LuxeVN – Từ đầu năm 2015, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam đã có những dấu hiệu của một năm biến động. Đầu tiên là việc Parkson Mỹ Đình đóng cửa rồi Central Group, Tập đoàn bán lẻ của Thái Lan mua lại 49% cổ phần chuỗi Siêu thị Nguyễn Kim và Tập đoàn Mapletree của Singapore vừa ký kết với Saigon Coop để chuẩn bị khai trương Trung tâm mua sắm SC Vivo City (mặt bằng 62.000 m2 ) ở quận 7, TPHCM.
Nhưng có lẽ những biến động của TTBL trong nước sẽ không dừng lại ở đây, khi từ 1.2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường này, cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.
Đón bắt xu thế đó, ngay từ khoảng 2 năm vừa qua, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam cho dù trong bối cảnh TTBL nước ta khá ảm đạm do kinh tế khó khăn, sức mua thấp. Một loạt “ông lớn” về bán lẻ của nước ngoài của Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… đã bắt đầu có mặt và từng bước mở rộng thị trường ở Việt Nam như Aone (Nhật Bản) cuối năm 2014 đã mở TTTM thứ 2 tại Bình Dương. Tập đoàn này có cách tiếp cận khá khôn ngoan khi xây dựng cơ cấu hàng hóa: 1/3 hàng Nhật; 1/3 hàng Việt và 1/3 hàng nhập từ các nước khác.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải có những tính toán khác để thích ứng với xu hướng mới. Có những doanh nghiệp VN đã có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực, có quá trình tham khảo kinh nghiệm, học tập kiến thức, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài hoặc đã có kinh nghiệm từ các thị trường bên ngoài thì đã sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh như Vingroup hay Tập đoàn Phú Thái…Nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty thương mại nhà nước hay tư nhân vẫn đang phải đau đầu với quyết định “ngã ba đường”: liên doanh với nước ngoài hay chấp nhận bán toàn bộ, chuyển hướng đầu tư.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lĩnh vực bán lẻ VN sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 TTTM vào năm 2020. Còn theo số liệu Cty Khảo sát – đánh giá thị trường Niesel, doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm tới 50% thị phần, so với 25% của các doanh nghiệp trong nước; thị phần còn lại dành cho hơn 8.500 chợ kiểu cũ và các cửa hàng dân sinh.
“Đến thời điểm này, doanh nghiệp nào còn trông vào bảo hộ, hỗ trợ từ nhà nước là lạc hậu, ngoài lề mất rồi”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái – một tập đoàn bán lẻ thuộc loại có khả năng cạnh tranh nhất trong lĩnh vực bán lẻ VN nhận xét.
Theo ông Đoàn, hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp VN có khả năng đầu tư lớn, phát triển rộng hệ thống bán lẻ. “Hiện nay, các chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi có khoảng 500 – 700 cửa hàng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được vì để đầu tư một cửa hàng phục vụ 24 giờ thì vốn đầu tư ban đầu là 100 ngàn USD và để hoàn vốn phải có 300 cửa hàng. Nghĩa là muốn đầu tư vào chuỗi phải có 3 triệu USD. Nhưng thực tế là các hệ thống này đều đang lỗ hết. Cứ chạy theo kiểu này thì phải vay, không cẩn thận sẽ lỗ kép, lại vỡ nợ”, ông Đoàn nói.
Trong thời điểm này, có khá nhiều ý kiến tranh luận khác nhau là các DN bán lẻ VN chỉ còn lựa chọn là bán cổ phần, liên doanh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài hay vẫn có thể độc lập phát triển, cạnh tranh. Theo ông Phạm Đình Đoàn, “khoảng 5 – 7 năm nữa, khi thị trường đã mở hết cỡ, thì DN trong nước sẽ không có cơ hội”. “Nên chấp nhận việc DN trong nước liên doanh với nước ngoài, vì có những lĩnh vực DN Việt không thể có được những ưu thế như kinh nghiệm, công nghệ tự động phân phối hàng trong chuỗi siêu thị tự chọn. Trung Quốc còn thua Nhật 30 năm, thì thử hỏi VN đến bao giờ mới có được?”, ông này nói.
“Vốn, lãi 1 quý của Walmart khoảng 1 tỉ USD, chỉ cần họ bỏ 500 triệu USD vào VN thôi thì thị trường bán lẻ VN sẽ ra sao ?”, ông Đoàn tiếp tục phân tích. Theo ông, Bộ Công thương nên tạo điều kiện để DN trong nước liên doanh với DN nước ngoài. Chỉ có làm như vậy mới khắc phục được những yếu kém của DN bán lẻ trong nước và DN trong nước mới học công nghệ nhanh nhất để phát triển. “5 năm nữa thôi, khi mở cửa hết thì DN nước ngoài sẽ ko thèm liên doanh với DN trong nước, vì mọi thứ đều không môn đăng hộ đố thì không sao kết hôn được nữa đâu”, ông Đoàn cảnh báo.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN cũng cho rằng, với tình hình như hiện nay, các DN bán lẻ của VN chỉ có thể cầm cự 2 – 3 năm nữa. “Thời điểm này, cần phải nhìn việc liên doanh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như một tín hiệu tích cực, chứ không phải bị thôn tính và các DN bán lẻ VN vẫn còn có thể cầm cự được 2-3 năm nữa.
Tuy nhiên, theo bà Loan, vẫn còn có “đất” cho DN trong nước khai thác. “Cuộc cạnh tranh bán lẻ chủ yếu trong bán lẻ hiện đại. Chứ hiện tại, không có nhà bán lẻ nước ngoài nào quan tâm vào thị trường nông thôn, vào các hình thức bán lẻ truyền thống vì họ cho rằng đó không phải thu lợi nhuận cao, nhanh và nhiều”, bà Loan nói. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, liên doanh với nước ngoài cũng là một cách nhưng có một cách tồn tại khác của DN trong nước là các DN trong nước liên doanh, liên kết với nhau.
Về tình hình kinh doanh đang khá ảm đạm của các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhất là những trung tâm thương mại thuộc phân khúc cao cấp, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định, hiện nay việc kinh doanh trung tâm thương mại khá ảm đạm, do đó nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả vừa phải. Một số trung tâm thương mại còn chọn đặt tại khu vực rìa trung tâm nên giá thuê cũng rẻ hơn, vừa với khả năng chi trả của nhiều người.
“Đã đến lúc nhà bán lẻ phải quan tâm đến khả năng chi trả thực tế của người tiêu dùng qua từng thời kỳ khác nhau. Đây chính là chìa khóa để tồn tại vì nhiều người sẵn sàng chi trả cho mức giá rẻ hơn cho một sản phẩm và các trung tâm thương mại cũng dần đi theo xu hướng này để thích nghi với hoàn cảnh. Tôi cho rằng, năm 2015 các trung tâm bán lẻ hoạt động kém có thể bị đóng cửa”, ông Marc Townsend nói.
Đánh giá về thị trường bán lẻ VN, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương, ông James Hawkey cho rằng, còn quá sớm để nói VN đang thừa cung về TTTM. “Nếu vài chục TTTM đang có tình trạng trên thì sẽ phải xem lại, nhưng nếu chỉ có một vài nơi thì không cần phải quá lo lắng, bởi họ sẽ tự phải điều chỉnh để tình hình tốt lên. Tuy nói như vậy, nhưng các chủ đầu tư cũng cần phải xem lại thật kỹ chiến lược kinh doanh của mình, liệu khu vực đó có cần phải có khối đế bán lẻ hay không. Nếu cần phải có thì quy mô như thế nào. Thói quen mua sắm và khả năng chi trả của dân cư quanh vùng liệu có phù hợp?”, ông này nói. Theo ông James Hawkey, “Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vì là quốc gia có số lượng tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, cũng có nhiều nhà đầu tư vì quá nôn nóng nên có những tính toán, chiến lược chưa hiệu quả dẫn đến việc kinh doanh không tốt như mong muốn”. Theo ông này, hiện tượng các TTTM ế ẩm ở Việt Nam cũng có thể do trong một địa bàn có quá nhiều TTTM mà đúng thời điểm đó sức mua thị trường yếu thì vắng khách cũng là dễ hiểu.
Hà Nguyễn