LuxeVN – Sự lảo đảo của nền kinh tế Nga đang giáng những đòn trực tiếp vào thị trường và các hãng hàng hiệu làm ăn tại nước này.

Mùa đông khắc nghiệt

Hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí cũng như giá bán đã được nhiều hãng áp dụng nhằm tối thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, thị trường nước này vẫn chưa có dấu hiệu sớm bình phục khi thỏa thuận ngừng bắn vốn mong manh ở miền Đông Ukraina chỉ làm giảm chút ít sự căng thẳng giữa phương Tây và chính sách ủng hộ của Nga với phe ly khai thân cận.

luxevn-putin-1

Tháng 12.2014, tổng thống Putin kêu gọi giới nhà giàu Nga, đặc biệt là doanh nhân, mang tài sản về quê nhà. Ảnh: bloomberg.com

Tính ra năm qua, đồng Rúp đã sụt gần nửa giá so với đồng đô-la Mỹ sau khi giá dầu xuống kỷ lục và lệnh trừng phạt của phương Tây dành cho chính quyền Mát-xcơ-va có hiệu lực – những yếu tố nghiền nát sức mua của người Nga, buộc họ phải giảm chi và, tất nhiên, giảm chơi. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), số tiền người giàu Nga bỏ ra để đi du lịch nước ngoài đã giảm 6% trong năm 2004, một con số cực đáng kể nếu đối chiếu với mức tăng hơn 20% năm 2013. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh hàng hiệu. Người Nga vốn là khách mua chủ yếu của mặt hàng này tại các kinh đô xa xỉ châu Âu. Quản lý tại các cửa hàng ở Milan nói rằng khách quen người Nga đã gần như biến mất.

Một số liệu khác cũng nói lên vấn đề là hoàn thuế, theo Global Blue – công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này cho biết khách du lịch Nga tiêu ít hơn 17% so với năm ngoái. Riêng tháng 12.2014, họ tiêu ít hơn cùng kỳ năm 2013 44% và tháng 1.2015 thì con số này là 51%. Những mặt hàng tiêu thụ mạnh trong thời gian vừa qua như đồng hồ Cartier hay điện thoại iPhone chỉ là hệ quả của việc người dân Nga mua lấy được trước khi đồng Rúp tiếp tục mất giá.

Nhà mốt Italia Roberto Cavalli dự đoán doanh số của công ty sẽ giảm 20% trong năm nay. Trong khi đó, chưa cần đến dự liệu chi tiết, doanh số bán ra của Hublot – hãng đồng hồ thuộc tập đoàn LVMH, đã giảm 20% tại thị trường Nga kể từ tháng Một.

Rất nhiều công ty đã chuẩn bị tinh thần cho một năm 2015 “lạnh giá” ở Nga.

…Giải pháp?

Jerome Biard – chủ công ty LPI, đại diện phân phối của Burberry, Armani, Raymond Weil và Michael Kors tại Nga, cho biết: “Chiến lược của tôi là bảo vệ đại lý và giúp họ bán ra hàng tồn kho vào đầu và cuối năm. Chúng tôi đều thống nhất là phải hi sinh lợi nhuận thôi.”

luxevn-russia-slumps

Sự mất giá của đồng Rúp cũng làm thị trường bất động sản Nga “đóng băng”. Ảnh: bloomberg.com

Một công ty đồng hồ khác của LVMH là Tag Heuer thì chọn cách giữ nguyên giá bán trong năm 2014 dù kế hoạch tăng giá lên khoảng 20% được đề ra trước đó. Cửa hàng Tag Heuer tại thành phố Ekaterinburg đã đạt kỷ lục bán hàng trong tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, hi sinh lợi nhuận như Jerome Biard của LPI không phải lúc nào cũng là giải pháp. Hãng thời trang đồ lót tầm trung của Pháp, Maison LeJaby phải cắt giảm 27% biên chế – tương đương 50 người trong tháng 3 này. Nhìn lên phía trên, hãng đồng hồ cao cấp Ulysse Nardin (thuộc tập đoàn Kering) tháng trước đã phải cho một loạt nhân viên nghỉ chờ việc.

Phương Chi

No more articles