Thương hiệu xa xỉ Anh quốc đã ra quyết định dừng hợp tác khi công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông than phiền về đồng lương thấp và họ bị đối xử tồi tệ, không công bằng.

Burberry – Thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Anh – đã chấm dứt việc sản xuất mặt hàng túi xách ở một xí nghiệp thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Có sự thay đổi như vậy bởi lẽ hiện đang nảy sinh một vài vấn đề về giờ làm việc cũng như điều kiện làm việc ở nhà máy này. Nhà máy được điều hành bởi công ty Hàn Quốc Simone Accessories Collection. Công ty này có thể đang vi phạm quy tắc đạo đức trong kinh doanh và quản lý của Burberry.

Các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất túi xách cho rất nhiều nhãn hiệu quần áo và phụ kiện ở phương Tây. Cũng như Burberry, trước đó đã có nhãn hiệu Michael Koors và Coach.

Tháng 6 năm ngoái, công nhân đã có một cuộc đình công 4 ngày. Họ than phiền về đồng lương thấp và việc đối xử không công bằng, tồi tệ của người quản lí nhà máy mới đến từ Hàn Quốc.

Trong suốt cuộc đình công, rất nhiều cảnh sát đã có mặt để giữ trật tự, một vài công nhân đình công đã bị bắt.

Vào tháng 6/2010, Burberry tham gia vào Ethical Trading Initiative (Khối liên minh giữa các công ty, nghiệp đoàn thương mại và các tổ chức tình nguyện cùng nhau hợp tác để cải thiện đời sống lao động cho con người – những công nhân sản xuất hàng tiêu dùng khắp toàn cầu) và công ty cũng đã áp dụng Điều luật của ETI vào Quy tắc ứng xử về Đạo đức trong Thương Mại của công ty.

Một phần trong Điều luật nói rằng “Theo căn cứ chung, công nhân hoàn toàn không bị ép buộc làm việc quá 48 tiếng một tuần và trung bình cứ 7 ngày làm việc liên tục phải có ít nhất 1 ngày nghỉ.”

Tuy nhiên, theo Cục Báo chí Điều tra, công nhân tại nhà máy Simone phải làm việc tới 11 tiếng mỗi ngày trong suốt 6 ngày làm việc mỗi tuần. Nhà máy này cũng xác nhận rằng “số giờ làm việc của công nhân đã vượt quá 60 tiếng mỗi tuần”.

Burberry nói rằng họ đã thông báo với nhà máy Simone về việc nhà máy này không tuân theo các Quy tắc ứng xử mà Burberry đã đề ra trước đó.

Trước khi rút khỏi nhà máy tại Trung Quốc này, bà Pamela Batty – Giám đốc Trách nhiệm Doanh nghiệp tuyên bố: “Chúng tôi nhận ra rằng nhiều đòi hỏi cần phải được thực hiện và chúng tôi muốn gửi lời cám ơn đến Cục Báo chí Điều tra đã giúp chúng tôi biết được những vấn đề này.” Công ty cũng đã nhận được số hàng cuối cùng từ nhà máy Simone vào tháng 7.

Tuần trước, Burberry đã có tên trên các mặt báo sau khi được cảnh báo về lợi nhuận của công ty sẽ ở mức thấp nhất so với mong đợi.

Theo: NDHMoney – Nguồn: Guardian