LuxeVN – Việc sưu tầm nghệ thuật đòi hỏi sự nhận thức và nền tảng hiểu biết sâu rộng. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia trong lĩnh vực này.
“Mua thứ mình thích” được xem là nguyên tắc đầu tiên nếu ai đó có ý định chi tiền mua đồ nghệ thuật. Tuy vậy, nên làm thế nào nếu người mua cũng không biết mình thích gì? Bắt đầu xây dựng một bộ sưu tập nghệ thuật từ con số không là một viễn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở thị trường nghệ thuật châu Á, nơi số người giàu có đang tăng đều.
“Ở Trung Quốc, do Cách mạng văn hóa, nên không có những người sở hữu các bộ sưu tập qua nhiều thế hệ như ở châu Âu. Văn hóa “mua nghệ thuật” là một hiện tượng mới xuất hiện gần đây” – ông John Truong, chủ phòng tranh Wellington tại Hồng Kông cho hay. “Nhưng, những nhà sưu tập mới vẫn luôn thích người khác nhìn mình với suy nghĩ: Ồ! họ đang có một bộ sưu tập đặc biệt dựa trên lựa chọn tinh tế của mình”.
Các nhà sưu tập mới vào nghề thường rất sợ vớ phải đồ giả, đồ nhái, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Các chuyên gia đánh giá rằng chỉ 1/5 các món đồ xuất hiện tại các buổi đấu giá Trung Hoa và chợ nghệ thuật là thật. Mới năm ngoái, viện bảo tàng Jibaozhai tại tỉnh Hà Bắc bị buộc phải đóng cửa sau khi có thông tin nói rằng bộ sưu tập gồm 40.000 cổ vật được trưng bày tại đây hầu hết là giả.
“Vấn đề số một của thị trường châu Á là phải xây dựng được lòng tin với khách hàng”, ông Sebastiano Cossia Castiglioni, người sáng lập hãng chuyên tư vấn nghệ thuật Opteres Art Advisory nói. Opteres đặt trụ sở ở Dubai, nhưng mới đây hãng này đã mở văn phòng đại diện tại Hồng Kông. “Có một số người giàu châu Á muốn trở thành nhà sưu tập nghệ thuật, song họ rất sợ đồ giả và chẳng biết phải làm thế nào.”
Cách tốt nhất để tránh bị gian lận là tiếp cận những cái tên nổi tiếng trong giới nghệ thuật và tránh xa các nhà đấu giá nhỏ hoặc những tay môi giới vô danh, ông Benjamin Sigg, đối tác chủ quản của công ty tư vấn Art6 tại Hồng Kông nói. “Một phần quan trọng trong đầu tư nghệ thuật là phải đảm bảo được xuất xứ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải có giấy tờ chứng thực đi kèm. Bám sát lấy những người môi giới mà người mua tin tưởng và đặc biệt chú ý không mua đồ nghệ thuật qua mạng internet hoặc từ các nhà đấu giá nhỏ, vô danh.”
Như vậy, sau khi đã chọn được nhà môi giới nghệ thuật đáng tin cẩn, anh nên mua gì? Ông James Butterwick, một cố vấn nghệ thuật tại tập đoàn Oracle Capital Group cho rằng các tỷ phú rất cần trợ giúp từ phía nghệ sĩ cho các bộ sưu tập. “Trường hợp những bức tranh, nhóm họa sĩ được xem trọng nhất chính là những nghệ sĩ xuất hiện trong giai đoạn đầu của thế kỷ 20 như Piccaso, Monet, Renoir, Van Gogh. Ông James khuyến cáo rằng sưu tập nghệ thuật là thứ thú vui tốn tiền. “Anh sẽ không kiếm được bức Picasso nào bán ở một cửa hàng nhỏ tại London với giá 500 bảng Anh (khoảng 18 triệu đồng – ND). Nếu đầu tư vào tranh của Picasso hay Monet, phải chấp nhận rằng giá tranh của hai họa sĩ này không bao giờ thấp.”
Cô Katie de Tily, chủ một phòng tranh tại Hồng Kông tin rằng một bộ sưu tập nghệ thuật cần phải trộn lẫn các tác phẩm cổ điển với nhóm tác phẩm của những nghệ sĩ mới nổi và có tiềm năng để đầu tư.
“Ở châu Á, chúng tôi có cơ hội lớn để mua tác phẩm của những tác giả đương đại, những người thường bị đánh giá thấp hơn so với những tên tuổi cùng thời tại phương Tây. Tên tuổi của nhóm nghệ sĩ đương đại tuy chưa đủ tầm để trở thành thương hiệu nghệ thuật, nhưng họ đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ phía các bảo tàng hoặc các sinh hoạt nghệ thuật Biennale (một thuật ngữ rất phổ biến trong giới mỹ thuật quốc tế, chỉ hoạt động triển lãm và giao lưu mỹ thuật được tổ chức định kỳ). Hai họa sĩ người Việt là Lê Quang Đỉnh (Dinh Q.Lê) và Vũ Dân Tân thuộc nhóm đầu danh sách nghệ sĩ ưu tiên của cô Katie.
Mua bán nghệ thuật khá thú vị, bất chấp chuyện sưu tầm luôn nằm dưới sự quản lý sát sao của chính quyền tại nơi diễn ra hoạt động này, ông Talenia Phua Gajardo, một nhà môi giới nghệ thuật kiêm người sang lập hãng tư vấn The Artling cho biết.
“Tốt nhất người mua nên biết được ai hoặc hãng nào uy tín nhất trong nước mình/khu vực mình về chuyện mua bán tác phẩm nghệ thuật. Tìm hiểu rõ những hãng đó, các loại dịch vụ và cả bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật. Phải làm như thế vì không phải công ty vận tải nào cũng cung cấp các dịch vụ tiện ích như nhau. Người sưu tập phải biết rõ để biết có nên tự mua bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật của mình hay không.”
Và “bí kíp” của các chuyên gia:
Ông Sebastiano Cossia Castigliono, hãng tư vấn Opteres Art Advisory: Mua thứ bạn thích treo trên tường. Đừng xem đó là một khoản đầu tư. Xác định rõ phong cách và phong trào hội họa bạn yêu thích và tìm thứ hợp với cảm quan thẩm mỹ của riêng bạn. Nên tự hỏi, khi nhìn thấy họa phẩm đó trên tường, bạn có cảm xúc gì mạnh mẽ? Bạn có muốn con cháu mình vẫn giữ tác phẩm đó?… Những câu hỏi kiểu vậy dễ dàng giúp người mua chọn được đáp án đúng.
Cố vấn UBS: Đừng ngại hỏi giá của tác phẩm nghệ thuật mà bạn thích. Các phòng tranh thường chọn một số thời điểm nhất định để giảm giá tranh, song đừng vì thế mà hi vọng phòng tranh có lúc sẽ giảm giá đáng kể.
Ông James Butterwick, cố vấn nghệ thuật tại tập đoàn Oracle Capital Group: Tôi luôn tâm niệm mua một bức tranh vì bản thân bức tranh chứ không phải do danh tiếng của tác giả. Đừng thấy cái tên Renoir quá nổi mà mua bất kỳ bức tranh nào do ông vẽ – bởi Renoir, cũng như bao nghệ sĩ khác, luôn vẽ tranh xấu và tranh đẹp. Thay vào đó, người mua nên để mắt nhiều hơn đến những tác phẩm đẹp, mang tính thương mại và đặc biệt dễ nhận ra phong cách vẽ đặc trưng tác giả. Đây là yếu tố chính khiến bức tranh dễ mua đi, bán lại về sau này.
Ông Manuel Salvisberg, nhà đầu tư kiêm nhà sưu tập: Khi mua tác phẩm của một nghệ sĩ đương đại, nên mua trực tiếp từ nghệ sĩ đó. Điều này không chỉ giảm thiểu tối đa tình trạng hàng giả mạo mà còn có cơ hội được chính người bán giảm giá.
Minh Hoàng | Theo Billionaire.com