LuxeVN – Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn LVMH, doanh thu Quý III năm nay từ các thương hiệu Louis Vuitton, Givenchy hay Dior sụt giảm 3%. Các hãng hàng hiệu khác cũng đang gặp khó khăn trong việc bán hàng tại châu Á. Vậy điều gì đang xảy ra?

Chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán CM-CIC, ông Arnaud Cadart cho rằng các yếu tố như biến động kinh tế, tiền tệ và địa chính trị đã tác động tiêu cực lên thị trường châu Á. Bức tranh ảm đạm hiện nay khởi nguồn từ tốc độ tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc, bên cạnh các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ. Chưa kể, biểu tình dân chủ ở Hồng Kông cũng khiến kinh doanh hàng hiệu méo mặt.

Lối sống xa hoa của các quan chức Trung Quốc đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của hàng hiệu những năm qua. Các loại rượu cô-nhắc đắt tiền và đồng hồ là những món quà tặng ưa thích của giới chức nước này.

Bên cạnh đó, các hãng hàng hiệu châu Âu còn một nỗi lo khác. Đó là sự thay đổi trong nhận thức về hàng hiệu của chính người dân Trung Quốc. Theo khảo sát mới nhất trên phạm vi 600 người mua hàng hiệu đến từ châu Á của công ty tư vấn Added Value, có đến 84% người được hỏi đồng tình rằng các thương hiệu cao cấp Trung Quốc, trong tương lai gần, sẽ đạt tới chất lượng của các thương hiệu châu Âu.

Thú vị hơn, 40% người được hỏi thừa nhận đã và đang dùng hàng hiệu do Trung Quốc sản xuất. Cũng theo số liệu khảo sát, 14% ưu tiên mua thương hiệu Trung Quốc và 22% mua cả thương hiệu châu Âu và Trung Quốc. Chỉ có 9% số người được hỏi là trung thành với các thương hiệu châu Âu.

LuxeVN-louis-vuitton-queue-in-chengdu

Khách Trung Quốc xếp hàng tại cửa hiệu Louis Vuitton ở Thành Đô, Tứ Xuyên

Nếu như các hàng hiệu đến từ các hãng châu Âu lâu đời được đại diện bởi các đặc tính đắt đỏ, độc nhất và hợp mốt nhất thì các hãng hàng hiệu Trung Quốc tập trung khai thác tính tin cậy và di sản văn hóa nghệ thuật cũng như tay nghề thủ công bản địa. Trong tất cả những đặc trưng ấy, 61% người được hỏi cho rằng tính tin cậy là yếu tố tiêu biểu nhất làm nên khái niệm hàng hiệu. Xếp sau tính tin cậy là dịch vụ chăm sóc khách hàng (28%), thủ công (56%), chất lượng và triết lý sản phẩm (đều 53%), thiết kế đẹp (52%) và tính di sản (48%).

Thực tế, trong khi nhiều hãng xa xỉ vẫn giữ quan điểm “Chúng tôi là thương hiệu Pháp. Người ta sẽ mua bất cứ thứ gì chúng tôi thiết kế.” thì nhiều hãng đã và đang thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của người Trung Quốc. Phó chủ tịch của Swarovski, ông Francis Belin cho rằng khách hàng Trung Quốc giờ đây muốn sở hữu hàng hiệu là vì chất lượng, đã qua rồi giai đoạn mua hàng hiệu có logo to đùng chỉ để chứng tỏ địa vị.

Theo ông, khách hàng Trung Quốc bề ngoài thì muốn trải nghiệm mua sắm tại chỗ nhưng cách tốt nhất tiếp cận họ là qua nền tảng di động: “Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ công tác quản lý quan hệ khách hàng (LuxeVN – “CRM”) qua ứng dụng tin nhắn thoại WeChat. Họ chẳng muốn giấy tờ lằng nhằng. Họ suy nghĩ bằng điện thoại thông minh.”

Phương Chi