Một chi tiết thú vị nữa là toà nhà này được thiết kế song song với thời gian thi công. Rất ít kiến trúc sư dám vẽ “sống” bởi hầu hết công trình được thiết kế dựa trên vị trí có sẵn. Điều này cho phép Rietveld sử dụng căn nhà làm thí nghiệm để nghiên cứu nghệ thuật. Màu sắc được quyết định ngay tại chỗ, có vài bức tường đã phải sơn đi sơn lại vài lần mới đạt được chất lượng và sắc thái như mong đợi.
Rietveld cũng sử dụng kiểu chia tỉ lệ. Ông coi toà nhà Schroder là một tác phẩm De Stijl và thực hiện nó theo một quy mô lớn hơn rất nhiều. Thiết kế của toà nhà là sự phát triển từ khối khép kín cho tới cấu trúc mở rõ ràng, được tạo thành từ những đường thẳng và mặt phẳng như chúng ta thấy ngày hôm nay. Tương ứng với các tư tưởng của De Stijl, Rietveld không chỉ xây dựng nên một toà kiến trúc đơn lẻ mà hơn thế, nó là sự tổng hoà một cách rất cân bằng các thành phần trái ngược nhau.
Ngay từ ban đầu căn nhà đã được Rietveld ấp ủ biến thành bản tuyên ngôn của De Stijl và thậm chí ông còn làm cả một phần tài liệu ảnh rất chi tiết về kiến trúc. Thiết kế chính là lời giải thích trực tiếp nhất của ông về các ý tưởng nghệ thuật, và đó là lý do tại sao căn nhà trở nên rất nổi tiếng và trở thành một kiệt tác cho tới tận ngày hôm nay.
Kiến trúc sư người Hà Lan Gerrit Rietveld (1888 – 1964) bắt đầu sự nghiệp bằng nghề làm đồ nội thất. Năm 1919, ông tham gia trào lưu De Stijl và thiết kế chiếc ghế “xanh đỏ” (red blue chair) nổi tiếng, được giới thiệu trên nhiều tờ báo. Toà nhà Schroder thể hiện các ý tưởng của De Stijl theo quy mô lớn hơn, trở thành bản tuyên ngôn của trào lưu.
Sau này, Rietveld hợp tác với Nieuwe Bauwen (Kết cấu mới) và xây dựng 934 căn nhà ở Utrecht trong quãng thời gian 40 năm với kiểu thiết kế đặc trưng có không gian tự do và linh hoạt, được biết đến dưới thuật ngữ dematerialization (tạm dịch là tinh thần hoá). Năm 1928, ông được xem là thành viên sáng lập của CIAM – Tổ chức kiến trúc hiện đại quốc tế. Từ năm 1942 – 1948, Rietveld tham gia giảng dạy trong các trường đại học ở Hà Lan.
Trích đoạn dưới đây cho chúng ta biết tại sao Rietveld muốn tạo nên một kiểu kiến trúc mới: “Chúng ta không tránh xa các phong cách cũ bởi chúng xấu, bởi chúng không thể mô phỏng hay bắt chước được nữa mà bởi thời đại của chúng ta đòi hỏi những hình thái riêng, ý của tôi là những bản tuyên ngôn riêng biệt”.
Sở dĩ Rietveld có thể tạo ra tác phẩm xuất sắc này cũng bởi vì ông đã gặp đúng khách hàng: bà Schroder – người được xác định là đã đưa ra nhiều yêu cầu và đề nghị với Rietveld. Ví dụ, các tiêu chuẩn cho phòng ở dưới đây là của bà Schroder:
Giường ngủ phải kê được tối thiểu từ hai vị trí khác nhau trở lên trong phòng.
Phòng nào cũng phải có hệ thống cấp, thoát nước trực tiếp.
Phòng nào cũng phải có cửa bước thẳng ra ngoài.
Bà Schroder cũng từ chối một không gian mở hoàn toàn ở tầng trên cho bọn trẻ, điều này đã khiến Rietveld nghĩ tới hệ thống cửa panel trượt và xoay rất linh hoạt. Tất cả những điều trên cho thấy tầm quan trọng của mối liên hệ giữa chủ nhà và kiến trúc sư để đạt tới kết quả cuối cùng.
LuxeVN: Bởi vì toà nhà Schroder mang dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật hơn là một căn nhà thuần tuý nên nó trở thành độc nhất vô nhị trong lịch sử kiến trúc. Hơn thế, những đặc trưng về phần chạm trổ của nó đã để lại ảnh hưởng rất sâu đậm lên nhiều công trình thiết kế và xây dựng ở nửa sau thế kỷ 20. Toà nhà là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các kiến trúc sư nổi tiếng như Le Corbusier và giúp cho sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu Hiện đại ở châu Âu.
Kim Thư