LuxeVN – Theo những dữ liệu mới được Euromonitor đưa ra, mặc dù tốc độ tăng trưởng của thị trường xa xỉ toàn cầu năm nay vẫn đang chậm nhưng các tín hiệu cho thấy sự khả quan trong tương lai gần.
Có thể tổng hợp bản báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở chính tại Anh quốc với 5 điểm nổi bật sau:
– Mỹ vẫn là thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới. Doanh thu của các thương hiệu cao cấp tại Mỹ năm 2014 là 78 tỉ USD. Con số này gấp đôi thị trường đứng thứ hai là Nhật Bản.
– Ấn Độ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất hiện nay với giá trị thị trường thực tăng 92% trong 5 năm qua.
– Trung Quốc tụt hạng từ vị trí số 3 xuống 4 trong xếp hạng chung toàn cầu về thị trường xa xỉ. Sự sụt giảm đó được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của quốc gia này cũng như các chính sách thắt chặt của chính quyền về tham nhũng và biếu xén quà cáp đắt tiền cho quan chức.
– Mặt hàng thời trang thiết kế riêng được ưa chuộng nhất trên thị trường xa xỉ năm 2014 nhưng các món phụ tùng cao cấp, trang sức và đồng hồ cũng là những loại sản phẩm tăng trưởng tốt với tốc độ 43% và 25% trong 5 năm tính tới năm 2014.
– Viễn cảnh của thị trường xa xỉ được đánh giá là khả quan với dự đoán con số doanh thu toàn cầu ước tính 405 triệu USD tới năm 2019.
Là thị trường xa xỉ tiềm năng nhất hiện nay, những dữ liệu về thị trường châu Á được đặc biệt quan tâm trong bản báo cáo này. Sự chững lại của thị trường Trung Quốc khiến tăng trưởng chung của châu lục này bị ảnh hưởng đáng kể. Mặc dù vậy, thị trường Nhật Bản đang khởi sắc trở lại nhờ những điều chỉnh về chính sách tiền tệ của chính phủ. Trong khi đó, mặc dù chưa thực sự mạnh nhưng một số nước Đông Nam Á và Châu Phi hạ Sahara cũng đang có những dấu hiệu khả quan nhờ sự thúc đẩy chi tiêu của nhóm thu nhập cao tại các quốc gia này.
Mặc dù vượt xa các thị trường khác trên toàn cầu về doanh thu hàng hiệu nhưng thực tế trong khoảng nửa năm qua, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ hàng hiệu tại Mỹ có dấu hiệu chậm lại. Điều này khiến cho rất nhiều thương hiệu cao cấp đặt câu hỏi về chiến lược của họ với Trung Quốc và các thị trường đang lên khác.
Tuy nhiên, gần như tất cả các thị trường đang lên đang phải trải qua một quá trình cấu trúc lại và hệ quả là tầng lớn trung lưu đang lên – động cơ quan trọng của sự tăng trưởng của công nghiệp xa xỉ hơn 1 thập niên qua – đang mất đi một phần sức lôi cuốn. Chính vì thế giới phân tích cho rằng sẽ có những hiệu ứng domino bất lợi với các thương hiệu xa xỉ toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo của Euromonitor cũng như đánh giá của giới phân tích vẫn kỳ vọng thị trường hàng hiệu sẽ bùng nổ trong 5 năm tới khi mà cơn khủng hoảng chung toàn cầu đã thực sự kết thúc, các quốc gia trở về giai đoạn đi lên của biểu đồ tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế con số 405 triệu USD doanh thu tới thời điểm 2019 được cho là không quá viển vông.
Thuỷ Hiền