LuxeVN – Sự bí hiểm thường tăng thêm giá trị tò mò cho điều bạn quan tâm thậm chí tôn sùng. Hermès chắc chắn là một tôn giáo với các tín đồ thời trang, nhưng phía sau biểu tượng hàng hiệu lớn có một “thủ lĩnh tinh thần” tài năng và “bí ẩn”…
“Đẹp là một mức độ của sự hoàn hảo, chất liệu đẹp và bàn tay đẹp. Bạn có thể cảm nhận nó.” – Bali Barret.
Nếu ai đó đã từng lùng một chiếc túi Birkin hàng authentic qua mạng thì chắc chắn sẽ hiểu được cảm giác khi “google” về nữ giám đốc sáng tạo đầy tài năng của Hermès. Rất ít, hoặc có chăng, cũng chỉ là những bài viết không liên quan, nhắc đến tên bà một cách thoáng qua. Tuy nhiên, sự hạn chế về thông tin đó không tỉ lệ thuận với vai trò của Bali Barret ở Hermès.
Một quý cô nhỏ nhắn, mặc bộ jumpsuit denim cùng thắt lưng da nâu, và tất nhiên, không thể thiếu được chiếc khăn Hermès quàng trên cổ theo lối cổ điển. Những mảnh ghép không hoàn hảo đã tạo nên sự hoàn hảo cho Bali để bà xuất hiện trước báo giới. Chỉ vậy thôi, người ta cũng đã thấy được sự hòa quyện tuyệt vời giữa Bali và Hermès: Một điều gì đó kỳ diệu đang ẩn sau cái tên thương hiệu và các sản phẩm của Hermès, nó có ý nghĩa hơn rất nhiều so với công dụng chỉ là những thứ để khoác lên người. “Rất khó để giải thích những gì là Hermès và những gì không, nhưng với tôi điều đó lại rất dễ thấy và tự nhiên.”
Lớn lên ở Paris rồi theo học ngành thiết kế, Bali từng làm trợ lý tại một số nhà mốt đình đám ở New York, Ý, Tây Ban Nha trước khi mở nhãn hiệu cho riêng mình vào năm 1999. Bà là bạn nối khố của Pierre-Alexis Dumas – giám đốc nghệ thuật của Hermès và giờ đây thì trở thành đồng nghiệp. Tuy không cùng chung huyết thống nhưng những đóng góp của Bali khiến bà trở thành một phần không thể thiếu trong gia đình Dumas.
Có lẽ, ai cũng đoán ra được Pierre-Alexis chính là sợi dây kết nối giữa Bali và Hermès. Kể về lời mời làm việc đầy bất ngờ mà mình nhận được, Bali hào hứng: “Cậu ta hỏi tôi: ‘Cậu có muốn làm việc cho Hermès không?’, tôi ngạc nhiên: ‘Cậu chắc chứ?’.” Bali đâu có thể ngờ, lời đề nghị cùng với chút hài hước kiểu Pháp của Pierre-Alexis đã đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình. “Một trong những tài năng của Pierre-Alexis là có thể thấy được khả năng của người khác. Tất cả các nhà mốt đều đã từng đến và mời tôi thiết kế những thứ trong bộ sưu tập (BST) của tôi bây giờ. Nhưng tôi từ chối. Cậu ấy là người duy nhất đã mang đến điều gì đó khác biệt.” – Bali chia sẻ.
Ban đầu, Dumas giao cho Bali thiết kế khăn quàng để trình bày trước cha mình Jean-Louis Dumas, vị chủ tịch kiêm giám đốc nghệ thuật tài năng và đầy nhiệt huyết của Hermès (ông nghỉ hưu năm 2006 và qua đời năm 2010). “Ngay trước buổi họp, Pierre-Alexis kéo tôi sang một bên và nhắc: “Cha tôi có thể rất nghiêm khắc. Nếu ông ấy không nói gì nghĩa là ông không thích nó”. Và rồi tôi bắt đầu, nói, nói và nói. Hoàn toàn im lặng. Tôi đinh ninh “Thôi xong rồi…”, nhưng cũng nhận ra mình chẳng có gì để mất.” Bali quyết định tiếp tục với những câu nói hài hước, đùa vui với ngài chủ tịch, đánh tan bầu không khí căng thẳng. Và chỉ một lúc sau, “ông ấy bắt đầu cười và nói “Tôi thích dự án này”.”
Một BST rồi vài BST, cứ thế, Bali mang tài năng của mình đặt vào Hermès. “Những tác phẩm đầu tiên tôi làm cho thương hiệu này đều hoàn toàn mới lạ. Tôi thiết kế một chiếc khăn với những lỗ nhỏ cắt bằng lazer. Một vài người ở đây nói rằng tôi là người duy nhất đục mấy cái lỗ vớ vẩn trên những chiếc khăn Hermès. Đây không phải là một cách tân quá khác biệt, nhưng với Hermès thì lại là cả một sự thay đổi lớn. Pierre-Alexis và Jean-Louis đều ủng hộ tôi.”
Khi Jean-Louis nghỉ hưu và Pierre-Alexis thay thế ông, Bali được giao chỉ đạo nghệ thuật cho dự án đồ lụa phụ nữ với sự giúp đỡ của rất nhiều các nghệ sĩ có thâm niên và danh tiếng. “Gia đình Dumas có mối quan hệ rất rộng – nhà trưng bày, nhà thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ.” Những chiếc khăn Hermès ra đời không chỉ nhờ khả năng tưởng tượng tuyệt vời của NTK Nhật Bản Comme des Garçons’ Rei Kawabuko, mà còn cả nhân viên đưa thư ở Waco (Texas) Kermit Oliver, cùng hàng trăm các họa sĩ khác. Vài người trong số họ đã hợp tác với thương hiệu đình đám này trong nhiều thập kỷ.
Nhãn hiệu riêng của Bali hoạt động cho đến năm 2009, khi bà chấm dứt hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm Bali được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo phụ trách mảng đồ nữ tại Hermès. Cùng với lụa, bà cũng quản lý cả những sản phẩm bằng da (giầy dép, túi xách, thắt lưng, găng tay…) hay các loại trang sức, nước hoa, mũ, đồng hồ… Đồng hành với bà là Pierre Hardy, người đã thiết kế giầy cho Hermès từ năm 1990, nay phụ trách mảng trang sức và Christophe Lemaire với đồ RTW, cựu giám đốc sáng tạo gần 10 năm tại Lacoste.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, Bali cống hiến tài năng của mình cho Hermès, góp phần tạo nên những thành công trong kinh doanh của hãng như hôm nay. Tuy nhiên, lý do chính khiến bà có thể gắn bó với Hermès lại là việc không phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề cái gì sẽ được bán và cái gì thì không. “Tôi không nghĩ về nó. Thật sai lầm khi cứ trăn trở về điều này. Chúng tôi có cơ hội làm việc trong một môi trường thực sự sáng tạo. Các NTK được tự do thiết kế những gì họ muốn, mặc dù đôi khi cũng khá rủi ro. Hãy là những người mạnh dạn là điều duy nhất Pierre-Alexis muốn ở chúng tôi: “Đừng để tâm nếu chúng có vẻ điên rồ, tôi cần những tài năng”. Cậu ấy đánh giá cao những ý tưởng kỳ lạ và nhạy cảm.”
Bali đã tóm gọn triết lý hoạt động của hãng chỉ trong ba từ: “Sáng tạo, sáng tạo, sáng tạo.”
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Hermès và các doanh nghiệp khác, Bali chia sẻ: “Không chỉ là một công ty lớn, Hermès còn là một gia đình, bởi chúng tôi cùng nói tiếng Pháp. Mọi thứ có thể được trao đổi ở hành lang mà không phải trong một cuộc họp…dễ dàng và trực quan. Tôi nghĩ sự trực quan là một trong những thế mạnh của Hermès.”
Với Bali, dường như nguồn năng lượng và nhiệt huyết dành cho công việc trong con người bà là vô tận. Điều này có thể giải thích tại sao bà làm việc tốt đến thế tại Hermès – thương hiệu luôn tự hào về chất lượng sản phẩm của mình. Bali Barret thực sự là “báu vật giấu kín” của Hermès, là nguồn nội lực, sức mạnh và điểm tựa quan trọng để nhà mốt huyền thoại có thể bật cao và xa hơn nữa.
Thu Hằng