Hàng “grey market” liệu có rẻ?
Có một quan niệm phổ biến rằng hàng xách tay đương nhiên rẻ hơn hàng chính hãng. Điều này liệu có chính xác?
Trước hết, ta cần nắm được đường đi của sản phẩm. Đồng hồ hoàn thiện đi từ nhà sản xuất đến nhà phân phối (nếu có) rồi đến đại lý ủy quyền hoặc cửa hiệu bán lẻ. Các cửa hàng xách tay thường mua lại sản phẩm từ nhà phân phối, đại lý hoặc cửa hàng chính hãng.
Như vậy về mặt nguyên tắc, các đại lý, cửa hàng chính hãng có khả năng đưa ra mức giá tốt hơn so với các cửa hàng xách tay. Đến đây, để có giá tốt lại phụ thuộc vào việc bạn có biết cách mua hay không. Thông thường các showroom với mục đích trưng bày, làm hình ảnh sẽ có nhiều hàng hoá, nhiều mẫu mã đặc biệt hay các mẫu bán chạy. Các showroom này chỉ dành cho khách hàng một mức chiết khấu nhỏ. Để mua rẻ hơn, bạn nên tìm đến các cửa hàng đại lý uỷ quyền (authorized dealer/retailer) và… mặc cả (đừng ngại!). Tùy từng thương hiệu đồng hồ và nghệ thuật đàm phán, bạn có thể được hưởng mức chiết khấu từ 10-35%.
Sau cùng, việc mua đồng hồ, hay một mặt hàng cao cấp bất kỳ, khác với việc bạn mua một sản phẩm phổ thông. Giá trị của đồng hồ không chỉ nằm trong sản phẩm mà phải là cả chuỗi lợi ích kèm theo, kề từ khi bạn bước chân vào cửa hàng. Ở đó, bạn được phục vụ trong một không gian đặc biệt, được chiêm ngưỡng các tác phẩm, chia sẻ các câu chuyện về di sản của thương hiệu đó.
Thời điểm đeo đồng hồ lên tay là lúc bạn cảm nhận được giá trị của các dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm hay là suất VIP tham dự các buổi tiệc riêng tư, trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia chính hãng, hoặc chia sẻ đam mê với các nhà sưu tầm. Khi đó, bạn có trên tay “thẻ gia nhập” giới chơi đồng hồ cao cấp. Với chênh lệch một vài phần trăm giá thành giữa đồng hồ chính hãng và đồng hồ xách tay, bạn thấy bên nào “rẻ” hơn?
Quang Việt