LuxeVN đã có buổi phỏng vấn ông Eduardo Tartalo, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Piaget nhân dịp hãng chính thức mở boutique tại Hà Nội. Piaget đã chia sẻ về quan điểm của thương hiệu đối với sự phát triển và những bước đi của hãng trên thị trường Việt Nam.
Qua những sản phẩm của hãng trưng bày nhân sự kiện chính thức khai trương cửa hàng tại Việt Nam, có phải Piaget đang khá nghiêng về các sản phẩm dành cho nữ?
Eduardo Tartalo: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Đúng là các sản phẩm trưng bày tại đây có phần nhiều hơn cho phụ nữ. Nhưng bạn thấy đấy, chúng tôi vẫn có những sản phẩm dành cho nam, chúng rất lịch thiệp, đẹp và theo đúng châm ngôn của hãng “Sunny side of life” – tạm dịch: Mảng tươi sáng của cuộc sống. Và thật ra, chúng tôi không thích cách phân biệt một sản phẩm dành cho nữ hay nam – Điều chúng tôi muốn mang tới là sự lịch thiệp và tinh tế dành cho cả hai phái.
Hiện tại thị trường đồng hồ tại Việt Nam đang phát triển. Giới sưu tập cũng rất quan tâm tới những chiếc đồng hồ đặc biệt và Piaget cũng có nhiều sản phẩm đáng chú ý trên thị trường này. Ông có thể cho biết hãng cạnh tranh thế nào với các thương hiệu đồng hồ khác trên thị trường?
– Bạn biết đấy Piaget có nhiều sản phẩm đồng hồ xuất sắc, chúng tôi đã sản xuất ra những bộ máy đồng hồ mỏng nhất thế giới được kỷ lục Guiness. Chúng tôi có nhà sản xuất, những chuyên gia về kỹ thuật có thể sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh tốt với Vacheron hoặc Patek… Chúng tôi có minute repeater, tourbillon, high complication… Chúng không xuất hiện trong hôm nay. Vì với buổi giới thiệu đầu tiên tới thị trường Việt Nam vì chúng tôi muốn quay về những giá trị cơ bản nhất của Piaget.
Vậy với thị trường đồng hồ dành riêng cho nam?
– Trong mảng thị trường dành cho nam, “cuộc chiến” của chúng tôi không phải về mặt kỹ thuật mà ở mặt trải nghiệm. Thông qua DNA của hãng chúng tôi giới thiệu tới các quý ông sự lịch thiệp… Nếu đặt sản phẩm của Piaget cạnh một chiếc Patek Philippe, chúng tôi sẽ để họ thắng về mặt kỹ thuật nhưng về mặt lịch thiệp, về những chi tiết tinh tế chúng tôi sẽ có rất nhiều cơ hội để chiến thắng họ.
Như vậy, hãng sẽ cạnh tranh với những thương hiệu khác ở thiết kế và độ hoàn thiện của sản phẩm?
– Bạn có thể thấy trên chiếc đồng hồ những đường nét được chau chuốt tinh tế, những chi tiết nhỏ nhất như nước xanh của kim loại khi nung (ở kim và những mấu khắc chỉ giờ trên mặt đồng hồ) đều được hoàn thiện kỹ lưỡng sao cho chúng đạt đến độ hoàn hảo nhất… Mỗi sản phẩm của chúng tôi từ khâu phác thảo tới hoàn thiện đều được kiểm soát nghiêm ngặt và chặt chẽ sao cho chúng có thể biến thành một tác phẩm nghệ thuật (piece of art).
Vậy, ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam và Piaget định vị thương hiệu của mình như thế nào trên thị trường?
– Tôi chưa thể cho một con số cụ thể nhưng ví dụ về riêng thị trường trang sức thì hiện tại mới chỉ có 10% thị trường toàn cầu là hàng hóa có thương hiệu (branded) còn lại 90% là chưa có thương hiệu (non-branded). Vì thế, đây là một thị trường rất tiềm năng.
Hãng có chiến lược gì khác so với các thị trường như châu Âu, Trung Quốc hay Đông Nam Á nói chung?
– Về chiến lược trên các thị trường, về thực tế mọi khách hàng đều có thể biết tới chúng tôi thông qua internet. Các thương hiệu cũng không còn mang tính địa phương mà mang tính toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi không phân biệt thị trường châu Á, châu Âu hay Trung Quốc… Piaget hiện nay là một thương hiệu toàn cầu, chúng tôi đang nghĩ mình sẽ phát triển như nhau ở mọi nơi – Một thị trường mang tính toàn cầu…
Còn một vấn đề ở thị trường Việt Nam đó là thị trường xám, mọi người có thể mua một sản phẩm của chính Piaget tại một nước nào đó rồi bán lại tại thị trường Việt Nam, hãng có chính sách nào chống lại hiện tượng này không? Và về mặt bảo hành các sản phẩm này thế nào?
– Piaget và Richemont vẫn tìm cách để đối phó với vấn đề này nhưng bạn biết đấy đây là một vấn đề xảy ra trên toàn cầu. Đó có thể là một sản phẩm biếu, tặng… Vì vậy, rất khó để xử lý vấn đề. Còn với các sản phẩm, Piaget có chế độ bảo hành toàn cầu vì vậy nếu đúng là sản phẩm của Piaget sẽ nhận được chế độ chăm sóc như nhau trên toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!