LuxeVN – Nghệ sỹ Sabine Pearlman đến Thũy Sĩ với một “nhiệm vụ” đặc biệt: Cô ở đó để chụp lại lát cắt dọc của 900 viên đạn nhằm phơi bày “nội tâm ẩn giấu” bên trong thứ vũ khí hủy diệt phổ biến và nguy hiểm nhất từng được tạo ra.
Sabine không đưa vào tác phẩm “Ammo” bất kỳ các thông số kỹ thuật nào ngay cả tên của từng loại đạn dược và mục đích sử dụng của chúng. “Tôi muốn đặt chúng bên ngoài những chi tiết, mục đích kỹ thuật để tạo nên sự tò mò cho người xem và họ sẽ tự đánh giá chúng theo nhiều cách khác nhau, có những người am hiểu đạn dược nhưng những người khác chỉ có thể nhìn ngắm, quan sát những thành phần tạo nên một viên đạn”, Sabine nói.
Tất cả số đạn cô dùng cho “Ammo” nằm trong một bộ sưu tập cá nhân. Phần lớn được lưu trữ trong một boong ke từ thời Chiến tranh Thế giới II và được sưu tầm bởi một chuyên gia về đạn dược. Sabine khuyến cáo: “Đầu tiên phải vô hiệu hóa để chúng khỏi nổ, đó là kỹ thuật rất phức tạp do đó không ai nên thử ở nhà cả”.
Sau khi bị vô hiệu, mỗi viên đạn được cắt lát thành hai nửa. Nghe có vẻ dễ như bạn cắt bánh mì ăn sáng nhưng thực tế điều này đòi hỏi kỹ thuật cơ khí rất cao. Mỗi viên đạn thường chỉ có thể dùng được một nửa mặt cắt vì sau khi cắt xong, nửa còn lại khó có thể giữ được cấu tạo nguyên thủy. Một quá trình “hậu phẫu” tỉ mỉ với kính phóng đại và nhíp để gắp những phần nguyên vẹn từ nửa này sang nửa kia, loại bỏ những thành phần cấu tạo hỏng.
Mỗi viên đạn Sabine chụp là một loại khác nhau. Loại thì được sử dụng cho những buổi đi săn; số khác thì dùng trong chiến tranh, để xuyên thủng áo giáp đối phương hoặc để bắn máy bay. Có loại dành riêng cho bảo vệ an ninh trên những chuyến bay, các viên đạn sẽ gây thương tích trên cơ thể người nhưng không đủ sức xuyên qua phần khung vỏ của máy bay.
Nguyên lý cơ bạn của súng là khi bạn bóp cò, hệ thống búa sẽ đánh mạnh vào phần đáy của viên đạn, kích hoạt để viên đạn lao vào không khí. Sabine Pearlman đã chụp lại những sự thay đổi khác nhau, phụ thuộc vào việc người ta đặt những gì bên trong mỗi viên đạn: những viên bi nhỏ, những mũi tên nhằm xuyên qua áo giáp hay những viên đạn chì. Bên dưới lớp vỏ đạn là hệ thống phóng chủ yếu gồm bột thuốc súng và kíp nổ.
Sabine Pearlman nói rằng cô đã bị những viên đạn chiếm toàn bộ tâm trí mỗi khi ngắm nhìn chúng. Cô tập hợp từng nhóm, đặt chúng cạnh nhau trên nền phông trắng tinh để chỉ ra rõ nhất sự khác biệt và dẫn nhập những nhận thức phong phú về thành phần cấu tạo của chúng: “Tôi không muốn chúng trở thành những giáo cụ sách vở, tôi chỉ muốn thể hiện chúng trong tính đơn giản và sự cân bằng mỹ học”.
Nghệ sĩ cho biết những bức ảnh của cô không nhằm mục đích gợi lên những thảm kịch chiến tranh trong suốt lịch sử nhân loại: “Tôi nghĩ Ammo là tác phẩm có chủ đề phản đối chiến tranh”. Một vài loại đạn được nhiếp ảnh gia này chụp đã bị cấm sử dụng trong chiến đấu vì tính sát thương quá lớn.
Sabine Pearlman là một nhiếp ảnh gia người Áo, hiện cô sống và làm việc tại Los Angeles, Mĩ. Cô đã nhận các giải thưởng: SMC Global Citizenship Award 2011, SMC Photography Excellence Award 2011, Lens Culture Emerging Photographer Award 2013.
Bình Đặng | Theo National Geography | Ảnh: Sabine Pearlman