LuxeVN – Thuở xa xưa tại Ấn Độ, tất cả những nghi thức thể hiện uy quyền của hoàng tộc hay sức mạnh của tôn giáo, dù là Hindu hay Đạo Hồi, đều được thực thi trên lưng của những người bạn khổng lồ.
Những ông vua Ấn luôn xuất hiện rực rỡ bên cạnh những chú voi được bọc vàng, bạc quanh ngà và khoác lên thân thể chúng những tấm vải lụa hay nhung. Nhưng ngày nay những vị khách du lịch, đối tượng mang lại lợi ích kinh tế lớn, chính là “vua” ở quốc gia này. Bởi vậy, lễ hội voi ở Jaipur, Rajasthan được mở ra với các trò chơi thể thao và cả cuộc thi sắc đẹp dành cho các chú voi.
Những du khách đến thành phố trong dịp lễ này ngoài việc tham quan cung điện Amber màu hổ phách nổi tiếng thế giới (Amber Palace) còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động thú vị cùng với những chú voi được trang hoàng bằng những bộ cánh đẹp nhất. Mùa xuân năm nay, nhiếp ảnh gia Charles Freger đã đến Jaipur để chụp lại sự lộng lẫy của những chú voi, được trang điểm bằng màu vẽ, phụ kiện và những bộ trang phục sặc sỡ. Ông hoàn toàn bị cuốn hút bởi một ý nghĩ luôn quẩn quanh trong đầu: ở đất nước này loài voi được thần thánh hóa nhưng cũng lắm lúc bị lợi dụng.
“Loài voi được thần thánh hóa nhưng cũng lắm lúc bị lợi dụng.”
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Ấn Độ người Anh, Rachel Dwyer, nói rằng: “Voi trong lịch sử được người dân Ấn coi là con vật linh thiêng vì chúng mang lại sự giúp đỡ to lớn và bảo vệ họ. Số lượng voi ở đất nước này lớn hơn nhiều lần những khu vực khác thuộc Châu Á. Vị thần mình người đầu voi Ganesh vẫn được thờ phụng đến tận ngày nay nhằm đáp ứng những ước nguyện xua đi khó khăn, cản trở trong cuộc sống tinh thần vật chất.” Ở Ấn Độ, những người phụ nữ được coi là đẹp khi họ có những bước đi giống với dáng di chuyển của loài vật có vú khổng lồ.
Nhưng hiện nay loài vật thông minh này đang phải đối mặt với một tương lai mù mịt. Ước tính khoảng 3.500 đến 4.000 con voi đang bị giam cầm và theo Ganguly, một thành viên cũ thuộc hiệp hội “India’s Task Force on Elephant” cho biết: hầu hết chúng bị buôn bán trái phép trong môi trường hoang dã bất chấp những bước tiến trong việc cải thiện sự bảo vệ và chăm sóc.
Những chú voi may mắn được chụp hình trong dự án nhiếp ảnh này hiện đang ngụ ở ngôi làng Hathi Gaon ngay gần cung điện nổi tiếng Amber, đây là khu vực được thiết kế với những điều kiện đặc thù dành riêng cho chúng bên cạnh những người quản tượng. Rào cao được dựng lên che chở cho những con vật cùng với đầm hồ được làm dành cho thú vui ngâm mình của chúng.
Truyền thống sẽ không còn ý nghĩa nếu voi phải tiếp tục chịu đựng tình trạng ngược đãi và tuyệt chủng, tất cả nhưng người dân Ấn Độ có văn hóa đều yêu quý, tôn trọng và dành hết sự tận tâm của mình cho chúng.
Charles Freger là một nhiếp ảnh gia người Pháp sinh năm 1975. Ông chủ yếu tập trung vào các đề tài nhân chủng học với các nhóm đối tượng xã hội phong phú từ vận động viên, học sinh, những người lính… Các tác phẩm của ông luôn đề cao tính thẩm mỹ, sự bạo dạn trong phong cách, dũng cảm chạm tới những vấn đề mà con người phải đối mặt. Năm 2013 được coi là một năm bận rộn với Freger vì cùng lúc ông thực hiện những dự án cá nhân tầm vóc, bên cạnh dự án về chân dung của những chú voi. Hiện nay, ông đang tiếp tục thực hiện series hình ảnh về trang phục thổ dân trên toàn thế giới.
BinhDang|Theo: National Geography Magazine