LuxeVN – Tourbillon là một trong những bộ phận đồng hồ phức tạp nhất và đẹp nhất. Nhưng bản thân Tourbillon cũng là một thứ gây đau đầu cho người chơi khi mà trên thị trường có hàng trăm kiểu đồng hồ Tourbillon. Qua bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp đến quý độc giả một số thông tin cơ bản, hầu mong góp phần phòng ngừa cơn đau đầu trên.
Đồng hồ Tourbillon chẳng những là mong ước của người sưu tập, mà còn là sản phẩm “đinh” của các hãng. Nhưng bản thân Tourbillon cũng là một thứ gây đau đầu cho người chơi khi mà trên thị trường có hàng trăm kiểu đồng hồ Tourbillon với khoảng giá trải từ 15.000 – 500.000 USD, thậm chí cả triệu.
Từ thuở bình minh
Ý tưởng về một cơ chế tên gọi Tourbillon – với nhiệm vụ triệt tiêu ảnh hưởng của lực hút trái đất tới bộ máy, qua đó giúp đồng hồ chạy chính xác hơn – được nghệ nhân John Arnold lần đầu giới thiệu chỉ một thời gian ngắn trước khi qua đời năm 1799. Phải đến năm 1801, Abraham Louis Breguet mới hiện thực hóa được ý tưởng của Arnold.
Khởi thủy, cơ chế Tourbillon (tiếng Việt là “cuốn xoay” hay “xoáy nước”) chỉ xuất hiện trên đồng hồ quả quýt. Chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon đầu tiên, do công ty LIP chế tác vào khoảng năm 1920, chỉ dừng lại ở một thử nghiệm. Năm 1945, hãng Omega chế tạo 12 chiếc đồng hồ Tourbillon, nhưng đây cũng chỉ là những sản phẩm chưa hoàn chỉnh.
Kỷ nguyên đồng hồ đeo tay Tourbillon chỉ thực sự bắt đầu vào thập niên 1980 khi Audermas Piguet giới thiệu series đồng hồ Tourbillon thương mại đầu tiên vào năm 1985. Sau đó, các hãng Vacheron Constantin, Patek Philippe và Breguet (dưới sự dẫn dắt của Daniel Roth kỳ tài) liên tục cho ra mắt các đồng hồ Tourbillon.
…đến hoàng kim
Từ đó Tourbillon trở thành biểu tượng của các hãng đồng hồ cao cấp. Ước tính đến nay có khoảng 136 thương hiệu đồng hồ khác nhau đã giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ Tourbillon của riêng mình. Thậm chí các hãng bình dân cũng đua nhau “chế tác” ra đồng hồ Tourbillon để nâng cao vị thế, và tất nhiên những chiếc Tourbillon như vậy chủ yếu phục vụ công tác marketing. Hai thập kỷ trở lại đây liên tục chứng kiến nhiều kiểu Tourbillon khác nhau được giới thiệu. Thị trường đồng hồ Tourbillon như một ma trận khiến ngay cả những nhà sưu tập cũng phải chóng mặt.
Để đánh giá một chiếc đồng hồ Tourbillon, cần cân nhắc ba yếu tố: Kiểu cơ chế Tourbillon, độ hoàn thiện và hiệu chỉnh, và cuối cùng, thiết kế mĩ thuật.
Các kiểu cơ chế Tourbillon
Chúng ta thấy có nhiều kiểu Tourbillon với tên gọi khác nhau: từ Tourbillon đơn, Tourbillon kép, Tourbillon đa chiều, Carrousel, đến Flying Tourbillon… Vậy chúng khác nhau thế nào?
Với trình độ chế tác và hoàn thiện bộ máy ngày nay, tính năng nguyên thủy của Tourbillon (giảm ảnh hưởng của lực hút trái đất, giúp đồng hồ chạy chính xác hơn) không còn là yếu tố quan trọng nhất. Mà chính bởi kết cấu phức tạp, Tourbillon được suy tôn là đỉnh cao của nghề chế tác đồng hồ. Một cơ cấu Tourbillon truyền thống nhỏ bằng một chiếc cúc áo, nặng khoảng 2-3 gram nhưng bao gồm khoảng 70 chi tiết, như vậy trung bình mỗi chi tiết nặng 0,04 gram. Việc chế tạo ra các siêu chi tiết như vậy đã khó, việc rắp láp còn khó hơn gấp bội. Chỉ với một hơi thở mạnh, mọi công sức sẽ tiêu tan. Càng nhiều chi tiết, cơ cấu càng phức tạp, đồng hồ Tourbillon càng có giá trị.
1. Tourbillon truyền thống (Traditional Single Axis Tourbillon)
Cuốn xoay theo đúng nguyên lý của Breguet phát minh. Các chi tiết bao gồm cả bánh xe cân bằng (balance wheel), bộ thoát (escapment) được lắp ráp vào trong một lồng xoay (cage). Thời gian xoay một vòng là một phút.
2. Flying Tourbillon
Thay cho việc có cầu đỡ gắn với bộ máy ở cả mặt trên và mặt dưới, Flying Tourbillon chỉ có cầu đỡ ở một mặt, khiến cả cơ chế nhìn như đang “bay” khỏi bộ máy. Chi chí sản xuất Flying Tourbillon tương đương Tourbillon truyền thống. Do vậy, chọn loại Tourbillon nào giữa hai loại này là lựa chọn thuần túy thẩm mĩ. Các đồng hồ có kiểu dáng cổ điển hoặc khoẻ mạnh sẽ lựa chọn Tourbillon truyền thống. Đồng hồ có thiết kế thời trang sẽ lựa chọn Flying Tourbillon.
3. Carrousel (hay Karrousel)
Đây là trường hợp rất lý thú. Một số hãng quảng cáo cơ cấu này là Tourbillon, nhưng trường đồng hồ Thụy Sĩ WOSTEP, các nghệ nhân và chuyên gia lịch sử đồng hồ không công nhận cơ cấu này là Tourbillon đích thực.
Carrousel là phát minh của Bahne Bonniksen – nghệ nhân Đan Mạch sinh sống và làm việc tại London. Cơ chế này được cấp bằng sáng chế số 21421 tại Anh quốc năm 1892. Năm 1899, Richard Lange (người sáng lập hãng A.Lange & Sohne) hoàn thiện cơ cấu và đưa nó vào đồng hồ quả quýt. Đến những năm 2000, Blancpain tiếp tục phát triển và thu nhỏ kích thước cơ cấu nhằm đưa vào đồng hồ đeo tay.
Ở Tourbillon bánh xe cân bằng (balance wheel) và lồng (carriage) có cùng một nguồn cung cấp năng lượng. Đối với Karrousel, hai bộ phận này có hai bộ phận cung cấp lực khác nhau. Tức là khi lồng Tourbillon ngừng quay thì bánh xe cân bằng cũng ngừng quay, nhưng với Carrousel bánh xe cân bằng vẫn tiếp tục quay ngay cả khi lồng ngừng quay.
4. Carrousel Tourbillon
Là một cơ chế Tourbillon có hình thức, cách thức hoạt động tương tự như Carrousel. Cơ chế này được phát minh bởi Vincent Calabrese (một thành viên của AHCI) vào cuối những năm 1980. Blancpain sau đó áp dụng lên đồng hồ Tourbillon của hãng.
Ở cơ chế này, thay cho việc rắp láp toàn bộ các chi tiết vào trong một chiếc lồng đồng trục như Tourbillon truyền thống thì bánh xe cân bằng (balance wheel) lại được đặt lệch với một trục riêng biệt. Thiết kế này được cho là có tác dụng triệt tiêu lực hút giống nhưng lại chỉ tốn ¼ công sức cho việc lắp ráp so với Tourbillon truyền thống. Điều khó nhất ở Tourbillon truyền thống chính là việc lắp ráp một cách cân bằng các chi tiết lên cùng một trục. Đây là lý do mà các hãng Trung Quốc lựa chọn sản xuất kiểu Tourbillon này và bán với giá vài ngàn USD.
Flying Carrousel-Tourbillon là kiểu Tourbillon đầu tiên Trung Quốc sản xuất được. Bạn có thể nhìn thấy Tourbillon của các nhà sản xuất Trung Quốc trên các đồng hồ của họ với giá bán chỉ từ một đến vài ngàn USD. Có thể kể đến một số mẫu: Beijing TB01-2; Liaoming 5010; Shanghai; PTS Resources FD-3032; Sea-Gull; Dixmont DG-8000, v.v…
Một số hãng nổi tiếng cũng sử dụng Carrousel Tourbillon vào đồng hồ, có thể kể đến là Blancpain, Piaget hay Cartier… Nhưng nhìn chung, các tên tuổi hàng đầu đều không sản xuất Carrousel Tourbillon.
So sánh Carrousel-Tourbillon và Tourbillon truyền thống qua hai video dưới đây:
Cơ chế Carrousel-Tourbillon trên đồng hồ Piaget
Cơ chế Tourbillon truyền thống (single axis) trên đồng hồ Speake-Marin Magister
https://youtu.be/b8XhOQQGNiA
Cơ chế Carrousel Tourbillon trên đồng hồ Blancpain
https://www.youtube.com/watch?v=aytjJOrZKUo&feature=youtu.be
5. Nhiều Tourbillon (Multi-Tourbillon)
Là đồng hồ có nhiều cơ chế Tourbillon trên bộ máy, và tất nhiên, đồng hồ kiểu này có giá đắt hơn. Phổ biến nhất là đồng hồ với hai Tourbillon (Double Tourbillon) và giá của một chiếc như vậy vào khoảng 300.000 USD.
Năm 2004, hai nhà chế tác đồng hồ độc lập Robert Greubel và Stephen Forsey cho ra đời thương hiệu Greubel Forsey. Cùng năm, họ giới thiệu mẫu Double Tourbillon 30° (DT30). Cơ chế Double Tourbillon 30° được trang bi một lồng xoay Tourbillon có chu kỳ quay 1 phút, nghiêng 30°, đặt trong một lồng xoay khác có chu kỳ quay 4 phút.
Năm 2005, Greubel Forsey giới thiệu mẫu Quadruple Tourbillon à Différentiel (QDT) sử dụng hai cơ chế Tourbillon hoạt động độc lập, một cây cầu đặc biệt kết nối 4 lồng xoay và phân bổ lực tới hai bánh răng xoay với tốc độ khác nhau.
6. Tourbillon xoay đa trục (Multi-Axis Tourbillon) hay còn gọi là Tourbillon xoay đa chiều.
Năm 1970, Anthony G.Randall – một người Anh – phát minh ra cơ chế Tourbillon xoay 2 chiều (Double Axis Tourbillon) dành cho đồng hồ để bàn. Với cơ chế này trục thứ hai quay song song với mặt số, có tác dụng giảm ảnh hưởng của từ trường ở 6 hướng khác nhau. Vào những năm 1980, Richard Good trở thành nhà chế tác đầu tiên đưa cơ chế Tourbillon 3 trục vào trong một lồng xoay trên đồng hồ để bàn.
Năm 2003, Thomas Prescher (một thành viên khác của AHCI – Hiệp hội các nhà chế tác đồng hồ độc lập) là người đầu tiên thực hiện cơ chế này trên đồng hồ đeo tay. Do đồng hồ đeo tay nhỏ hơn đồng hồ quả quýt nhiều lần nên có chi tiết của cơ cấu chỉ nặng vẻn vẹn 0,0009 gram! Prescher tiếp tục lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu của tiền bối Randall để cho ra đời Tourbilon xoay 3 chiều (Triple Axis Tourbillon). Chưa dừng lại ở đó, Prescher nghiên cứu cải tiến và tìm ra giải pháp để đưa cơ chế Tourbillon 3 trục của Good lên đồng hồ đeo tay. Điểm đặc biệt là toàn bộ cấu trúc Tourbillon như “bay lơ lửng” giữa bộ máy đồng hồ.
Sau Thomas Prescher nhiều hãng đã bắt tay sản xuất Tourbillon xoay đa chiều, như: Harry Winston, Franck Muller, Thomas Prescher, Harry Winston, Vianney Halter, Aaron Becsei, Zenith, Jaeger-LeCoultre, Jacob&Co., v.v… Giá một chiếc đồng hồ như vậy vào khoảng 200.000 – 500.000 USD trở lên.
Tourbillon còn rất nhiều biến thể khác như Orbital Tourbillon, Tourbillon quay với tốc độ 6 giây, 24 giây, 30 giây/vòng…, hay Tourbillon với kim giây chạy kiểu đồng hồ quarzt (deadbeat seconds). Các kiểu Tourbillon này là biến thể (nhỏ và đắt hơn) của Tourbillon truyền thống nhưng xét về giá thành thì Multi-Tourbillon hay Multi-Axis Tourbillon vẫn là vô địch.
KL