LuxeVN – Vải “tweed” (tuýt) đã ra đời như thế nào? Tại sao chất liệu của tầng lớp lao động có thể trở thành một cơn sốt thời trang trong giới thượng lưu? Những bí quyết để mặc trang phục tuýt đẹp nhất?
Nguồn gốc
Những mảnh tuýt đầu tiên được dệt tại hai vùng đất lạnh giá và ẩm ướt: Scotland và Ireland. Bằng cách kết hợp sợi len nguyên chất và kỹ thuật dệt vân chéo, những người thợ đã cho ra đời một loại len thô, dày, chống thấm nước, vừa ấm áp, vừa bền chắc để phục vụ người dân lao động.
Một số người cho rằng cái tên vải bắt nguồn từ tên con sông Tweed ở Scotland, nơi những bộ trang phục được làm ngay dưới thung lũng Tweed
Một giai thoại phổ biến cho rằng cái tên “tweed” ra đời từ nhầm lẫn của cánh lái buôn London. Vào năm 1830, một thương gia nhận được một lá thư hỏi về loại vải “tweel” (từ địa phương của Scotland dùng để chỉ vải dệt chéo – “twill”). Vị thương gia đã đọc nhầm từ “tweel” thành “tweed” và nhầm tưởng đây là tên gọi chính thức của loại vải này.
Vải tuýt đến với giới quý tộc Anh
Vải tuýt bắt đầu bước vào thời hoàng kim rực rỡ từ nửa đầu thế kỷ 19, khi nhiều vùng đất Scotland được tầng lớp quý tộc Anh mua lại để phục vụ cho những thú vui của họ.
Năm 1848, hoàng tử Albert mua khu đồn điền Balmoral ở Scotland. Nhận thấy tính chất chống gió, chống nước rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời của vải tuýt, ông đã thiết kế họa tiết Balmoral đặc trưng, dễ lẫn vào thiên nhiên để làm đồng phục săn bắn cho mình và tùy tùng. Từ đó, trào lưu đồng phục vải tuýt ở các đồn điền đã lan rộng và chẳng bao lâu sau, trang phục này trở nên thông dụng trong tất cả các hoạt động thể thao, săn bắn ngoài trời của giới quý tộc Anh.
Vải tuýt Balmoral
Vải tuýt – chất liệu thể thao
Từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, vải tuýt được coi là chất liệu lý tưởng để may trang phục thể thao đàn ông. Giới quý tộc Anh, cũng như tầng lớp trung lưu mặc chúng trong hầu hết những hoạt động thể thao và khám phá như chơi golf, đi xe đạp, quần vợt hay leo núi…
Những tay golf đầu tiên như Old Tom Morris rất ưa chuộng trang phục tuýt “plus-four”. Tuýt xuất hiện ở khắp các sân golf cho đến những năm 1930, khi quần flannel và áo polo trở nên thịnh hành.
Một sự thật ít được biết đến trong cuộc chiến tranh Boer: người Boer, với cuộc chiến đấu tuyệt vọng chống lại người Anh, đã chọn những bộ trang phục vải tuýt làm quân phục.
Vải tuýt đến với phái đẹp
Những năm 1920, Coco Chanel lần đầu đến với trang phục vải tuýt qua chuyến nghỉ mát cùng người tình, công tước xứ Westminster. Bà đã biến chất liệu thô ráp vốn chỉ dành để may trang phục nam giới thành chiếc áo khoác cổ tròn hiện đại, vuông vắn với những đường may tinh tế dành riêng cho nữ giới.
Trái ngược với những chiếc áo khoác chít eo của Dior vào thời điểm đó, chiếc áo vải tuýt của Chanel, với phom dáng thoải mái, cho phép phụ nữ thoải mái di chuyển, đã nhanh chóng trở nên thịnh hành vào những năm 1950 – thời điểm đánh dấu sự thay đổi vai trò của nữ giới trong xã hội
Công nương xứ Monaco, Grace Kelly, cũng là một trong những nhân vật góp phần tạo nên xu hướng sử dụng vải tuýt như chất liệu cao cấp khi bà thường xuyên xuất hiện trong những bộ trang phục bằng chất liệu này
Vải tuýt bước vào thế kỷ 21
Ngày nay, chất liệu tuýt vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều người, có thể kể đến là nhóm Tweed Run (ảnh) – những người thích mặc trang phục truyền thống của Anh và đi những chiếc xe đạp cổ điển. Không chỉ thịnh hành trong quá khứ và gắn liền với thể thao hay hoạt động ngoài trời, vải tuýt đã quay trở lại thế kỷ 21. Nó hoàn toàn phù hợp với cuộc sống thành thị, không giống như những trang phục len tối màu. Sự khác biệt nằm ở màu trầm của tuýt – màu của sự thư giãn. Các doanh nhân thường khoác lên mình những bộ suit xám, xanh đen hay đen tuyền đến công sở. Chính tuýt đã mang đến không gian thiên nhiên, không gian cửa sự hài hòa, thoải mái trong lòng đô thị bận rộn, căng thẳng. Vải tuýt được sử dụng rộng rãi trong thiết kế của các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân như Prada, Jean Paul Gaultier, Dolce & Gabbana, Lanvin, Calvin Klein, Nike… Từ một chất liệu bền chắc giúp người lao động chống lại cái rét và khí hậu ẩm ướt, vải tuýt đã tiến một bước dài để trở thành một phần không thể thiếu trong tủ quần áo của các ngôi sao và người yêu thời trang trên khắp thế giới.
Từ trái qua: thiết kế của Lanvin, Chanel, Dolce&Gabbana
Nó được nhiều ngôi sao đình đám trên thế giới yêu thích vì khả năng biến hóa đa dạng: từ suit, váy đầm, đến áo kiểu, áo khoác, quần short, từ sắc trắng xám cổ điển đến màu xanh, hồng, vàng hiện đại.