Cuối năm ngoái, 11 giải thưởng được mệnh danh là “Oscar của ngành chế tạo đồng hồ” đã được công bố tại thủ đô của vương quốc đồng hồ Geneva.
Giải thưởng lớn “Golden Hand”: De Bethune DB28
Dân sành chơi có thể nhận ra mẫu De Bethune DB28 mang những nét đặc trưng cổ điển của thương hiệu như các chi tiết bằng thép có ánh xanh lơ, bánh xe thăng bằng làm từ silicon/platinium, hệ thống giá đỡ chống sốc ba lần…
Thực tế DB28 là phiên bản nâng cấp từ Calibre DB 2009 với cơ cấu tourbilon siêu nhẹ, chỉ có 0.18g và đang giữ kỷ lục về trọng lượng trên thị trường, nhờ được làm từ silicon/platinium. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là cỗ máy này được làm từ 50 linh kiện, trong đó linh kiện nhẹ nhất chỉ vỏn vẹn 0,0001g và “nặng” nhất là 0,0276 gam!
Khách hàng có thể chọn lựa một số phiên bản với chất liệu khác nhau như vỏ titanium hoặc vàng 24k, cũng như một số chi tiết trên bề mặt, hoặc cũng có thể chọn phiên bản DB28T với một chút xíu khác biệt ở phần dây cót.
Giá tham khảo: 1,8 tỷ đồng (80.000 franc Thụy Sĩ)
Giải đồng hồ nữ: Boucheron Crazy Jungle Hathi
Các mẫu đồng hồ trang sức của nhà Boucheron có “truyền thống Ấn Độ” cả trăm năm nay, từ khi Louis Boucheron lần đầu tới đất nước này vào năm 1909. Ngài hội đồng Boucheron sau đó (vào năm 1928) đã giới thiệu với công chúng bộ trang sức mang nặng âm hưởng của đất nước kỳ bí này.
Boucheron Crazy Jungle Hathi đương nhiên cũng mang nặng phong cách Ấn, từ đường nét trang trí cho tới màu sắc, chất liệu đá và kim loại quý. Cái tên Hathi cũng có gốc từ tiếng Hindi chỉ con voi, và bản thân chú voi này đã xứng đáng là một tác phẩm kim hoàn cao cấp, được nạm từ 40 viên kim cương cùng đá sa phia, ametit, mã não và vàng.
Chiếc đồng hồ này được lắp bộ máy tự động Manufacture GP4000 Calibre. Hình hoa văn trang trí trên tấm thảm vắt qua lưng chú voi chính là mô đun Crazy Seconds” nổi danh của nhà Boucheron luôn xoay tròn và tỏa sáng.
Boucheron Crazy Jungle Hathi chỉ có một mẫu hoa văn duy nhất nhưng có một số lựa chọn về màu sắc và đi kèm với đó là chất liệu đá quý và kim loại quý “tông xiệc tông”.
Giá chào bán khoảng 1,67 tỷ đồng (80.000 USD).
Giải đồng hồ nam: Hermès Arceau Le Temps Suspendu
Hermès Arceau Le Temps là sản phẩm mới nhất hợp tác với xưởng thiết kế Arceau Design. Nếu nhìn thoáng qua nó mang dáng vẻ khá cổ điển nhưng lại rất tinh tế. Mặt đáy của đồng hồ mang những vạch chéo thể hiện đường vải dệt len nét truyền thống của thương hiệu thời trang Hermés. Thiết kế rất đẹp và tinh tế, nhưng không khoe khoang sự phức tạp của cỗ máy, thậm chí còn không có kim giây.
Bí mật của cố máy tinh vi này nằm ở chỗ nó có thể làm “đông cứng” thời gian! Khi bạn nhấn vào nút bấm ở bên trái đồng hồ, kim chỉ giờ và phút chập về số 12 còn kim chỉ ngày biến mất ở đâu đó phía sau màn hình bán nguyệt và thời gian “dừng lại”. Để “trở về với thực tại”, bạn chỉ cần nhấn tiếp vào nút bấm, đồng hồ sẽ chỉ đúng thời gian thực mà không cần phải điều chỉnh gì, cho dù bạn “đóng băng” chiếc đồng hồ trong khoảng thời gian nào đi nữa.
Bạn sẽ tự hỏi nhà thiết kế “phức tạp hóa” vấn đề để làm gì? Tại sao lại phải chế tạo thêm một cơ cấu máy phức tạp với 254 linh kiện chỉ để… cho vui? Trước khi tìm đến câu trả lời, bạn nên tự hỏi lại vậy sao phải tốn tiền để mua đồng hồ trong khi chiếc điện thoại cầm tay (dù rẻ tiền nhất) cũng luôn chỉ cho bạn thời gian chính xác?.
Giá tham khảo: 750 triệu đồng (36.000 USD) phiên bản giới hạn 174 chiếc vỏ vàng và 355 triệu đồng (17.000 USD) cho phiên bản vỏ thép không gỉ với nhiều màu vỏ và mặt đáy tùy chọn.
Giải thiết kế: Urwerk UR-110
Mẫu đồng hồ có hình dáng “cổ quái” mà cách xem giờ cũng chẳng giống ai. Urwek là nhà sản xuất điển hình theo trường phái “off-beat display” – tạm hiểu là thiết kế các đồng hồ hiển thị không như cách thông thường. Thời gian được chỉ bằng 3 “quả ngư lôi” (torpedo) được gắn nổi trên mặt, có các trục quay nằm theo phương ngang và cứ mỗi giờ lại nhảy một số, chúng cũng đồng thời nằm trên một đĩa xoay liên tục xoay quanh mặt đồng hồ với tốc độ 3 tiếng mỗi vòng.
Trong bất kỳ thời điểm nào, các mũi tên luôn song song nhau và chỉ về vòng cung phút đánh số từ 0 đến 60. Thời gian chính xác sẽ là số của mũi tên nằm sát vòng cung phút cộng với số phút mà mũi tên chỉ vào, thật đơn giản, hai quả ngư lôi kia hiện số giờ trước và sau thời điểm đó (!). Còn để xem giây thì khó hơn một chút, vòng cung chỉ giây nằm đối diện với vòng cung chỉ phút nhưng có kích thước nhỏ hơn và nằm phái dưới đĩa quay ngư lôi.
Thiết kế quả là phức tạp và tất nhiên là không giống ai. Chưa hết, Urwek 110 còn có thêm một đồng hồ “oil change” chỉ thời điểm cần “ăn dầu”. Tuy nhiên không thường xuyên như với xe hơi, chỉ cần 3 năm thay một lần. Urwek UR 110 có hai phiên bản, vỏ titanium sáng bạc và titanium đen.
Giá tham khảo: 1,67 tỷ đồng (80.000USD).
Giải Trang sức và Nghệ thuật: Lady Arpels Polar Landscape
Thoạt nhìn qua tác phầm của nhà Van Cleef & Arpels trông giống như món đồ cho trẻ em, phải là các con mắt cực kỳ sành mới nhìn ra vẻ đẹp thực sự của sản phẩm này. Lady Arpels Polar Landscape Seal có họa tiết trang trí là đầu chú chó biển đang sưởi nắng, kế phía sau là một con gấu trắng được cần từ các hạt kim cương và phái xe là khung cành biển Bắc Băng Dương với những tảng băng trôi.
Mặt đồng hồ xứng đáng là một kiệt tác kim hoàn được làm từ men cao cấp cẩn đá quý, kim loại quý và kim cương.
Cùng series Lady Arpels Polar Landscape, bên cạnh Seal còn có các mẫu cá voi, gấu trắng, chim cánh cụt, và đều có giá ngất ngưởng trên trăm ngàn đô.
Giải đồng hồ phức tạp: Zenith Academy Christophe Colomb Equation of Time
Riêng cái tên dài ngoằng đã phần nào nói lên sự phức tạp của nó. Nhìn vào mặt đồng hồ người ta còn phải choáng váng với một khối cầu nổi lên trên mặt, bên trong là một cỗ máy tinh xảo với rất nhiều bánh răng và trục quay.
Như các bạn đều biết, mối ngày của chúng ta không phải chính xác có 24 giờ và nếu mối ngày đồng hồ của ta chạy đúng 24 tiếng thì chắc chắn sẽ có dung sai. Công dụng của cỗ máy này là dựa trên cảm ứng trục nghiêng của trái đất và ngày trong năm, nó sẽ chỉ ra số giây phút mà bạn phải bù vào để tính ra thời gian thực (!).
Liệu có cần thiết bỏ ra ¼ triệu đô chỉ để mua một công dụng mà gần như chắc chắn là không bao giờ dùng đến? Chỉ có ai sở hữu chủ nhân của Zenith Academy Christophe Colomb Equation of Time mới biết được. Nhưng ít nhất thì chủ nhân của nó hoàn toàn không lo “đụng hàng” vì nhiều lắm cũng chỉ có 74 người khác trên thế giới được cầm giữ một tuyệt phẩm cùng loại.
Giải đồng hồ thể thao: TAG Heuer Mikrotimer Flying 1000 Chronograph
Mikrotimer Flying 1000 Chronograph là chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên và duy nhất hiện nay trên thế giới có thể chỉ chính xác tới 1/1.000 giây, khả năng siêu phàm này đã được nhà sản xuất gắn lên mã hiệu của nó. Con lắc của đồng hồ có tốc độ dao động tói 3,6 triệu lần trong một giờ, tức là lớn hơn gấp 125 lần so với đa phần các đồng hồ đeo tay chronogaph hiện nay.
Độ chính xác của nó cũng được coi là hoàn hảo, có thể chạy cả thế kỷ mà sai số chỉ bằng một phần nhỏ của giây. Cũng nên ôn lại một chút lịch sử, vào năm 1916, Charles-Auguste Heuer, cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng này đã trình làng đồng hồ bấm giây Mikrograph Genesis stopwatch có thể đo phần trăm giây. Mẫu đồng hồ này đã trở thành cỗ máy chuẩn mực dùng trong các kỳ thi Olympic.
Mikrotimer Flying 1000 Chronograph được nhà TAG Heuer chào bán với giá khá “vừa phải” 1,7 tỷ đồng (88.000 USD).
Giải thưởng cho đồng hồ có giá dưới 5.000 franc Thụy Sỹ (khoảng 113 triệu đồng): Montblanc Star Worldtime GMT Automatic
Mức giá dưới 5.000 franc Thụy Sĩ hoàn toàn không rẻ so với đồng hồ đeo tay thông thường, nhưng được các nhà chế tạo và nhà buôn đồng hồ lớn lấy đó như một mức chuẩn để phân biệt đồng hồ hạng “siêu sang” và đồng hồ hạng sang mà giới trung lưu có thể với tới được.
Sản phẩm được thiết kế đẹp, đầy đủ công năng và thương hiệu cũng khá nổi tiếng. Núm chỉnh duy nhất của nó được làm hình vương miện, vừa có tính chất trang trí vừa tiện dụng. Ở vị trí đóng, nó dùng để xoay các múi giờ được đánh dấu tương ứng với các thành phố lớn trên thế giới, các nấc kéo ra sẽ dùng để chỉnh ngày/giờ và cũng có thể chỉnh kim giờ nhảy theo múi giờ rất dễ dàng.
Một chiếc kim đầu mũi sơn màu đỏ sẽ chỉ giờ trên vòng số nhỏ được chia thành 24 giờ (GMT) và phủ màu tương phản ứng với khoảng thời gian trời sáng và tối. Những khi phảỉ di chuyển xa lệch múi giờ, bạn có thể đưa kim chỉ giờ GMT về múi giờ nơi đến và dễ dàng theo dõi để điều chỉnh thời gian ngủ hay thức cho hợp lý.
Theo dự đoán, với giá bán 92,5 triệu đồng (4.100 CHF) không quá cao và lại được giật giải cao, mẫu đồng hồ này sẽ là hàng “hot” trong năm tới.
Giải đặc biệt của ban giám khảo: Bảo tàng Patek Philippe
Bào tàng được đặt ở Geneva, Thụy Sĩ nhằm vinh danh thương hiệu Patek Philippe ra đời từ năm 1893. Không chỉ trưng bày đồng hồ, bảo tàng còn có nhiều hiện vật dụng cơ khí tinh xảo như máy chơi nhạc hay các bức tiểu họa, chạm khắc có niên đại thế kỷ XVI – XIX. Trong các phòng trưng bày, người ta kỳ công dựng lên khung cảnh của các xưởng chế tạo đồng hồ thời trước với đầy đủ các cỗ máy và dụng cụ gia công.
Ở đây cũng có cả một thư viện sưu tầm đầy đủ lịch sử phát triển của ngành đồng hồ. Khách tới thăm còn được sử dụng máy tính và máy chiếu để có thể đi xuyên suốt lịch sử của ngành chế tạo máy thời gian, một trong những nghề cơ khí tinh xảo nhất và còn tràn đầy hy vọng tồn tại và phát triển ngay cả trong kỷ nguyên của điện tử và kỹ thuật số.
Địa chỉ: Số 7, rue de Vieux Grenadiers, Geneva; Website: www.patekmuseum.com
Giải do công chúng bình chọn: Audemars Piguet, Millenary 4101
Mỗi năm, có khoảng 70 mẫu đồng hồ được ban giám khảo chọn vào vòng sơ tuyển và chúng được lấy ý kiến bình chọn từ đông đảo người hâm mộ. Công chúng có thể bầu chọn qua các thùng phiếu tại hội chợ hoặc qua các trang web Grand Prix de l’Horlogerie de Genève và World Tempus.
Năm nay, giải công chúng bình chọn thuộc về mẫu đồng hồ có tầm giá 20 ngàn USD này (phiên bản vỏ vàng đắt hơn gấp rưỡi). Mẫu đồng hồ này có kiểu dáng cũng rất đẹp, nam tính và “rối rắm” ở mức vừa phải. Đây cũng là mẫu hứa hẹn sẽ rất ăn khách trong mùa mua sắm này.
|
Theo Điện tử Tiêu dùng