LuxeVN – Nhà Bonhams mới công bố mức giá mà bức bình phong Bát tiên quý hiếm  đạt được trong phiên đấu giá hôm 15.5.2014.

Đây là món đồ nổi bật trong buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc được tổ chức cách đây nửa tháng. Tuy nhiên kết quả đấu giá của bức bình phong mới được công bố cách đây vài ngày: 782.500 bảng Anh (gần 28 tỷ đồng), thấp hơn mức giá dự kiến ban đầu là 800.000 – 1,2 triệu bảng Anh.

Binh-phong-28-ty-dong-fBức bình phong từng được sử dụng như phông nền phía sau ngai vàng để biểu tượng cho uy quyền và thế lực của hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh (khoảng từ 1796 – 1920). Nó được làm từ những vật liệu cao cấp và quý hiếm: gỗ tử đàn (zitan), quặng chu sa (cinnabar), đá và gốm sứ… Trong đó, vật liệu đáng chú ý nhất phải kể đến là gỗ huỳnh đàn (Hoàng Hoa Lý – huanghuali). Đây là một trong những loại gỗ cận nhiệt đới tốt và đắt giá nhất, được khai thác trên đảo Hải Nam và sử dụng bắt đầu từ thời nhà Minh.

Toàn bộ bức bình phong cao 175cm, rộng 383cm, được ghép từ 12 tấm, dựng trên bệ gỗ huỳnh đàn vững chắc. Khung gỗ được chạm trổ công phu với những họa tiết hoa lá cách điệu lồng ghép. Trên mỗi tấm gỗ là 5 bức tranh sứ men phấn thái (fencai/famille rose).

Binh-phong-28-ty-dong-tranh-tren-cung

Hai bức tranh chữ nhật nhỏ nằm ngang trên cùng và dưới đáy mỗi khung gỗ được trang trí hình dơi cùng một chùm đào và hoa sen. Họa tiết hoa sen trên nền màu ngọc lam được sử dụng làm đường viền quanh bức tranh. Có thể thấy chi tiết này được ứng dụng rất nhiều trong việc trang trí bức bình phong.

Các bức tranh lớn nhất nằm chính giữa khung gỗ vẽ cảnh các tích cổ, Bát tiên. Hình ảnh các vị thần tiên hòa hợp giữa khung cảnh thiên nhiên với hoa lá, cây cỏ, tre trúc…

Binh-phong-28-ty-dong-tranh-duoi

Bức tranh chữ nhật nằm ngang phía dưới bức tranh chính vẽ hình hai con rồng đang châu đầu vào mặt trời, móng vuốt túm lấy một cành sen. Viền tranh là họa tiết hoa sen trên nền màu hồng.

Binh-phong-28-ty-dong-tranh-vuong

Dưới mỗi bức tranh “song long” là các bức tranh hình vuông. 12 bức tranh vuông ở mỗi tấm gỗ tượng trưng cho 12 tháng, với một đôi chim (chim cút, chim trĩ hoặc chim ác) và loài hoa đặc trưng. Các loài hoa gồm có: mẫu đơn, sen, cúc, trà, mận, mơ, anh túc, hồng, bìm bìm, mai, thạch thảo, nam thiên trúc. Mỗi loại hoa vừa tượng trưng cho một tháng, vừa mang những ý nghĩa nhất định về may mắn, thịnh vượng hay hạnh phúc…

Ngoài việc được chế tác bằng các phương pháp thủ công mỹ nghệ công phu từ những vật liệu quý, giá trị của tấm bình phong còn nằm ở các bức tranh sứ trên mỗi tấm gỗ. 12 bức tranh chính là 12 câu chuyện được kể bằng những hình ảnh sinh động, đẹp mắt.

Binh-phong-28-ty-dong-1Bức tranh thứ nhất (ảnh bên) mô tả điển tích Vẽ rồng thêm mắt, kể câu chuyện về họa sĩ Trương Tăng Dụ (480-549) nổi tiếng chuyên vẽ rồng. Một lần, có người hỏi ông tại sao không vẽ con ngươi trong mắt rồng. Họa sĩ đáp rằng, nếu có con ngươi, rồng trong tranh sẽ được truyền sự sống và hóa thành rồng thật. Để chứng minh cho điều mình nói, họa sĩ chấm một nốt đen vào đôi mắt trắng. Con rồng trong tranh lập tức cựa mình chuyển động rồi bay lên trời.

Bức tranh thứ hai vẽ hai vị trong Bát Tiên là Lý Thiết Quải và Tào Quốc Cữu cùng với Tây Vương Mẫu đang ngồi trên lưng phượng hoàng bay trên trời. Lý Thiết Quải đang cưỡi sóng trên một quả hồ lô. Tào Quốc Cữu tay cầm phách, đứng trên lưng một con tôm khổng lồ. Hai vị đang trên đường vượt biển đến Tiệc đào tiên của Tây Vương Mẫu.

Tấm thứ ba có hình Thọ lão cầm quả đào trường sinh và cây gậy treo quả hồ lô. Bên trong hồ lô là thuốc trường sinh. Thọ lão đang đùa vui với một bé trai. Một đứa bé khác đang chơi với con hươu của Thọ lão – cũng là một biểu tượng cho sự bất tử.

Tấm thứ tư mô tả hai vị tiên khác, Lã Động Tân đeo thanh kiếm dùng để xua đuổi tà ma, ngồi trên chiếc bè cùng Hà Tiên Cô đang đứng. Phía sau hai vị tiên là một học trò với tiểu đồng theo hầu.

Tấm thứ năm vẽ hình Lý Thiết Quải đang dùng phép tiên chữa bệnh và cứu đói người già và người bệnh. Phía xa có nhà hiền triết đang ngắm một con dơi – biểu tượng của may mắn, tốt lành.

Tấm thứ sáu minh họa 3 vị tiên: Lã Động Tân cưỡi mây, tay cầm cây phất trần. Thọ lão một tay cầm quả đào, một tay cầm cây gậy treo quả hồ lô. Vị còn lại là Trương Quả Lão.

Tấm thứ bảy ứng với hình 7 tiên nữ – các cô con gái của Ngọc Hoàng. Nàng tiên út đang đi tìm dụng cụ dệt vải và áo lông bị mất. Không có chiếc áo lông thì nàng không thể bay về Thiên đình.

Tấm thứ tám là hình Trương Quả Lão cưỡi ngược con lừa trắng vượt sông. Một cậu tiểu đồng theo hầu, vác trên vai ngư cổ – cái trống bằng tre hình trụ có hai dùi sắt – dùng để xua đuổi tà ma. Một tiểu đồng khác đang đưa cho vị hiền triết bình rượu thuốc của Trương Quả Lão.

Tấm thứ chín đề cập đến tiền tài và sức khỏe. Hán Chung Li cầm quạt, đứng trên lưng con cóc ba chân của Lữ Hải. Lữ Hải nối với con cóc bởi làn hơi bay ra từ miệng nó, đang giơ dây tiền vàng để dỗ dành con cóc. Vị tiên mang giỏ hoa bằng tre và vác cuốc làm vườn, đứng trên lưng con cá là Lam Thái Hòa. Phía xa còn có Thọ lão cầm một cành đào.

Tấm thứ mười mô tả Phúc lão đang bế một đứa bé rướn người về cây trượng của Lộc lão. Cảnh đằng sau là hai người đàn ông đang viết lên vách đá. Bức họa tượng trưng cho ước muốn có được may mắn, tiền tài, danh vọng.

Tấm thứ mười một minh họa Hàn Tương Tử vừa thổi sáo vừa băng qua mặt biển trên lưng cua, đến với Tiệc đào tiên của Tây Vương Mẫu.

Tấm cuối cùng vẽ Trương Đạo Lăng – vị sư tổ của một giáo phái trong Đạo giáo. Con hổ là vật cưỡi của Trương Đạo Lăng, hình tượng của nó thường được dùng như một thứ bùa hộ mệnh… để chống lại ma quỉ

(Xem các hình ảnh chi tiết tại trang tiếp theo)

1 2 3