LuxeVN – Đến hẹn lại lên, hồi đầu tháng 10 vừa qua, công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu của Mỹ là Interbrand đã công bố Bảng xếp hạng Thương hiệu hàng đầu thế giới (Best Global Brands). Trái ngược với những báo cáo thị trường khác, năm nay có vẻ là năm vẫn khởi sắc của các thương hiệu xa xỉ khi mà phân khúc này có tới 14 trong 100 thương hiệu được xếp hạng.
Bảng xếp hạng thường niên này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chí hiệu quả tài chính về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu, vai trò của thương hiệu trong quyết định lựa chọn tiêu dùng của khách hàng và sức mạnh của thương hiệu.
Chiến lược đa dạng của các thương hiệu thời trang
Trong khi hầu hết các thương hiệu đều có sự tăng trưởng thì 2 thương hiệu thời trang là Gucci và Louis Vuitton bị sụt giảm so với năm ngoái. Giá trị của Gucci vẫn tăng nhưng chỉ ở mức 2% và Louis Vuitton giảm đến 9% so với năm ngoái. Cho dù vậy, giá trị và vị trí của Louis Vuitton vẫn gấp đôi Gucci và dẫn đầu các thương hiệu thời trang.
Không khó để lý giải về sự sụt giảm của Louis Vuitton và Gucci khi mà cả 2 thương hiệu này đều đang hướng về những sản phẩm cao cấp dành cho giới thượng lưu hơn là thị trường tầm trung. Đây là điều mà vào năm ngoái, Giám đốc Interbrand, bà Rebecca Robins đã từng nhận định.
Thương hiệu thời trang tăng trưởng mạnh nhất năm 2014 là Hermès với 18% , tăng hơn 8 bậc so với 2013. Sự tăng trưởng mạnh này phần lớn do tầm nhìn chiến lược dài hạn mới của công ty. Trong 2014, hãng đã có sự thay đổi nhân sự mạnh để cải thiện vị trí và giá trị của thương hiệu. Đồng thời, Hermès đã nâng cấp mạng lưới sản xuất và phân phối của mình cũng như tấn công vào các mạng xã hội để có thể dễ dàng kết nối với khách hàng hơn.
Prada là một trường hợp thú vị khi mà giá trị cổ phiếu của hãng sụt giảm mạnh sau khi CEO Patrizio Bertelli đưa ra báo cáo tài chính nửa đầu năm 2014. Mặc cho những quan ngại về vấn đề hàng nhái tràn lan, hãng thời trang Italy đạt mức tăng trưởng 9% trong năm 2014. Nhìn chung, Prada có một sự tăng trưởng mạnh trong bảng xếp hạng của Interbrand trong năm năm qua, từ khi trở lại bảng xếp hạng tại vị trí thứ 84 vào 2012 và lên vị trí thứ 70 trong vòng 2 năm.
Hugo Boss: Lính mới đáng gờm
Hugo Boss là một thương hiệu mới xuất hiện trên bảng xếp hạng năm 2014. Trong năm qua, doanh thu của Hugo Boss tăng 10% tại thị trường châu Âu. Cùng lúc đó, hãng cũng mong muốn tạo vị thế của mình trên thị trường khi dần dần chuyển sang bán hàng từ hệ thống cửa hàng riêng. Chiến lược của Hugo Boss cũng rất rõ ràng: tối đa hóa hình ảnh thương hiệu, mở rộng chuỗi bán lẻ, tăng cường sự hiện diện toàn cầu và cải thiện hoạt động kinh doanh.
Sự bổ nhiệm ông Jason Wu vào vị trí giám đốc mảng trang phục nữ đang tỏ ra là một quyết định đúng đắn khi mà ông đã có những chiến lược hiệu quả tạo doanh thu trong thị trường đồ nữ của một thương hiệu vốn chỉ được biết tới vơi thời trang nam. Bên cạnh đó, Hugo Boss đã kí hợp đồng hợp tác với tiền đạo Olivier Giroud và vận động viên đua thuyền Aleex Thompson. Đây tiếp tục là những bước đi nhằm xây dựng “đội hình” người nổi tiếng gắn bó với thương hiệu này sau động thái tài trợ cho nhiếp ảnh gia David Bailey.
Các thương hiệu ô-tô Đức thống trị
Mercedes-Benz vẫn là thương hiệu ô-tô có sự tăng trưởng khá ổn định trong những năm qua. Năm 2014, thương hiệu của Đức đứng thứ 10, leo thêm một bậc so với năm 2013 và vượt qua đồng hương BMW một bậc.
Audi tăng 6 bậc so với năm 2013 và là hãng xe tăng trưởng mạnh nhất trong bảng xếp hạng các thương hiệu sang trọng. Năm ngoái, hãng xe Đức này là thương hiệu bán chạy nhất tại châu Âu và Trung Quốc mặc dù chỉ đứng thứ 51 trong bảng xếp hạng trong khi Mercedes-Benz và BMW đều xấp xỉ top 10.
Năm 2014 cũng chứng kiến sự xuất hiện của Land Rover tại vị trí 91 và sự ra đi của Ferrari. Sau khi được Tata Motors của Ấn Độ mua lại vào năm 2008, Land Rover có những sự thay đổi và đầu tư mạnh về mặt thiết kế sản phẩm để đưa ra những mẫu xe sang trọng cùng với hiệu năng cao. Nhờ vậy, thương hiệu này đã có được sức ảnh hưởng toàn cầu và có tên trong danh sách của Interbrand năm nay.
Ferrari, thương hiệu siêu xe tưởng chừng quá quen thuộc lại bị đẩy khỏi top 100 năm nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm thay vì khối lượng sản xuất của hãng. Chính CEO Luca Cordero di Montezemolo đã tuyên bố Ferrari đang giảm sản lượng xe xuất ra mỗi năm để tăng giá trị của từng chiếc xe cho khách hàng và lợi nhuận cho hãng. Mặc dù vào năm 2013, doanh số của Ferrari giảm 5% nhưng với chỉ có 6.922 xe bán ra, lợi nhuận trong năm của hãng vẫn đạt mức cao.
Bà Rebecca Robins phân tích: “Ferrari đang đánh đổi doanh số lấy sự độc quyền của chính mình. Việc này giúp cho thương hiệu ngày càng được kỳ vòng nhưng cũng giới hạn doanh thu sau này. Nếu chiến lược của hãng khiến họ trở lại được bảng xếp hạng thì đây sẽ là xu hướng đáng chú ý về tiêu dùng cao cấp trong tương lai.”
Nhìn chung, hầu hết các thương hiệu sang trọng có sự tăng trưởng khá ổn định trong năm 2014, vào mức từ 7% đến 9%. Bảng xếp hạng năm nay chào đón những thương hiệu mới như Land Rover, Hugo Boss nhờ hướng đi đúng đắn của cả 2 thương hiệu này. Trong khi đó, Ferrari đã bị đẩy khỏi top 100 vì hướng đi mới của mình với mong muốn đẩy mạnh giá trị của sản phẩm. Nhưng nhìn chung, bảng xếp hạng này thể hiện những tín hiệu lạc quan cho thị trường hàng xa xỉ.
Hoàng Long