ví như bạn không thể ăn mãi một ngon trong một thời gian quá dài được, mọi thứ cần phải thay đổi và nhường chỗ cho một vị thế nào đó đầy sự mới mẻ và tươi mát. Thế giới thời trang cũng cần sự thay đổi đó. Những năm gần đây thế giới thời trang đang dần dần có sự chuyển hướng thiên về Châu Á. Vậy phải chăng những biểu tượng lớn vẫn trung thành với phong cách cũ như John Galiiano, Marc Jacobs, Alber Elbaz, Karl Lagerfeld …đã ngủ quên trong chiến thắng? Hay họ chỉ còn là những tượng đài lớn trong thế giới thời trang bởi không dám vượt quá những cái tên như : Dior, Louis Vuitton, Lanvin mà họ đang đảm nhiệm.

Những năm gần đây tôi đang theo dõi và thích thú với NTK Alexander Wang. Wang như một ngọn gió mới mẻ xa lạ trong thế giới thời trang bởi tính ứng dụng cao, với kiểu kiến trúc tối giản trong thiết kế. Tiếp đó là những cái tên châu Á như Phillip Lim, Thakoon, Jason Wu trong các tuần lễ thời trang cao cấp. Họ tiên phong và mang đại diện cho một thế hệ NTK quá khứ trước đây như Johji Yamamoto, Kenzo, Junya Watanabe. Tôi nghĩ có là một sự chuyển biến dài và thật sự có sự thay đổi trong trong cách nghĩ để tạo nên điều mới mẻ trong ngành công nghiệp thời trang thế giới.

Có thể thấy cảm hứng lớn nhất trong xu hướng này xuất phát từ Đất nước Mặt Trời Mọc, và trong thời gian gần đây, không chỉ có các nhà thiết kế lớn trên thế giới bị quyến rũ bởi nét văn hóa Nhật, mà cả những người dân tại các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á cũng  ngày càng trở nên ưa chuộng văn hóa Nhật. Ở Việt Nam hiện cũng đang có một nhóm các bạn trẻ tại Việt Nam đam mê trang phục Cosplay của Nhật. Anh có thể đưa ra những lý giải riêng về hiện tượng này?

Tôi nghĩ mỗi nền văn hóa điều có những đặc tính dân tộc riêng, nhưng biểu hiện về tính nghệ thuật là nổi bật nhất. Nhật Bản là một đất nước giàu đa nghĩa, văn hóa truyền thống cũng như nghệ thuật của Nhật có đặc trưng rất rõ ràng. Nó không quá phô trương, bình dị và thầm lặng. Cái đẹp, tính thẫm mỹ của nó có sự khác biệt và tràn đầy  tinh tế! Như tinh thần trà đạo của Nhật, hay tính thẫm mỹ qua cách gói và tặng quà của người Nhật chẳng hạn. Điều đó chứng tỏ rằng văn hóa Nhật là một hiện tượng luôn đáng chú ý. Ngày xưa ông họa sĩ Van Goh cũng từng say mê tranh khắc gỗ in trên giấy gió của Nhật, và ngày nay cá nhân tôi và những người tìm hiểu, đam mê nghệ thuật cũng tìm thấy sự say mê tương tự trong nghệ thuật hội họa Nhật Bản. Thời trang cũng vậy ,có lẽ các NTK trên thế giới điều có chung sự đa cảm về văn hóa Nhật. Hình dáng chiếc kimono đã thấp thoáng trong các tuần lễ thời trang cao cấp trên thế giới và tiên phong là Prada. Những mùa thời trang trước, văn hóa châu Phi cũng được các NTK sử dụng rộng rãi xuyên suốt mấy mùa liền thì bắt đầu từ mùa thời trang Xuân Hè năm nay, hiện tượng văn hóa Nhật Bản bắt đầu khởi sắc. Đăc biệt là khi các NTK áp dụng vào thiết kế rất ấn tượng, hiện đại, nhưng những giá trị, tính thẫm mỹ của Nhật Bản vẫn được giữ gần như nguyên vẹn, thậm chí còn được nâng lên một tầm mới mà không làm mất đi vẻ đẹp vốn có.

Ở Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các bạn trẻ có những dấu hiệu ăn mặc khác lạ như trào lưu cosplay, hay các kiểu như các thần tượng K-pop. Tôi nghĩ vấn đề này cũng như “trăm hoa đua nở”, không quá bức bối để phải phê phán. Hãy coi nó cũng chỉ là một thành phần thiểu số nhất thời của các bạn trẻ mới lớn yêu thích thời trang và muốn bộc lộ cá tính của mình. Đứng về góc nhìn của tôi thì tôi thấy vui, mặc dù không ưa thích nhưng tôi cũng không phê phán.Bởi dĩ thời trang đâu có dựa trên sự hợp lý nào, nó không theo qui tắc nào cả, chỉ duy có một điều khác là sự biểu hiện về văn hóa trên trên trang phục. Nhìn vào là biết các bạn trẻ ở hai thành phố lớn đang mặc theo phong cách cosplay, thế nhưng phong cách cosplay đã được thế giới biết đến qua người Nhật chứ không phải là người Việt.

Vào thập niên 60-70 ở Việt Nam xuất hiện phong trào hippie rất dễ thương, mặc dù chúng cũng là văn hóa du nhập từ phương Tây( đặc biệt nó tới từ đất nước xứ cờ hoa tự do). Qua tới Việt Nam, nó tạo một trào lưu rất nổi trội với vẻ ngoài thanh lịch pha chút Rock n Roll có vẻ hơi bất cần.Nhưng nó có chỗ đứng và được mọi người chấp nhận. Sau này trong quá trình viết về lịch sử thời trang của Việt Nam, tôi cũng lấy cột mốc này để làm tư liệu bởi nó quá rực rỡ. Rõ ràng, ngay cả chiếc áo dài thời kỳ đó cũng rất hiện đại khi kết hợp với những chiếc túi sách và cặp mắt kiếng mà bây giờ đã xuất hiện trở lại trong các tuần lễ thời trang cao cấp trên thế giới. Những thập niên này luôn là nguồn cảm hứng cho các NTK trên thế giới, hay nói cách khác, thế giới thời trang đang quay về với chính thời kỳ này. Điều này chứng tỏ: cái gì còn nguyên giá trị thì nó vẫn còn có giá trị để quay về. Xu hướng thời trang chỉ quay lại khi sự thanh lịch, duyên dáng, tinh tế vẫn được bảo toàn. Còn với phong cách cosplay: hãy xem trong tương lai liệu phong cách này có thể tiếp tục được duy trì, hay nó chỉ là một luồng gió mới mẻ ngắn ngủi thổi thoảng qua một thế hệ trẻ ở Nhật đang bế tắc; vậy liệu trào lưu này ở Việt nam còn tồn tại chăng? Tôi cũng chỉ chia sẻ điều này như là người cảm nhận khách quan dựa trên chút hiểu biết của cá nhân tôi mà thôi. Nhưng tôi tin văn hóa dân tộc, vùng miền có sức mạnh quyết định trên cả tính thẩm mỹ, cái đẹp bởi tính đại diện và nguồn gốc xuất phát.

Vài nét về nhà thiết kế Hồng Vũ Ngân Khai:

IMG_7927 copy

 –         Giải Ý tưởng cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 1999

–         Giải thưởng Nghệ Sĩ Trẻ Việt Nam; triển lãm tranh tại Melbourne, Úc 2008

–         Tham gia các chương trình: Lễ Hội Áo Dài  – Festival Huế (2000 – 2010), Vietnam Fashion Week Xuân Hè – Thu Đông (2006 – 2010)

–         Trước khi trở thành nhà thiết kế cho YF KIDS và phát triển thương hiệu thời trang nam riêng mang tên Zeus, anh đã có quá trình làm thiết kế cho thương hiệu F.House của công ty CP May Phương Đông (2004 – 2011)

1 2 3 4 5
No more articles