LuxeVN – Magnus/II có vỏ đồng nguyên khối đi cùng với những mấu tròn chứa dạ quang tạo nên một vẻ ngoài ấn tượng, cho người xem liên tưởng tới những bộ đồ lặn thời kỳ đầu tiên – Bộ quần áo bằng đồng với chiếc mũ tròn dày dặn cùng lớp đinh tán trên các mối ghép tạo nên một cảm giác chắc chắn và hầm hố.
Giữ cảm hứng xuyên suốt trong loạt sản phẩm của mình, lần này, Angular Momentum tung ra chiếc Magnus/II sử dụng những chất liệu và kỹ thuật cổ điển kết hợp với triết lý thiết kế tạo ra những sản phẩm mà trên thế giới chỉ có vài người muốn sở hữu. Điều này có thể thấy ngay trong những cái tên được khắc ở mặt sau đồng hồ: Magnus và Manu Propria.
Magnus trong tiếng Latin có nghĩa là vĩ đại, thường được các vị vua vùng Bắc Âu sử dụng để làm tên hiệu cho mình. Manu Propria có nghĩa gốc là được ký bởi chính tay một ai đó, sau chuyển thể và hiểu thành “được chế tạo toàn bộ bởi 1 người nào đó”. Thuật ngữ này nhấn mạnh tính thủ công và duy nhất của sản phẩm. Thời cổ, cụm từ Manu Propria thường đi kèm với chữ ký trong các văn bản. Cho đến nay, chỉ còn 2 quốc gia hiếm hoi sử dụng thuật ngữ này trong các văn bản là cộng hoà Czech và cộng hoà Slovak.
Magnus/II có vỏ được làm từ đồng điếu (bronze), đồng thau (brass) và bạc Đức. Mặt đồng hồ được bảo vệ bởi một lớp sapphire chống loá, viền đồng hồ xoay được để đặt thời gian lặn. Viền này có 11 khoang chứa dạ quang Émail Lumineuse, với màu xanh lá cây ở các vị trí 12, 6, 9; màu xanh da trời ở các vị trí giờ còn lại. Riêng vị trí 3 giờ là chốt cố định viền xoay, cùng vai trò báo thời gian lặn được đánh dấu bằng dạ quang xanh lá cây Émail Lumineuse.
Cái tên Ma thuật của đồng (Magic of Bronze) cũng nói lên nhiều cảm hứng từ Magnus/II. Bronze trong Magic of Bronze không chỉ có nghĩa là đồng điếu (hợp kim của đồng và thiếc). Định nghĩa này mới chỉ xuất hiện vào khoảng năm 1730 tới 1740. Nhưng trước đó vào thế kỷ 13, bronzo tiếng Ý còn có nghĩa là kim loại làm chuông hay đồng thau (hợp kim của đồng và kẽm). Từ bronzo vốn được chuyển thể từ tiếng Latin thời Trung Cổ: bronzium. Từ bronze xuất hiện tại Pháp năm 1511.
Mặt đồng hồ được làm bằng bạc Đức với các điểm chỉ thời gian cũng sử dụng loại dạ quang đặc biệt của AM. Kim đồng hồ chỉ giờ và chỉ phút của Magnus/II được làm từ đồng thau và áp dụng kỹ thuật men sứ “Plique à Jour” Émail Lumineuse xanh lá cây. Núm vặn đồng hồ cũng sử dụng đồng thau với điểm nhấn bằng dạ quang xanh lá cây. Dây đồng hồ làm bằng hợp chất cao su mềm màu đen với hệ thống khoá riêng biệt Angular Momentum locking system. Đồng hồ sử dụng bộ máy lên dây bằng tay FHF 72 với vỏ có đường kính 41,6mm. Đồng hồ chịu nước được tới độ sâu 100m.
Cũng như “Khổng lồ một mắt”, chiếc Magnus/II gợi cho ta liên tưởng tới những thiết kế steampunk – sự giao thoa giữa nghệ thuật cơ khí cổ điển và hiện đại. Đằng sau vẻ ngoài hầm hố, phá cách là tinh hoa của nghệ thuật cơ khí kết hợp với những phát minh, sáng tạo mới cùng các phương pháp chế tác tưởng như sẽ không còn được sử dụng trong thế kỷ 21. Tất cả những chi tiết trong Magnus/II đã khiến cho nó xứng đáng trở thành một tác phẩm nghệ thuật ngoài ý nghĩa chỉ là một vật dụng đeo tay xem giờ đơn thuần.
Xem thêm về “Khổng lồ một mắt” – Polyphemos/II tại đây.
Nguyễn Tiệp