LuxeVN – Nội thất càng sang trọng thì công việc bảo quản càng nên được chú trọng để chúng giữ được vẻ đẹp ban đầu và nâng cao tuổi thọ. Sau đây là một số bí quyết bảo dưỡng các loại nội thất chất liệu khác nhau.

1. Nội thất gỗ

Gỗ là chất liệu tự nhiên sang trọng cho căn nhà. Sau một thời gian sử dụng gỗ thường mất đi độ bóng, xuất hiện các vết xước, vết ố do ẩm mốc hoặc xỉn màu nếu không được bảo dưỡng đúng cách.

wood

 

Tránh ẩm mốc

Do gỗ thường được sấy khô trước lúc đưa vào sản xuất nên có tính hút ẩm cao. Độ ẩm cao khiến gỗ phồng rộp và gây ra nấm mốc, mối mọt còn độ ẩm thấp (khô) thì làm gỗ tách hoặc nứt. Vì vậy, đồ gỗ nên được bố trí trong môi trường khô thoáng, tránh nơi nước mưa có thể hắt vào kết hợp với máy hút ẩm để duy trì độ ẩm đều đặn khoảng 50%. Nếu có vết nước đọng trên bề mặt gỗ, đặt tấm vải mềm và ẩm lên vết nước, dùng bàn là là vài lần, nước sẽ bốc hơi và bay đi.

Tránh ánh sáng mặt trời

Ánh sáng trực tiếp vừa làm cong vênh, vừa làm phai màu đồ gỗ. Do đó, đồ gỗ nên được đặt ở khu vực ít ánh sáng, đồng thời có thể dán màn hình hoặc phim mỏng trên cửa sổ để ngăn tia cực tím.

Tránh xước

Khi vận chuyển xa, đồ gỗ nên được bọc kĩ trong các chất liệu mềm; lưu ý tránh va đập khi bố trí lại đồ đạc trong nhà. Trong sử dụng hàng ngày, không để trực tiếp đồ đạc lên bề mặt gỗ, nên để một tấm kính trên mặt bàn hoặc tấm đệm dưới ấm chén và không lau chùi bằng những vật thô ráp. Một số vết trầy xước nhỏ trên bề mặt có thể che bằng xi đánh giày có màu giống với màu gỗ.

Đánh bóng đồ gỗ đúng cách

Công việc này nên được tiến hành ít nhất ba hoặc bốn lần một năm bằng dầu bóng. Tuy nhiên, đánh bóng quá mức trên đồ gỗ lại có thể hình thành một lớp mây trên bề mặt. Một lưu ý nữa là không nên tùy ý pha trộn các loại dầu đánh bóng khác nhau.

Làm mới đồ gỗ

Trước khi quét sơn, ta dùng giấm lau đi một lượt. Khi sơn xong, dùng nước chè đặc hoặc nước gạo lau qua một lượt sẽ giúp sơn láng bóng và khó bong tróc. Để gồ gỗ luôn như mới, nên lau chúng bằng cách sử dụng một mảnh vải thấm sữa bò hoặc nửa cốc nước pha với giấm hay một cốc nước trà để nguội. Đối với vết bẩn do nước chè để lại, dùng giấy thiếc trong bao thuốc lá để lau đi lau lại. Nếu bề mặt gỗ bị nứt, trộn dầu trẩu với tro vải bông thành dạng hồ đặc, trám vào vết nứt rồi phơi khô.

Khử mùi sơn gỗ mới

Ta đem một bát sữa bò đã đun sôi hoặc bã cà phê để vào trong ngăn tủ mới quét sơn, đóng kín cánh cửa tủ lại, sau khoảng 5 tiếng, mùi sơn sẽ không còn.

2. Nội thất da

Da được biết đến là một chất liệu lâu đời và có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, sử dụng và bảo dưỡng da như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng biết.

da

Làm sạch đồ nội thất da

Do da là chất liệu dễ bám bụi bẩn hay mồ hôi, bề mặt da nên được làm sạch thường xuyên với một máy hút bụi nhỏ và lau chùi bằng vải mềm thấm xà phòng pha loãng, sau đó lau lại ngay bằng vải mềm và khô, độ thấm hút cao để tránh mốc. Có thể sử dụng dung môi, dầu bóng, xi hay các chất tẩy rửa khác nhưng không nên lạm dụng vì có thể làm căng da, mòn chỉ và phai màu da. Cũng cần lưu ý không sử dụng bàn chải cứng để chà xát mạnh lên những vết bẩn khó phai mà có thể lấy tăm bông tẩm cồn để loại bỏ.

Tránh ánh sáng mặt trời

Cũng như gỗ, da sẽ mất dần độ bóng và bị khô nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Do vậy khi bố trí đồ đạc, nên đặt đồ da ở nơi ít bị ánh nắng chiếu vào và dùng dầu dưỡng cho chất liệu da khoảng 6 tháng/lần.

 

Tránh ẩm mốc

Hơi đất sẽ làm cho da mất đi độ bền và hẩm sẽ làm cho da mốc meo vào mùa mưa nên khi sử dụng đồ da, không nên để bề mặt tiếp xúc với nền nhà, dù nền nhà lát gạch hay xi măng. Bố trí đồ da ở nơi khô thoáng là một cách bảo vệ hiệu quả.

Làm mới đồ da

Nếu những vật dụng bằng da hay bọc da trở nên cũ kỹ, phai màu, dùng dầu thông pha dấm (ba dầu, một dấm) hoặc một cái khăn mềm tẩm dầu ăn đánh thật mạnh tay lên mặt da. Một biện pháp hữu hiệu khác đó là cắt nửa củ hành tây theo chiều ngang, và dùng nó kỳ cọ lên mặt da.

Khử mùi cho nội thất đồ da

Bột nở làm bánh có thể sử dụng để nhẹ nhàng loại bỏ mùi hôi của da bằng cách pha 1 muỗng bột với 1 lít nước ấm để lau toàn bộ sản phẩm và sau đó, để khô tự nhiên. Ngoài ra, cũng có thể lựa chọn cách pha loãng giấm trắng với nước ấm, nhúng vải sạch vào vắt khô và lau toàn bộ sản phẩm.

3. Nội thất kim loại

Bồ hóng, bụi bẩn, mạt kim loại làm cho đồ dùng kim loại trở nên cũ kĩ. Trong quá trình sử dụng, sự thay đổi thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ sẽ mau làm phai màu sơn, oxi hóa và gỉ sét. Vì thế cho nên công việc vệ sinh nên được tiến hành thường xuyên trước lúc đồ dùng xuống cấp quá nặng.

edited

Mỗi kim loại được áp dụng những biện pháp vệ sinh khác nhau.

Đối với đồ dùng sắt thép, dùng bàn chải kim loại và dao để cạy lớp sơn bị tróc, sau đó dùng giấy nhám đánh đến khi bề mặt nhẵn nhụi trơn láng và trám lên bề mặt hợp chất kim loại có bán ở các cửa hàng vật liệu xây dựng. Tiếp theo, chà giấy nhám lên chỗ vừa trám đến khi bề mặt nhẵn mịn bằng với lớp kim loại cũ. Rồi phủ một lớp sơn chống gỉ sét bằng bình xịt khí bán tại các cửa hàng phụ tùng xe: để vòi phun sơn cách bề mặt 20cm, sau đó chờ khô thì phun thêm lớp sơn lót.

Các vật dụng mạ vàng lại đòi hỏi việc bảo quản nhẹ nhàng hơn với cọ mềm hay khăn lau cho hết bụi bặm bám trên lớp vàng mạ. Một mẹo nhỏ nhưng vô cùng hiệu quả là đánh một cái lòng trắng trứng gà cho nổi bọt với một ít muối và dùng hỗn hợp này chùi kỹ lên lớp vàng mạ, vết ố trên đồ dùng sẽ bị đánh bay.

Đối với đồ mạ bạc, chỉ cần lau chùi, quét bụi, không đánh bóng vì lớp mạ bạc có thể dễ bị bong. Để phục hồi đồ mạ bạc có thể sử dụng dung dịch mạ bạc nhưng không nên lạm dụng dung dịch này.

4. Nội thất đồ nhựa

Chất liệu nhựa ngày càng được biến hóa đa dạng với nhiều kiểu dáng, màu sắc như nhựa giả mây, nhựa giả gỗ và cũng có rất nhiều cách bảo quản các đồ vật nội thất nhựa.

plastic edited

Làm sạch đồ nhựa

Cồn là chất tẩy rửa hiệu quả dành cho đồ nhựa đi bị ố bẩn hay bị vàng. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng dung dịch benzen để những vật dụng bằng nhựa lấy lại vẻ sáng bóng, sạch sẽ ban đầu. Hàng ngày, việc lau chùi chỉ cần được tiến hành đơn giản bằng cách dùng giẻ lau thấm xà phòng, sau đó lau lại bằng vải mềm và nước sạch.

Tránh nhiệt độ cao

Nội thất bằng nhựa nên được bố trí xa nguồn lửa, tránh những nơi nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao sẽ làm cho nhựa giãn nở, trong trường hợp quá cao sẽ dẫn đến cong vênh, nóng chảy, làm giảm tuổi thọ.

Tránh ánh nắng trực tiếp

Ánh nắng trực tiếp là tác nhân làm màu sắc tươi tắn ban đầu của nhựa nhanh chóng bị phai bạc. Trong thời gian dài, kết hợp với các điều kiện thời thiết bất lợi khác, chất lượng nhựa sẽ giảm xuống đáng kể. Vậy nên, bố trí đồ nhựa ở nơi râm mát là điều cần thiết.

5. Nội thất mây tre đan

Với vẻ đẹp giản dị tự nhiên nhưng không kém phần tinh tế, các sản phẩm mây tre đan luôn mang lại nét mới lạ cho không gian sống của nhiều gia đình nhưng việc bảo quản lại không hề đơn giản.

rattan light

Xử lí ẩm mốc, mối mọt

Trước lúc sử dụng nên đem phơi một đến hai nắng để nội thất được khô. Sau đó, phun khử trùng để diệt hết mầm mống nấm mốc. Đồ mây tre đan nên được bố trí ở không gian khô thoáng, sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nước bằng cách phủ lên mặt bàn một tấm kính, bọc chân ghế bằng keo epoxy. Nếu phát hiện mối mọt thì có thể ngâm sản phẩm trong nước pha giấm, phơi nắng và sau đó phủ sơn. Sơn bóng, sơn dầu hay sơn PU cũng có tác dụng ngăn chặn mối mọt.

Làm sạch đồ mây tre đan

Đồ mây tre đan nên được vệ sinh nhẹ nhàng bằng chổi nhỏ hay vải mềm thấm ít nước xà phòng. Tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh. Người sử dụng nên dùng máy để hút bụi bẩn ở các kẽ hở và thao tác cẩn thận để không làm xước vật dụng. Nếu không may làm dây mực hay các loại hóa chất lên đồ mây tre đan, phải nhanh chóng lau ngay để tránh thấm vào chất liệu.

Làm mới đồ mây tre đan

Để đồ mây tre đan giữ được vẻ đẹp ban đầu, ngoài công việc vệ sinh thường xuyên thì mỗi năm nên sơn lại một lần.

Đan Thanh

No more articles