LuxeVN – Khi chiêm ngưỡng những chiếc đồng hồ của Sarpaneva ta có thể nhận ra trên đó một thiết kế mang đậm chủ nghĩa cá nhân, một vẻ “hầm hố” khác lạ, không thích hợp cho số đông có cá tính mờ nhạt. Đây là những chiếc đồng hồ đặc biệt, chỉ dành cho những người đặc biệt.
Sarpaneva từng nói: “Mặt trăng làm cho tôi phát điên” – Những chiếc đồng hồ của anh đều mang đậm dấu ấn của ánh trăng trên đó. Nhưng ít ai biết, nguồn cảm hứng dẫn tới sự nghiệp chế tác đồng hồ của Sarpaneva lại đến từ… mô tô phân khối lớn. Chính niềm đam mê tự tháo lắp và độ những chiếc xe đã đưa anh tới nghề đồng hồ. Có lẽ, chính vì thế nên những chiếc đồng hồ của anh thường có những góc cạnh gồ ghề, thô với những nét ban sơ, giản dị nhưng rất ấn tượng và cá tính.
Cũng có thể đây là một phong cách đã ăn trong dòng máu của gia đình Sarpaneva bởi vì trước đây cũng có nhiều ý kiến nhận xét các món đồ trang sức của cha anh quá thô sơ và đơn điệu, vì có kích thước lớn nên trông chúng giống những tác phẩm điêu khắc hơn. Khi Stepan nhìn lại tác phẩm của cha và chú, anh cũng phải thừa nhận rằng gia đình anh đều có hứng thú với những điều ban sơ, đam mê cái đẹp giản dị.
[ezcol_2third][/ezcol_2third] [ezcol_1third_end]
Như để tưởng nhớ về người cha quá cố và kỷ nguyên huy hoàng của kỹ thuật tráng men kính “enamel” trong chế tác đồng hồ, Stepan Sarpaneva đã thiết kế Korona K1 với mặt số phủ men kính, giới hạn 8 chiếc. Lớp men kính thủy tinh được hoàn thiện với kỹ thuật nung qua lửa, giống với chất liệu mà cha anh, Pentti Sarpaneva đã sử dụng để làm nên danh tiếng trong sự nghiệp của một nhà thiết kế đồ trang sức trong vòng hơn 50 năm trước. Mặt số tráng men cùng với bộ kim sắc bóng như dao cạo và vòng đệm mặt số từ thép không gỉ như tỏ lòng kính trọng một cách đầy khiêm tốn đối với những di sản mà cha anh để lại.
[/ezcol_1third_end]
Bên cạnh vẻ ngoài cá tính, Sarpaneva cũng có những nghiên cứu riêng để tạo nên sự đặc biệt về kỹ thuật đó chính là cách thức chiếc đồng hồ chỉ chu kỳ trăng. Ý tưởng về cách hiển thị chu kỳ trăng trên đồng hồ Sarpaneva đến từ nhà nghệ nhân Anh quốc, Thomas Mudge (1715-1794). Khoảng 10 năm trước, Sarpaneva đã được đọc 1 bài viết về cách hiển thị chu kỳ trăng này và đã giữ nó lại làm ý tưởng về sau. Ba năm trước, anh đã tạo ra một trong những biến thể của cách hiển thị chu kỳ trăng và cuối cùng nó đã thành hiện thực trên chiếc Korona Kosmos.
Linh hồn của những thiết kế đồng hồ còn được tô điểm thêm bằng chính tính cá nhân, cái tôi của người nghệ sĩ. Hình tượng mặt trăng trên mặt đồng hồ chính là sự diễn họa lại khuôn mặt của Sarpaneva. Chân dung của Stepan đã được anh tự tay thiết kế và biến thành hình ảnh mặt trăng ấn tượng. Và hiện tại, concept “the Moon” đã trở thành hình ảnh quen thuộc, một sự nhận diện đối với thương hiệu Sarpaneva.
Stepan Sarpaneva chỉ làm dưới 50 chiếc đồng hồ/năm. Điều đó càng làm cho những chiếc đồng hồ của nghệ nhân Phần Lan này thêm đặc biệt cả về giá trị lẫn giá cả. Nhưng những thiết kế khác lạ của Sarpaneva đã làm nảy sinh những tranh cãi gay gắt nội bộ giữa những người yêu cây kim mặt số. Trên các diễn đàn uy tín, người ta vẫn đặt các câu hỏi và tranh luận về loại thép không gỉ được Stepan sử dụng (Martensite và Austenite) và về những thiết kế đồng hồ phong cách gothic “kỳ dị” không giống ai, về chủ đề vị nhân sinh hay vị kỹ thuật của những chiếc đồng hồ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đồng hồ Sarpaneva là những chiếc đồng hồ mang chất lượng đỉnh cao và có thiết kế độc nhất vô nhị. Cũng vì thế, có lẽ anh giống như một con sói luôn cô độc bên ánh trăng.
“Nếu như bạn bè tôi quan tâm muốn biết, thì tôi đang làm những thứ vô dụng…” – Stepan Sarpaneva.