Điểm cho bài viết
Reader Rating 0 Votes
0.0

LuxeVN – Báo cáo về tỷ phú USD toàn cầu “Billionaire Census 2014” của Wealth-X và ngân hàng UBS vừa công bố cho biết: năm 2014, Việt Nam là một trong 14 nước châu Á có tỷ phú USD. Từ một người, hiện Việt Nam đã có 2 tỷ phú USD với trị giá tài sản cũng tăng gấp 3 lần.

Bản báo cáo này còn cho biết trong năm 2014, Việt Nam có 210 người đạt tiêu chuẩn siêu giàu với một trong những tiêu chí là có tổng tài sản trên 30 triệu USD. Nhóm này tạo nên một con số tổng tài sản là 20 tỷ USD. So với những gì được báo cáo trên ghi nhận năm 2011 về người giàu ở Việt Nam, thì con số này cao hơn rất nhiều mức 115 triệu phú và 13 tỷ USD.

Inaugural-Cover-Issue-of-Forbes-Vietnam11

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup được cho là 1 trong 2 tỷ phú USD Việt Nam

Về 2 tỷ phú USD người Việt, giới truyền thông trong nước và quốc tế đều cho rằng một trong hai người là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup. Mặc dù danh tính của ông Vượng và vị tỷ phú còn lại không được tiết lộ trong bản báo cáo nhưng ông Vượng từng có tên trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí Forbes với khối tài sản là 1.6 tỷ USD. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh được cho là vẫn rất phát triển của Vingroup cũng là cơ sở để người ta tin vào quy mô khối tài sản có vẻ vẫn đang “phình ra” của doanh nhân này.

Tất nhiên, bí ẩn về danh tính của “nhân vật số 2” khiến dư luận không khỏi tò mò bởi những người có thể đang sở hữu khối tài sản tỷ USD ở Việt Nam cũng không phải ít. Đặc biệt, trong “tảng băng” nhà giàu ở Việt Nam, phần nổi luôn là phần mỏng so với phần chìm… Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thị trường, có thể thấy tương lai của ngành hàng xa xỉ ở Việt Nam trong vài năm tới sẽ rất phát triển nếu không muốn dự báo quá lời là bùng nổ.

RR-DZON0323

Việt Nam vẫn là một thị trường hứa hẹn với các thương hiệu xa xỉ như Rolls Royce

Những bản báo cáo như của Wealth-X và UBS luôn là cơ sở được tin cậy để các tập đoàn xa xỉ đánh giá tiềm năng thị trường. Chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, một loạt thương hiệu với nhiều loại hình sản phẩm đã có mặt chính thức tại Việt Nam. Từ các loại hình sản phẩm như thời trang, ô-tô cao cấp, máy bay riêng… tới các dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng thậm chí tháng 3 tới, lần đầu tiên, một giải đấu polo sẽ được tổ chức tại Việt Nam…

Thực tế là “thành tích” giàu có của người Việt so với các nước trong khu vực (chứ chưa xét tới quy mô toàn cầu) được chính thức thừa nhận vẫn chỉ ở mức độ… mới. Nhưng trong bối cảnh các thị trường truyền thống châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản đang có những biến động nhất định, hẳn giới kinh doanh sẽ quan tâm hơn tới một thị trường nhiều tiềm năng và có những đặc thù riêng của phân khúc “nhà giàu” như Việt Nam.

Hiếu Vân

No more articles