Nhân dịp Lanvin kỉ niệm chặng đường 125 năm ra đời và phát triển, hãy cùng LuxeVN điểm lại những dấu mốc lịch sử của thương hiệu này.
Chân dung Jeanne Lanvin (1867 – 1946), người sáng lập nhà Lanvin
Jeanne Lanvin sinh ra trong một gia đình trung lưu người Paris. Bà đam mê thời trang và học cắt may, làm mũ từ rất sớm. Sản phẩm thiết kế đầu tay của Lanvin là một chiếc mũ, lúc ấy bà vừa 16 tuổi. Có thể nói, nếu những chiếc mũ đưa Lanvin đến với thời trang thì cô con gái Marguerite lại là lý do đưa tên tuổi bà đến với giới thượng lưu sành mặc Paris.
Biểu tượng của Lanvin được cách điệu từ một tấm ảnh chụp hai mẹ con Jeanne và Marguerite
Năm 1887, Marguerite Marie Blanche ra đời, kết quả của cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm giữa Lanvin và Bá tước Italia Emilio di Pietro. Marguerite, ca sĩ nhạc kịch tương lai, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo xuyên suốt cho mẹ mình. Jeanne Lanvin thiết kế quần áo cho con gái Marguerite và Marguerite diện những thiết kế “của nhà trồng được” khiến các bà mẹ ở Paris lúc ấy phát sốt. Họ muốn con gái mình cũng mặc đẹp như thế!
Nói về phong cách thiết kế của Jeanne Lanvin, bà nhấn mạnh sự tươi trẻ, nữ tính. Đối với chất liệu, Lanvin ưa thích gấm, nhung, sợi dệt vàng bạc (cho haute couture sau này); chiffon, đăng tên, tuyn, lụa bóng (váy cưới). Lanvin có trí thông minh màu sắc thiên phú, bà sử dụng các màu pastel hay các màu đậm nhạt một cách tài tình. Đặc trưng đến mức người ta phải gọi sắc xanh trên trang phục Lanvin thiết kế là “Lanvin Blue”. Tay nghề cắt may của Lanvin cũng được các chuyên gia cùng thời đánh giá rất cao, trong đó có các kỹ thuật mà khó có đồng nghiệp nào vượt qua được như cắt nhiều lớp, thêu sóng hàng.
“Robe de style”, “The chemise” và “Empire dresses” là ba phong cách thiết kế đặc trưng của nhà Lanvin.
Bộ sưu tập Lanvin thiết kế riêng cho các bé gái Paris năm 1890
Năm 1901 đánh dấu một trang mới: Lanvin bắt đầu may com-lê cho nam giới. Nghệ sĩ và giới tinh hoa Paris lúc ấy như Edmond Rostand, Paul Valéry, Georges Duhamel, André Maurois… là những khách hàng đầu tiên khoác com-lê Lanvin lên người. Lanvin cũng là nhà mốt duy nhất cung cấp trang phục cho cả đàn ông và phụ nữ ở Paris thời điểm đó.
Nhà thơ, nhà viết kịch Edmond Rostand trong bộ com-lê bespoke cầu kì của Lanvin
Lanvin gia nhập Hiệp hội thiết kế Pháp (Chambre Syndicale de la Couture) năm 1909, khi ấy bà 42 tuổi. Lúc này, cô con gái Marguerite đã là một thiếu nữ, thiết kế của Lanvin cũng chuyển sang dành cho đối tượng này. Những bà mẹ khi trước mua Lanvin cho con gái mình thì nay mặc đồ Lanvin. Tham vọng không cho phép Jeanne tự giới hạn ở mảng trang phục thường nhật, bà thử sức với lĩnh vực váy cưới, rồi các sản phẩm lông thú sang trọng, đồ thể thao thoải mái và nội thất xa xỉ cho giới thượng lưu. Lanvin ghi tên mình vào lịch sử thời trang với tư cách là nhà mốt giới thiệu thiết kế haute couture đầu tiên.
Jeanne Lanvin là nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất giai đoạn 1920-1930. Nữ hoàng Italia, Romani, công nương Anh hay các ngôi sao điện ảnh Mary Pickford Yvonne Printemps… là những người vinh dự mặc đồ Lanvin thiết kế.
Một ngày năm 1927, khi Marguerite ngồi bên cây dương cầm chơi một bản có những chùm nốt arpeggiare (hợp âm tách). Bản nhạc con gái chơi hôm ấy đã đem lại cảm hứng cho sự ra đời của một trong những sản phẩm thành công nhất của Lanvin: “Arpège” (tiếng Pháp của “arpeggiare”). Lanvin giới thiệu nước hoa “Arpège” vào dịp sinh nhật lần thứ 30 của con gái. Biểu tượng hai mẹ con nắm tay nhau xuất hiện nổi bật trên thân chai như một minh chứng rõ ràng cho tình mẫu tử vĩ đại.
Jeanne Lanvin nhận Huân chương Danh dự Quốc gia cho những đóng góp và cống hiến hết mình cho ngành thời trang năm 71 tuổi.
Dòng nước hoa Arpège trứ danh của Lanvin
“Robe de style”
Phong cách thiết kế nổi tiếng nhất của nhà Lanvin ra đời năm 1913, lấy cảm hứng từ vòng eo nhỏ thế kỷ 18, chân váy xòe xếp thành từng lớp dài đến mắt cá chân.
“The Chemise”
Nhắc đến thời trang những năm 1920, ta phải nhắc đến dáng váy Lanvin Chemise hình ống, thẳng đứng, đẹp nhất là khi đính thêm cườm hay sequin lấp lánh. Đi kèm với phong cách này thường là những đôi găng tay đen để tăng thêm vẻ quyến rũ cho quý cô.
“Empire Dresses”
Những chiếc váy dựa trên phong cách Hy Lạp cổ đại khá phổ biến vào khoảng thời gian từ năm 1790 – 1820. Khác với kiểu dáng truyền thống có tay ngắn và đường chiết eo cao, Lanvin thay đổi thiết kế bằng vòng eo nhỏ và tay áo dài hơn.
Giám đốc sáng tạo của nhà Lanvin từ năm 2001 là Alber Elbaz. Elbaz được xem là có những phẩm chất khá giống với người sáng lập Jeanne Lanvin, với cách tiếp cận tinh tế và sâu sắc, cùng tình yêu với phụ nữ và khát vọng về những thiết kế hoàn hảo. Năm 2005, nhà thiết kế tài năng Lucas Ossendrijver gia nhập gia đình Lanvin, mang lại một làn gió mới cho dòng sản phẩm ready-to-wear nam giới.
Sau hơn một thế kỷ thăng trầm, hy vọng bộ đôi Elbaz và Ossendrijver sẽ lèo lái con thuyền Lanvin đến những thành công như Madame Jeanne Lanvin.
Từ trái qua: “Số 10” của Lanvin – Lucas Ossendrijver và Alber Elbaz
Hương Giang