LuxeVN – 128 bản vẽ gốc bộ truyện “Chú Thoòng” của tác giả Vương Trạch cùng những hoạt động thể hiện niềm yêu thích với bộ truyện hài hước này là nội dung của triển lãm “Chú Thoòng: Cái @#$% đang diễn ra vậy? – Những bản vẽ gốc của Vương Trạch”.
Từ ngày 9.8 – 29.9.2014, triển lãm “Chú Thoòng: Cái @#$% đang diễn ra vậy? – Những bản vẽ gốc của Vương Trạch” sẽ được tổ chức tại phòng trưng bày Sotheby’s Hồng Kông. 128 bản vẽ gốc dạng 4-6 khung truyện của tác phẩm “Chú Thoòng”, cũng như các ảnh bìa được vẽ bởi Vương Trạch (tên thật là Vương Gia Hy) – tác giả bộ truyện, sẽ được giới thiệu đến người hâm mộ.
Bộ truyện “Chú Thoòng” được sáng tác từ khoảng những năm 1960 đến những năm 1980. 27 tập truyện là cái nhìn chân thực về xã hội, văn hóa và sự phát triển công nghệ ở Hồng Kông, cũng như những triết lý riêng của tác giả họ Vương về cuộc sống và tình yêu.
Truyện tập trung miêu tả đời sống nhân vật chú Thoòng – một người có tuổi, bảo thủ và không hòa nhập với thời đại. Mọi tình tiết truyện diễn ra trong bối cảnh xã hội Hồng Kông đang đổi mới từng ngày, nhưng chú Thoòng đi đâu cũng chỉ mặc bộ đồ truyền thống Trung Quốc và giữ những tính cách cổ hủ. Chính sự lạc lõng này dẫn đến bệnh hoang tưởng, khiến chú Thoòng vừa là một nhân vật cách biệt với đời, vừa mang nhiều tính cách đặc trưng của người dân Trung Quốc thời điểm đó.
Mối liên hệ giữa các nhân vật trong truyện được Vương Trạch miêu tả một cách đa dạng. Chú Thoòng cổ hủ có tình yêu ỡm ờ với cô Trần, một cô gái đỏm dáng, hợp thời. Tuy nhiên, chú gặp phải tình địch đó là lão Triệu, một người đàn ông giàu có, kiêu ngạo và hay chơi xỏ mình. Ở tập 23, chú Thoòng gặp thêm kẻ thù thứ hai hay chơi xỏ mình là ông Tròn, một gã béo lùn, đầu hói. Bên cạnh chú luôn có hai người bạn thân thiết là Lý Toét – anh chàng tốt bụng nhưng bàng quan, và Xã Xệ – một gã béo khờ khạo tới mức hài hước. Những nhân vật này và nhóm nhân vật phụ – những con vật luôn xuất hiện quanh cuộc đời chú Thoòng đã tạo ra những tình huống vui nhộn, “cười ra nước mắt”.
Tác giả Vương Gia Hy từng theo học chuyên ngành Mỹ thuật Phương Tây tại Đại học Phụ Nhân, Bắc Kinh. Ông chuyển đến Hồng Kông vào năm 1956. Tại đây, ông vẽ tranh tôn giáo cho những người truyền đạo Pháp và vẽ minh họa dài tập cho tạp chí Thiên chúa giáo “Lạc Phong báo” trong gần một thập kỷ. Vào đầu những năm 1960, Vương Gia Hy bắt đầu vẽ loạt truyện Chú Thoòng, với bút danh là tên tiếng Trung của người con trai út: Wong Chak (Joseph Wong) – Vương Trạch.
Sotheby’s Hồng Kông đã phối hợp với Joseph Wong và cộng đồng người hâm mộ Chú Thoòng tổ chức sự kiện trưng bày này. Triển lãm sẽ bao gồm màn hóa trang kỹ thuật số tương tác mang tên: “Yêu Chú Thoòng theo cách của riêng bạn” – do Live Communication thực hiện, sẽ biến những vị khách tham dự trở thành nhân vật trong truyện. Ở phần mở màn, Sotheby’s sẽ tổ chức một cuộc thảo luận với các vị khách mời là Joseph Wong, nhà phê bình nghệ thuật và nhà văn Evelyn Char, nhà sưu tầm và chủ tịch Para-Site Art Space, Alan Lau Ka Ming, cũng như chuyên gia nghệ thuật truyện tranh Yeung Wai Pong.
Nghệ sĩ Domting cũng sẽ mang đến một không khí âm nhạc thịnh hành thời những năm 1960 đến 1970 nhưng với tiết tấu hiện đại. Nhà tổ chức hi vọng, buổi triển lãm sẽ giúp độc giả hiểu hơn về công việc của Vương Gia Hy và tầm quan trọng của truyện tranh, vị trí của chúng trong văn hóa hội họa.
Hạnh Nguyễn