LuxeVN – Toà nhà Schroder được các kiến trúc sư châu Âu đánh giá là biểu tượng của khuynh hướng hiện đại trong kiến trúc. Nó cũng được coi là bản tuyên ngôn và đỉnh cao của De Stijl, một trào lưu nghệ thuật tiên phong phát triển ở Hà Lan trong thập kỷ 1920.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã mang đến những thay đổi cơ bản cho nền nghệ thuật châu Âu. Các nghệ sĩ không còn phải đeo theo mình những mối ưu tư như trước khi cuộc chiến xảy ra nữa, và họ bắt đầu tìm cách đột phá từ những ý tưởng thuộc trào lưu Art Nourveau. Thay vì tái thể hiện không gian tự nhiên và cố gắng thể hiện sự phong phú, họ bắt đầu tìm kiếm sự trừu tượng, tinh khiết, trong trẻo và muốn đưa hình học vào tác phẩm của mình.

Ý đồ của KTS được thể hiện rõ ràng ngay từ mặt tiền tòa nhà

Ý đồ của KTS được thể hiện rõ ràng ngay từ mặt tiền tòa nhà

Kiến trúc sư người Hà Lan Gerrit Rietveld thiết kế toà nhà Shroder cho bà Truus Schroder và ba đứa con. Nó nằm ở rìa thành phố Utrecht, Hà Lan, ngay sát vùng ngoại ô. Bà Schroder sống trong đó từ năm 1924 cho tới khi qua đời vào năm 1985.

Phần nội thất đơn giản nhưng cách phối màu thì vô cùng độc đáo

Phần nội thất đơn giản nhưng cách phối màu thì vô cùng độc đáo

Rietveld làm đồ án toà nhà Schroder theo cách của Mondrian – hoạ sĩ nổi tiếng nhất của trào lưu De Stijl – thể hiện các bức tranh: sử dụng mỗi thành phần kiến trúc và kết cấu như những đường thẳng và những mặt phẳng vuông được sắp xếp một cách cân xứng. Vị trí, hình dáng, màu sắc của mỗi thành phần trong thiết kế đều tuân theo một quy tắc nhất định. Sau này, nhiều nhà kiến trúc đã mô tả toà nhà Schroder như là một “bản sao Mondrian” (cardboard Mondrian). Điều này được nhấn mạnh bởi thực tế rằng Rietveld đã sử dụng các màu cơ bản là đỏ, xanh dương, vàng, đen, trắng và các bóng của màu xám – chính là những gam màu Mondrian thường sử dụng nhất trong tranh của mình.

Trào lưu De Stijl xuất hiện ở Hà Lan sau Thế chiến thứ nhất. Đó là tập hợp của một nhóm nghệ sĩ có nhiều ảnh hưởng, đứng đầu là Theo van Doesburg. Các nghệ sĩ như Piet Mondrian, Hans Arp, Oud or Vilmos Huszar cũng đóng góp rất nhiều cho trào lưu De Stijl. Họ nỗ lực tìm kiếm để đạt tới nghệ thuật tinh khiết thông qua sự “trừu tượng hoàn toàn”, sự chính xác và bộ môn hình học. Việc sử dụng các màu cơ bản như xanh, đỏ, vàng kết hợp với đen, trắng, xám cũng là nét đặc trưng của De Stijl. Trào lưu này phát triển như một trong những nhà tiên phong chính của thế kỷ 20 và lan sang nước Đức, ảnh hưởng tới sự thành lập trường phái kiến trúc Bauhaus ở quốc gia này năm 1919.

Mặc dù toà nhà Schroder rõ ràng là một tác phẩm nghệ thuật nhưng Rietveld cũng hết sức quan tâm tới phần chức năng của nó. Căn nhà có một chiều 7m, một chiều 9m, 2 tầng, nối với nhau bằng một cầu thang xoắn ốc ở chính giữa. Phần kết cấu được làm từ các tấm bê tông chịu lực và thép. Theo các quy định của toà nhà, thiết kế của tầng dưới mang tính cổ điển và truyền thống hơn (với các bức tường cố định). Tầng trên mới thực sự mang lại nhiều điều thú vị.

Toàn bộ tòa nhà là sự kết hợp giữa những đường thẳng và mặt phẳng vuông

Toàn bộ tòa nhà là sự kết hợp giữa những đường thẳng và mặt phẳng vuông

Đó là một không gian mở xung quanh chiếc cầu thang. Tuy nhiên, nó có thể chuyển đổi và phân chia thành ba phòng ngủ với một phòng khách bằng hệ thống cửa panel trượt và xoay. Đồ đạc ăn khớp một cách cố ý cũng là một phần trong thiết kế và được sơn bằng những tông màu cơ bản như của phần nội thất. Sự linh hoạt có tính cách mạng trong bản vẽ đã tạo ra một bước ngoặt rõ rệt đối với các công trình kiến trúc trước đó (trong một căn nhà Hà Lan truyền thống, các phòng gắn với nhau bởi những hành lang và chúng là thành phần không thể thiếu trong việc sắp xếp, bố trí phòng ở).

Đây là bước đột phá lớn đối với nghệ thuật kiến trúc những năm 1920

Đây là bước đột phá lớn đối với nghệ thuật kiến trúc những năm 1920

Khoảng trống ở trên lầu trong toà nhà Schroder chính là yếu tố quyết định: nó có thể chuyển từ hình dạng này sang hình dạng khác tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng. Hơn thế, Rieveld là người đầu tiên không xem khoảng trống là khái niệm xác định trong hình khối. Tư tưởng của ông là muốn nhấn mạnh đến tính linh hoạt (thay đổi hình dạng) và liên tục của không gian.

Bản vẽ thiết kế tầng trệt tòa nhà Schroder

Bản vẽ thiết kế tầng trệt tòa nhà Schroder

Trong bản vẽ, căn nhà không chỉ là một khối thống nhất mà nó có thể biến hoá rất linh động, tuỳ theo thị hiếu thời đại. Có rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra trong hơn 60 năm toà nhà này thuộc sở hữu của bà Schroder. Thực tế là căn nhà cho phép thay đổi dần dần theo thời gian và phát triển cùng với các chức năng của nó.

Mời quý độc giả theo dõi tiếp tại đây.

Kim Thư

1 2
No more articles