LuxeVN giới thiệu bài phỏng vấn ông Michael von Schlippe – chủ biên Robb Report Việt Nam của CCP-Luxury để chúng ta cùng đánh giá về xu hướng và thực trạng thị trường xa xỉ trong nước hiện nay.
Tạp chí xa xỉ Robb Report ấn bản tại Việt Nam (bởi Indochine Media) mới đây đã tổ chức Hội nghị Xa xỉ Á châu (Asia Luxury Summit) tại Sài Gòn. Hội nghị đã quy tụ được các tên tuổi có “số má” của thị trường xa xỉ châu Á tham gia, trong đó nội dung thảo luận tập trung vào nước chủ nhà Việt Nam. Chủ biên của Robb Report và Luxury Guide, ông Michael von Schlippe có những chia sẻ từ góc nhìn cá nhân về thị trường xa xỉ tại Việt Nam và một vài đánh giá về kết quả thu được của Hội nghị Xa xỉ Á châu.
Lĩnh vực xa xỉ nào sôi động nhất tại Việt Nam trong vòng 3 năm vừa qua thưa ông?
Thời trang là ngành hàng phát triển nhanh nhất. Mặc dù chỉ có từ 5 đến 6 nhà phân phối chủ lực nhưng mỗi nhà phân phối lại sở hữu quyền phân phối ít nhất 1 hoặc 2 thương hiệu thời trang quốc tế. Trong số đó phải kể đến: Etro, Canali, Christian Louboutin, Valentino, Chanel, Hugo Boss, Coach, Loewe, Givenchy. Năm nay còn có những thương hiệu khác cũng sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam như Ralph Lauren, Dior, Ermenegildo Zegna và Bottega Veneta.
Lĩnh vực xa xỉ nào chưa phát triển được dù rằng đang có nhiều tiềm năng?
Theo tôi là trang sức và du thuyền. Trên thị trường không có một thương hiệu trang sức quốc tế nào ngoại trừ Bulgari và Cartier. Trong khi đó thì ngành kinh doanh du thuyền vẫn chưa có mặt tại Việt Nam. Tất nhiên là ở đất nước các bạn chưa có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết cho ngành này nhưng tiềm năng cho nó là vô cùng lớn. Hãy cứ thử nhìn đường bờ biển kéo dài hơn 3000km với rất nhiều bải biển và đảo xin đẹp mà xem.
5 nhãn hiệu xa xỉ nào chi tiêu nhiều nhất cho quảng cáo tại Việt Nam?
Tôi nghĩ chưa có nguồn thống kê đáng tin cậy nào để đưa ra những cái tên chính xác. Theo tôi có lẽ công nghiệp ô tô dành nhiều tiền nhất vào quảng cáo. Hai nhãn hiệu tích cực nhất trên thị trường là Audi và Mercedes Benz. Một tên tuổi khác dành nhiều ngân sách cho quảng cáo là DAFC (Công ty Thời trang và Mĩ phẩm Duy Anh). Doanh nghiệp này là nhà phân phối của Salvatore Ferragamo, Burberry, Polo Ralph Lauren, Cartier, Chanel, Tumi. Bally, v.v…
Ông Michael von Schlippe (bên trái) – Ảnh: Đất Xanh Group
Với vai trò là một tạp chí xa xỉ và phong cách sống dành cho giới sành điệu, Robb Report hiện đang đứng ở vị trí nào so với các ấn phẩm khác cùng loại ở Việt Nam?
Robb Report có nguồn đọc giả đông đảo nhất hiện nay. Tạp chí đến với gần 8000 đọc giả là VIP trong các lĩnh vực ngân hàng trong nước và quốc tế, các ngân hàng cũng đặt mua tạp chí cho những khách hàng của họ. Robb Report được in ở nước ngoài vì chất lượng in ở Việt nam chưa đảm bảo được cho những tạp chí như chúng tôi. Trong khi đó, nội dung tạp chí được sản xuất bởi một đội ngũ biên tập viên Việt Nam và nước ngoài làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cộng tác với các nhà báo, chuyên gia trên khắp thế giới để nghiên cứu và sản xuất những chuyên mục cho ấn phẩm xuất bản tại Việt Nam. Vì đơn giản, đối với chúng tôi Robb Report là ấn phẩm về thị trường xa xỉ quyền lực và chất lượng nhất.
Quan điểm của ông thế nào về báo giấy và báo mạng xét trên khía cạnh hiệu quả tác động đến tầng lớp giàu có ở Việt nam – những người tiêu thụ hàng xa xỉ?
Ở Việt Nam, mạng internet tràn ngập đồ xa xỉ được chào bán với giá rẻ. Hàng nhái được quảng cáo “vô tư” trên đó, bạn có thể dễ dàng mua chúng từ những người bán dạo hay thậm chí tại những cửa hiệu và trung tâm mua sắm. Đa số những người dùng và mua đồ xa xỉ họ không tin tưởng mạng internet với những sản phẩm đáng ngờ được quảng cáo trên đó.
Ông có thể đánh giá tóm tắt những kết luận quan trọng nhất của sự kiện Hội nghị Xa xỉ Á châu vừa được tổ chức không thưa ông?
Có một số điểm quan trọng mà những diễn giả đã trình bày khi phân tích về kinh doanh xa xỉ tại Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam trong khuôn khổ của hội nghị.
– Người tiêu dùng địa phương thích dùng hàng hiệu nhưng không trung thành với thương hiệu
– Người tiêu dùng tại Việt Nam thích những thứ mới và sẵn lòng để mua những nhãn hiệu họ chưa từng sử dụng.
– Các thương hiệu cần nói tiếng nói của người tiêu dùng để biến tinh thần bảo thủ địa phương thành sự quan tâm mỗi khi thương hiệu tiến hành quảng bá sản phẩm.
– Trân trọng chất lượng, hình ảnh và truyền thống. Khách hàng của ngành xa xỉ coi trọng “một câu chuyện hay” đằng sau mỗi thương hiệu, đó là lịch sự, hoàn cảnh ra đời cũng như những câu chuyện kinh doanh đi đến thành công của thương hiệu.
– Người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt chú tâm đến tính hòa nhã của thương hiệu, liệu thương hiệu đó có thân thiện hay không.
– Kiên nhẫn là một đức tính khi kinh doanh tại Châu Á và Việt Nam.
– Thị trường xa xỉ Việt Nam đi theo dấu chân của thị trường xa xỉ Trung Quốc trên nhiều phương diện.
– Kể cả khi tốc độ tăng trưởng của thị trường xa xỉ Trung Quốc chững lại, thị trường Việt Nam và Đông nam Á vẫn tiếp tục mang về lợi nhuận bởi sự tập trung lúc này không còn dồn hết cả về Trung Quốc.
– Các nhà đầu tư và các thương hiệu nên chuẩn bị chú ý vào các thị trường nhỏ hơn tại Châu Á một khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
– Sức mua nội địa đang tăng. Lấy ví dụ tại các khách sạn xa xỉ ở Việt nam, lượng khách bản địa tăng so với lượng khách nước ngoài. Hơn thế nữa, giá trị hóa đơn thanh toán của khách Việt Nam thường cao hơn so với “tây”.
– Khách bản địa thường để ý xem khách sạn có nội thất, cơ sở vật chất như nhà hàng hay spa như thế nào hơn là để ý đến những hoạt động ngoài trời như thể thao hoặc dã ngoại.
Theo CCP-Luxury.com